Ðặc biệt, trong bối cảnh ngành này đang chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện thì tình trạng nêu trên đang có xu hướng gia tăng nhiều hơn.
Xu hướng gia tăng tỷ lệ tội phạm
Tình hình tội phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng ở Việt Nam hiện nay đang diễn ra rất phức tạp, với tính chất, quy mô, thủ đoạn ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng nhanh chóng, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Mới đây, Công an TP Đà Nẵng cho biết đang tạm giữ Lê Thị Sương (Đà Nẵng) để điều tra, xử lý về hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của các cơ quan, tổ chức. Theo đó, Sương đã cùng một số đối tượng có liên quan thông qua các mối quan hệ rồi tiếp cận những người đang nợ xấu ngân hàng, không có khả năng trả nợ nhưng rất cần vay vốn tiếp để chi tiêu. Sương và đồng bọn đã sử dụng con dấu, chữ ký giả và các “thủ thuật” để làm giả CMND, hộ khẩu, quyết định nâng lương, sao kê tài khoản, làm giả chứng thực của văn phòng công chứng nhằm thay tên đổi họ, giúp những người có nợ xấu qua mặt các tổ chức tín dụng.
Tang vật của một vụ án lừa đảo
Trước đó, vào tháng 11-2020, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) khởi tố vụ án, khởi tố bị can Lưu Văn Cường (27 tuổi, trú Hưng Hà, Thái Bình) cùng ba đồng phạm Phạm Văn Hảo (Hà Nội), Đồng Thị Thu Hằng (Hà Nội), Nguyễn Thị Phương Nga (Bắc Giang) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra ban đầu, Cường dùng hồ sơ giả mang tên Nguyễn Văn Tâm (Hà Nội) đến một ngân hàng ở quận Hoàn Kiếm vay 600 triệu đồng để mua ô tô. Tại cơ quan công an, Cường khai với cùng thủ đoạn trên, Cường và các đồng phạm còn lừa đảo chiếm đoạt 700 triệu đồng của một ngân hàng khác có địa chỉ ở quận Đống Đa.
Có thể thấy, với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp của loại hình tội phạm này đã gây ra những thiệt hại cho cả công ty tài chính lẫn ngân hàng. Đặc biệt, các ngân hàng phải gánh chịu rủi ro mất vốn cao hơn so với các công ty tài chính do khoản vay thường lớn hơn nhiều.
Theo thống kê của Viettel Cyber Security, chỉ riêng trong tháng 3 và tháng 4-2020, đã có gần 100 tên miền lừa đảo mới được đăng ký có liên quan tới tài chính, ngân hàng, chiếm hơn 6%. Tỷ lệ này tăng lên 27% vào tháng 6 và tháng 7-2020.
Phương thức mới, thủ đoạn tinh vi
Theo Ngân hàng Nhà nước, 95% các tổ chức tín dụng, ngân hàng tại Việt Nam đã và đang tiến hành chiến lược chuyển đổi số. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển của công nghệ là việc kéo theo nhiều nguy cơ tiềm ẩn về các hành vi phạm tội trong lĩnh vực này.
Để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong việc tiếp cận các khoản vay tiêu dùng, các công ty tài chính ngân hàng thường ứng dụng công nghệ duyệt vay online, định danh khách hàng bằng công nghệ eKYC. Việc này sẽ giúp cho khách hàng tiết kiệm thời gian, đơn giản hoá thủ tục, giải ngân nhanh chóng. Đây cũng là giải pháp được nhiều chuyên gia tài chính đánh giá cao và góp phần giúp người dân tìm nguồn vay chính thống thay vì các kênh tín dụng đen. Tuy nhiên, kẻ gian cũng lợi dụng hình thức này để lừa đảo một cách chuyên nghiệp và tinh vi nhằm qua mặt hệ thống thẩm định.
Cụ thể, kẻ lừa đảo giữ nguyên thông tin, gồm: số CMND, tên tuổi của người bị giả mạo nhưng tráo ảnh trên CMND để tiếp cận khoản vay qua ứng dụng online của công ty tài chính tiêu dùng. Sau đó tiếp tục tạo tài khoản ngân hàng trùng tên với số CMND của người bị giả mạo để tiến hành nhận tiền giải ngân. Với thủ đoạn này, đối tượng lừa đảo thậm chí còn qua mặt cả nhân viên ngân hàng giao dịch tại quầy để mở tài khoản nhằm nhận giải ngân từ công ty tài chính tiêu dùng. Nhiều nạn nhân bỗng dưng dính nợ xấu trên “CIC”, mất thời gian và công sức để đi giải quyết và điều chỉnh thông tin CIC của mình. Mặt khác, các công ty tài chính cũng lâm vào hoàn cảnh “oái ăm” khi mất trắng khoản vay.
Bên cạnh giả mạo thông tin, kẻ lừa đảo còn giả danh nhân viên ngân hàng, thông báo với khách hàng về việc tài khoản hay thẻ tín dụng đang có vấn đề, cần người dùng xác minh nếu không sẽ bị treo tài khoản hoặc mất tiền… Sau đó, kẻ mạo danh đề nghị các khách hàng cung cấp mã giao dịch OTP và nghiễm nhiên chiếm đoạt tiền từ tài khoản, thẻ tín dụng.
Đáng chú ý, tội phạm lừa đảo còn dùng phương thức phát tán mã độc thông qua thông tin cập nhật về dịch bệnh và cách phòng tránh dịch bệnh gửi tới khách hàng trên email, SMS, các ứng dụng mạng xã hội, hoặc lập số điện thoại gần giống số đường dây nóng của ngân hàng. Sau đó, các đối tượng đã lừa người dùng cung cấp thông tin để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.
Nâng cao cảnh giác, bảo mật thông tin cá nhân
Theo báo cáo thị trường ứng dụng điện thoại di động tại Việt Nam của Appota công bố, 76% người tiêu dùng Việt Nam hiểu rõ việc bảo vệ dữ liệu và bảo mật thông tin cá nhân là vô cùng quan trọng. Thế nhưng, lại có đến 82% số người được hỏi sẵn sàng chia sẻ thông tin cá nhân để được nhận quà tặng khuyến mãi. Con số này cho thấy, nhiều người vẫn chưa coi trọng việc bảo mật thông tin cá nhân.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, chuyên gia công nghệ của BKACAD chia sẻ: "Khi Internet phát triển, việc kết nối trở nên dễ dàng, với mỗi một thông tin của cá nhân, kẻ xấu hoàn toàn có thể tìm kiếm, khai thác thêm từ Internet. Ví dụ khi biết họ tên, số điện thoại hay email, kẻ xấu có thể tìm được từ Internet hình ảnh, ngày tháng năm sinh, nơi ở... cá nhân khai báo ở một website nào đó. Hình thức tấn công này thuật ngữ chuyên môn chúng tôi gọi là Reconnaissance Attack. Rồi từ các thông tin thu thập được này, kẻ xấu có thể sử dụng để lừa đảo, mạo danh để chiếm đoạt tài sản từ bạn bè, gia đình, thậm chí cả tài khoản ngân hàng".
Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an), lĩnh vực tài chính ngân hàng trong thời gian qua còn tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật, chưa khắc phục và chưa giải quyết kịp thời. Vì vậy, để ngăn ngừa các hoạt động tội phạm tinh vi này, rất cần có sự nâng cao cảnh giác, hiểu biết từ phía khách hàng về bảo mật thông tin đồng thời đòi hỏi các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán cần tiếp tục đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới, dựa trên nguồn dữ liệu lớn và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích khách hàng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng, công ty tài chính cũng liên tục phát đi cảnh báo về bảo mật thông tin đối với khách hàng. Mới đây, OCB khuyến cáo khách hàng cảnh giác với những cuộc điện thoại, tin nhắn, email tự nhận là nhân viên ngân hàng để tiếp thị và hướng dẫn thực hiện các khoản vay tín chấp không rõ ràng và yêu cầu phải chuyển khoản, thanh toán trước các khoản phí mở hồ sơ, nhận hợp đồng hay giải ngân tiền. OCB khẳng định ngân hàng không yêu cầu nạp tiền, chuyển khoản, thanh toán hay thu bất kỳ loại phí nào của khách hàng trong quá trình xem xét và đánh giá khoản vay.
Để bảo mật thông tin và tài sản, VietinBank cũng khuyến cáo khách hàng chỉ truy cập vào fanpage chính thức và duy nhất của ngân hàng với tên VietinBank, có tick xanh. Đặc biệt lưu ý khách hàng không truy cập, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng điện tử như tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP cho bất kỳ ai. Bên cạnh đó, khách hàng không mở email được gửi từ những địa chỉ lạ, không truy cập vào đường link lạ để tránh bị mã độc xâm nhập.
Trong khi đó, công ty tài chính tiêu dùng FE CREDIT cũng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin thẻ như: số thẻ, mã PIN, số CVV, tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, câu hỏi bảo mật, các thông tin khác liên quan đến việc sử dụng thẻ… cho bất kỳ ai và dưới bất cứ hình thức nào. Không để người khác chụp hình cá nhân hoặc các giấy tờ tùy thân, thẻ tín dụng. Cẩn thận trong các giao dịch qua mạng, điện thoại, thư tín để không bị lộ, bị đánh cắp thông tin thẻ (số thẻ, số CVV,…) dẫn đến bị kẻ gian lợi dụng.