'Lính truy nã không bao giờ bỏ cuộc'

(PLO)- Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Thuận vừa kết thúc chuyên án dài hơn 1/4 thế kỷ, bắt giữ bị can truy nã đặc biệt cuối cùng của một chuyên án.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Công việc dồn dập, anh em trinh sát phải bền bỉ bám theo từng chuyên án, không có cả thời gian về với vợ con nên cứ lỗi hẹn hoài, mong mọi người thông cảm”. Trung tá Nguyễn Thành Văn, Đội trưởng Đội Truy nã, truy tìm, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Thuận, nói vì nhiều lần lỗi hẹn.

Theo dấu bị can 1/4 thế kỷ

Trinh sát truy nã thời gian dành cho gia đình gần như rất ít và hầu hết trinh sát phải theo đuổi từ năm này qua năm khác, trong khi bị can trốn truy nã thường thay tên đổi họ, hình dạng cũng khác biệt so với ảnh nhận dạng cũ kỹ, kém chất lượng.

Cảnh “cơm đường cháo chợ” theo đúng nghĩa đen của các trinh sát Đội Truy nã, truy tìm, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Thuận thường xuyên xảy ra khi theo dấu bị can truy nã. Ảnh: CACC

Cảnh “cơm đường cháo chợ” theo đúng nghĩa đen của các trinh sát Đội Truy nã, truy tìm, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Thuận thường xuyên xảy ra khi theo dấu bị can
truy nã. Ảnh: CACC

Các trinh sát truy nã hiếm khi xuất hiện hình ảnh công khai do yêu cầu nghiệp vụ và họ luôn âm thầm, kiên trì thực hiện nhiệm vụ đến khó tin. Có những chuyên án kéo dài hàng chục năm, trinh sát lần lượt về hưu, bàn giao cho thế hệ sau, mà chuyên án vụ bắt Trương Thế Linh kéo dài 26 năm là một ví dụ.

Theo hồ sơ, rạng sáng 25-11-1995, khoảng 20 lâm tặc đều ngụ huyện Xuân Lộc, Đồng Nai vào tiểu khu 467 rừng Tánh Linh (Bình Thuận) triệt hạ, vận chuyển gỗ trái phép. Khi cả nhóm ra khỏi bìa rừng bị kiểm lâm phát hiện nên bỏ chạy.

Tuy nhiên, sau đó nhóm lâm tặc đã quay lại cướp tang vật. Nhân viên Lâm trường Tánh Linh nổ bốn phát đạn AR15 chỉ thiên để cảnh cáo và đến phát thứ năm thì kẹt đạn. Lúc này, nhóm lâm tặc liền lao vào tước súng, dùng hung khí chém vào đầu khiến nhân viên lâm trường ngã gục.

Có súng trong tay, nhóm lâm tặc truy đuổi các kiểm lâm khác rồi quay lại cướp luôn chiếc đồng hồ của nhân viên lâm trường trước khi tẩu thoát. Khi lực lượng chi viện đến thì nhân viên lâm trường đã tử vong.

Năm 1996, TAND tỉnh Bình Thuận kết án 10 bị cáo từ 16 đến 20 năm tù về các tội giết người, cướp tài sản... Riêng một số bị can lẩn trốn, công an ra lệnh truy nã.

Năm 2011, sau 16 năm lẩn tránh, Trương Đình Hòa, Trương Đình Phú và Trương Dũng bị Công an tỉnh Bình Thuận bắt giữ.

Bị can Linh bị bắt sau 26 năm lẩn trốn.

Bị can Linh bị bắt sau 26 năm lẩn trốn.

Khi bỏ trốn, hai anh em Hòa, Phú đến xã Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng). Hòa đổi tên thành Trần Thái Bình, còn Phú đổi tên thành Trần Ngọc Thái. Cả hai lấy vợ, sinh con, nhập hộ khẩu tại đây và trở thành những công dân gương mẫu. Riêng Trương Dũng trốn vào TP.HCM, lấy CMND của một người khác rồi dán ảnh mình vào, đi học lái xe và xin làm vệ sĩ cho một công ty bảo vệ ở Thủ Đức.

Đấu trí với tội phạm

Lần lượt các bị can khác bị bắt sau cả chục năm lẩn trốn. Riêng bị can truy nã Trương Thế Linh, người bị truy nã cuối cùng của vụ án, gần như “mất tích”.

Lần lượt các thế hệ trinh sát kiên trì truy bắt cho bằng được bị can Linh.

