Tính từ đầu năm đến giờ đã có 2 ngân hàng thành công với kế hoạch thoái vốn khỏi công ty tài chính (CTTCC) tiêu dùng tại Việt Nam. Đồng thời, cũng có không hiếm nhà băng đang âm thầm lên kế hoạch săn tìm và mua lại các CTTC.
Ngân hàng có muốn "dứt áo" khỏi công ty tài chính tiêu dùng
Hôm qua, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã ký kết các thỏa thuận chuyển nhượng vốn điều lệ tại CTTC SHB Finance cho Ngân hàng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan – thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG – Nhật Bản. Việc chuyển nhượng này sẽ được chia thành 2 giai đoạn, mỗi lần 50%.
Thỏa thuận chuyển nhượng SHB Finance nếu được cơ quan chức năng thông qua sẽ đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông của SHB cũng như nâng cao năng lực tài chính và vị thế của SHB. Đồng thời, việc hợp tác chiến lược giữa hai ngân hàng có quy mô và vị thế top 5 tại Việt Nam, Thái Lan sẽ mở ra cơ hội phát triển mang tầm khu vực và vươn ra thế giới.
Trước đó, FE Credit từng được xem là “con gà đẻ trứng vàng” khi mà trong nhiều năm gần đây, công ty con này đã mang về 45 - 50% tổng lợi nhuận hợp nhất cho ngân hàng mẹ. Thế nhưng khi được trả giá hời, VPBank cũng bán chốt “deal” ngay lập thức.
Cụ thể, cuối tháng 4 vừa qua, VPBank chính thức bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui. Thời điểm bán vốn, FE Credit được định giá đến 2,8 tỷ USD. Theo đó, khoản tiền VPBank có thể thu về từ thương vụ này là gần 1,4 tỷ USD- giá trị chuyển nhượng cao nhất trong ngành tài chính - ngân hàng tại Việt Nam từ trước tới nay.
Hiện tại ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) cũng đang có kế hoạch thoái 100% vốn khỏi CTTC FCCOM, thay vì mức 50% như kế hoạch đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua.
Theo MSB, ngân hàng này đã xin giấy phép từ NHNN, dự kiến thời gian thực hiện tìm đối tác và hoàn thành thương vụ không dưới 1 năm, sớm nhất là cuối năm 2022.
Trong khi một số nhà băng đã và đang tìm cách thoái vốn khỏi các CTTC khi thời điểm thuận lợi thì cũng có những ngân hàng nội như ACB, OCB, Tpbank… lại “săn tìm” và mua lại CTTC.
Công ty tài chính FE Credit hiện đang chiếm khoảng 50% thị phần cho vay tiêu dùng ở Việt Nam.
Sức hút từ thị trường tài chính tiêu dùng đầy tiềm năng
Trong hơn 10 năm phát triển, tài chính tiêu dùng Việt Nam ngày càng cho thấy tiềm năng và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng với quy mô dân số hơn 98 triệu người, dân số trẻ ở độ tuổi trung bình 32,9 tuổi.
Dư nợ tín dụng tiêu dùng cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2012. Năm 2021, nhiều chuyên gia dự báo nhu cầu tín dụng tiêu dùng khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng cao, có thể tăng khoảng 13-15%.
Đây là lý do thời gian qua, rất nhiều ngân hàng trong nước đã nhiều lần hé lộ kế hoạch “săn tìm” và mua lại công ty tài chính. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng cho thấy sự quan tâm đặc biệt tới thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam. Và chắc chắn, những thương vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực này sẽ còn sôi động thời gian tới.
Chia sẻ về việc thoái vốn tại SHBF, ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT SHB cho biết: “Thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam giàu tiềm năng và dư địa tăng trưởng lớn. SHB Finance là một “cô gái đẹp”, có sức khỏe tài chính lành mạnh. Sau thời gian chọn lựa và đàm phán, đã tìm được một đối tác phù hợp với chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ hiện đại đa năng, góp phần mang lại giá trị cộng hưởng trên nhiều khía cạnh như trình độ quản trị, công nghệ, nâng cao năng lực tài chính, phát triển khách hàng, sản phẩm, mở rộng hợp tác đầu tư quốc tế và nâng cao uy tín, hình ảnh SHB trên khu vực và thế giới”.
Tại buổi gặp gỡ Gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân và Cập nhật Kết quả Kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc VPBank cho biết: “Chúng tôi không bán con gà đẻ trứng vàng. Với 51% cổ phần mà VPBank đang sở hữu tại FE Credit, chúng tôi vẫn nhận được lợi nhuận lớn trong tương lai”.
Theo một báo cáo gần đây của FiinGroup về thị trường cho vay tiêu dùng trong nước ghi nhận, tỷ trọng tín dụng tiêu dùng đã chiếm khoảng 20,5% tổng dư nợ nền kinh tế, cao gấp 2,5 lần so với năm 2012, tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm.
Tuy nhiên, nếu bóc tách phần tín dụng liên quan đến nhà ở thì thực chất tín dụng tiêu dùng mới tương đương khoảng 12% trong tổng dư nợ nền kinh tế.
Dù COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của các CTTC trong nước, song tiềm năng tăng trưởng của thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn rất lớn bởi tại nhiều nước trên thế giới, dư nợ tín dụng tiêu dùng chiếm tới 40%.