Khi có thông tin, manh mối nào về Linh là các trinh sát lại lên đường, vào đủ vai để theo dấu Linh khắp các tỉnh, thành nhưng bất thành.

Ngoài quyết tâm còn phải đam mê, xem việc truy nã như một cuộc đấu trí với tội phạm. Bị can truy nã thường liên tục di chuyển, dùng mọi thủ đoạn để che giấu thân phận nên ngoài việc truy xét, lần theo dấu vết, trinh sát truy nã còn phải có khả năng phán đoán, dự báo để khoanh vùng và đặc biệt khi tổ chức bắt giữ phải tuyệt đối bảo vệ an toàn cho những người xung quanh, bởi những đối tượng này luôn chống trả…

Đại úy VÕ VĂN PHÚ, Đội Truy nã, truy tìm PC02 Công an tỉnh Bình Thuận

Đầu năm 2022, khi có thông tin “có người giống Linh” đang hành nghề buôn bán ở Khánh Hòa, các trinh sát đã ra ém quân nhiều ngày để theo dõi, xác minh vì nhận dạng của bị can đã thay đổi sau 26 năm lẩn trốn.

Đại úy Võ Văn Phú, trinh sát tham gia truy bắt Linh, cho biết sau khi xác định chính xác đó là bị can truy nã đặc biệt, nhóm trinh sát ập vào khống chế trước sự ngỡ ngàng của bị can vì Linh đã thay tên đổi họ, có vợ con và tưởng rằng vụ án qua 26 năm đã rơi vào quên lãng.

Đại tá Phan Minh Tú, nguyên Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Bình Thuận, người 26 năm trước ký lệnh truy nã Trương Thế Linh, cho biết ông rất vui với kết quả này. “Đây là nỗ lực tuyệt vời của anh em trinh sát khi bền bỉ thực hiện chuyên án nhiều năm liền và một lần nữa khẳng định lính truy nã không bao giờ bỏ cuộc” - Đại tá Tú chia sẻ.

“Đó chỉ là một phần nhỏ của công việc, quan trọng là lính truy nã không bao giờ bỏ cuộc” - Trung tá Nguyễn Thành Văn chia sẻ.

Hợp tác quốc tế truy bắt người bị Interpol truy nã

Theo Trung tá Nguyễn Thành Văn, Đội trưởng Đội Truy nã, truy tìm, từ đầu năm đến nay, đội đã truy bắt thành công 25 bị can truy nã lâu năm, tức trung bình cứ hơn một tuần là truy xét, bắt được một bị can.

Trong đó có thể kể đến vụ bắt giữ bị can Trà Văn Hạt sau 11 năm truy nã vào giữa tháng 7.

Hồi tháng 5-2011, Hạt lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bị Công an huyện Hàm Tân ra quyết định truy nã trên toàn quốc. 11 năm lẩn trốn, Hạt đi nhiều nơi và cuối cùng chọn nơi hẻo lánh là xã miền núi Ân Hữu, huyện Hoài Ân (Bình Định) trú thân. Hạt thay tên đổi họ, lấy vợ, sinh con và sống khép kín.

Để bắt được Hạt, các trinh sát đã phải đi bộ nhiều giờ liền nhưng rất may là khu vực trên vẫn có sóng điện thoại di động. Khi đến nơi, Hạt đang ở cùng nhiều người lột vỏ keo lá tràm. Một trinh sát bí mật gọi vào số máy của Hạt đã thu thập trước đó và khi người này vừa cầm máy lên, hai tay đã bị khóa chặt vào còng số 8.

Ngoài việc đeo bám, lên kế hoạch, triển khai trinh sát truy bắt bị can truy nã, Đội Truy nã, truy tìm còn có nhiệm vụ tham gia truy bắt nóng các vụ án vừa xảy ra khi các nghi can, bị can bỏ trốn.

Họ cũng sẵn sàng phối hợp với Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) và Văn phòng Interpol Việt Nam truy bắt những tội phạm có lệnh truy nã đỏ. Trong đó có vụ bắt giữ đôi tình nhân Goeran Lennart và Sonja Birgitta bị cảnh sát Hoàng gia Thụy Điển phát lệnh truy nã đỏ.

Công an tỉnh Bình Thuận đã bắt giữ cặp đôi này khi họ đang chơi golf và lưu trú tại một khách sạn 5 sao ở TP Phan Thiết vào cuối năm 2011.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm