Lo lắng trước 'làn sóng' rút BHXH 1 lần

(PLO)- Năm 2023, trên 900.000 người rút BHXH một lần; số rút một lần gần bằng số vào, đây là nguy cơ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Quốc hội (QH) ngày 6-6 tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn về nhóm vấn đề lao động, việc làm.

Đây là lĩnh vực theo Chủ tịch QH, đã được QH biểu quyết là lựa chọn với tỉ lệ cao nhất trong các nội dung chất vấn lần này.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đăng đàn trả lời chất vấn về “làn sóng” người lao động rút BHXH một lần. Ảnh: QH

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đăng đàn trả lời chất vấn về “làn sóng” người lao động rút BHXH một lần. Ảnh: QH

Làm sao để người lao động không rút BHXH một lần

Các đại biểu (ĐB) như Tráng A Dương (Hà Giang), Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), Nguyễn Thị Diệu Thúy (TP.HCM)… cùng nhiều ĐB khác đề cập đến tình trạng công nhân, người lao động (NLĐ) rút BHXH một lần và đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đưa ra giải pháp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời thời gian qua, trước năm 2019, số rút BHXH một lần trong một năm khoảng 500.000 người nhưng năm 2023, con số này là trên 900.000 người. Số rút một lần gần bằng số vào, đây là nguy cơ. Tình trạng này không được hạn chế lại, giảm bớt đi thì nguy cơ người già về hưu khó bảo đảm an sinh xã hội và hệ thống chính sách an sinh xã hội khó đảm đương được tính bền vững.

Về mặt pháp luật, Bộ trưởng Dung nói Điều 60 Luật BHXH rất nhân văn, quy định bốn điều kiện để được rút BHXH một lần nhưng sau đó khi luật chưa có hiệu lực thì Nghị quyết 93 được ban hành cho rút BHXH một lần theo nhu cầu.

Bộ trưởng Dung kể: “Tôi đã trực tiếp mời một chuyên gia được đánh giá là người giỏi nhất trong lĩnh vực bảo hiểm xin tư vấn, bày mưu tính kế làm sao khắc phục việc này. Ông ấy nói Việt Nam hào phóng quá, hào phóng cả việc cho hưởng 75%, hào phóng cả việc rút BHXH một lần” - Bộ trưởng Dung phân trần.

Luật về BHXH cần ổn định, nhất quán để công nhân, người lao động an tâm làm việc và giảm áp lực rút BHXH một lần. Ảnh: NT

Luật về BHXH cần ổn định, nhất quán để công nhân, người lao động an tâm làm việc và giảm áp lực rút BHXH một lần. Ảnh: NT

ĐB Thúy tranh luận và cho rằng pháp luật về BHXH cần ổn định, nhất quán để NLĐ an tâm. Còn ĐB Lê Thanh Phong (TP.HCM) cũng tranh luận và không đồng tình việc Bộ trưởng Dung dẫn ý kiến chuyên gia nước ngoài về chuyện rút BHXH một lần, vì điều kiện, trình độ lao động của nước ngoài khác Việt Nam. ĐB Phong đề nghị cần có giải pháp căn cơ là giải quyết tình trạng nghỉ việc của NLĐ.

Bộ trưởng Dung cho hay: “Khi phân tích về nguyên nhân rút BHXH một lần, tôi có nói quan trọng nhất là làm sao cải thiện được đời sống, thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho NLĐ. Trong các hạn chế, tôi nói chúng ta chưa quan tâm đầy đủ công tác thông tin, tuyên truyền cho NLĐ. Nếu làm tốt công tác này thì thời gian qua không đến mức thế này. Đó là trách nhiệm của các cơ quan liên quan”.

Xem xét thụ lý và đưa ra xét xử một số vụ trốn đóng BHXH theo quy định của pháp luật.

Trốn đóng BHXH, sao không xử lý hình sự?

ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), Trần Quốc Quân (Long An) và một số ĐB lại đề cập việc chậm đóng BHXH gây hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn NLĐ và đề nghị Bộ trưởng Dung cho biết nguyên nhân và giải pháp.

Bộ trưởng Dung cho hay cho đến hết năm 2022, chậm đóng, trốn đóng, cộng cả lãi và gốc là 8.560 tỉ đồng, so với năm 2021 tăng khoảng 2,69%.

“Có khoảng 26.670 doanh nghiệp và đơn vị chậm đóng và cũng có một bộ phận trốn đóng nhưng đa phần là chậm đóng, ảnh hưởng tới trên 206.000 NLĐ” - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Dung cho biết nguyên nhân là do doanh nghiệp làm ăn khó khăn, thiếu đơn hàng, cá biệt có đơn vị cố tình chậm và trốn đóng. Cơ quan quản lý BHXH chưa quản lý hết đối tượng; quản lý, sử dụng thiếu hiệu quả và ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở dữ liệu chưa tốt.

Cho ý kiến dự án Luật BHXH sửa đổi tại kỳ họp thứ sáu

Kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Chủ tịch QH cho rằng: Bộ trưởng đã trả lời đúng trọng tâm, giải trình đầy đủ, thỏa đáng các vấn đề mà ĐBQH nêu. Đồng thời đề xuất được nhiều giải pháp và cam kết với QH cả về việc hoàn thiện các thể chế, chính sách, pháp luật cũng như trong quá trình tổ chức thực hiện những nội dung mà thuộc lĩnh vực trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ.

Chủ tịch QH cũng nêu bật một số vấn đề qua chất vấn của các ĐB. Trong đó, có các ý kiến về hoàn thiện chính sách pháp luật về BHXH, chuẩn bị hồ sơ dự án Luật BHXH sửa đổi để trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu.

Đồng thời, TAND Tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục khởi kiện liên quan đến BHXH; xem xét thụ lý và đưa ra xét xử một số vụ trốn đóng BHXH theo quy định của pháp luật.

Lược qua những giải pháp, Bộ trưởng Dung nói sẽ đề xuất bổ sung quy định rõ hành vi chậm đóng và trốn đóng.

“Trốn đóng hiện nay đã được quy định bằng pháp luật, thậm chí là xử lý hình sự nhưng khái niệm và phạm vi cũng không xác định rõ được. Do đó chưa xử lý được trường hợp nào. Ví dụ như TP.HCM, tới 84 đơn để chuyển sang cơ quan điều tra nhưng không xử lý được, vướng hành vi, chưa xác định rõ” - Bộ trưởng Dung cho hay.

Theo ông, để giải quyết triệt để vấn đề này thì trước hết là phải sửa luật và quy định các hành vi xử phạt phải rất nghiêm minh. Bộ trưởng thông tin thêm hiện chỉ còn 2,91% chậm đóng, trong đó nếu chậm đóng một tháng thì bị phạt. Việc chậm đóng cũng có lỗi từ kiểm tra, thu chi… chưa đến nơi đến chốn và chưa kịp chấn chỉnh.

“Chúng tôi không sợ chậm nộp mà sợ nhất là trốn đóng. Vì chậm nộp thì sẽ nộp, có thể bị phạt lãi thôi” - Bộ trưởng Dung nói.

Trước phần trả lời của Bộ trưởng Dung, ĐB Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) hỏi thêm chậm và trốn đóng BHXH đã được quy định tại BLDS về vấn đề khởi kiện và Điều 216 BLHS đã quy định về tội trốn đóng BHXH. “Vì sao Bộ trưởng nói từ sáng đến giờ là chưa xử lý hình sự được trường hợp nào? Tới đây sửa Luật BHXH thì có giải pháp gì để giải quyết dứt điểm?” - ĐB Huấn chất vấn.

Phần trả lời của Bộ trưởng Dung, ĐB Huấn cho rằng chưa trọng tâm nên ông truy tiếp: Trốn đóng BHXH mà tại sao đến giờ chưa khởi kiện dân sự hoặc chưa xử lý theo Điều 216 BLHS? Vì lý do gì? Về cơ chế hay về quy định của pháp luật, hay vì các cơ quan bảo hiểm chưa cương quyết trong vấn đề này?

Bộ trưởng Dung đáp: “Chúng tôi nhức nhối chuyện này lắm”. Ông kể lại chuyện làm việc với TP.HCM về 84 trường hợp trốn đóng BHXH nhưng chưa xử lý được.

“BLHS quy định rồi, Luật BHXH rõ rồi, thậm chí Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao cũng ban hành Nghị quyết 05 rồi nhưng hiện nay chưa xử lý được. Do chưa có sự thống nhất về nội hàm, giữa trốn đóng với chậm đóng không phân biệt được. Chưa rõ nội hàm thì chưa thể khởi tố, không có cơ sở vững chắc để các cơ quan chức năng khởi tố” - Bộ trưởng Dung cho hay.

Tranh luận, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhấn mạnh không thể nói rằng không có cơ sở pháp lý để xử lý hình sự một số trường hợp trốn đóng, chiếm dụng tiền BHXH, gây ra hậu quả rất nghiêm trọng cho NLĐ. Ông Nghĩa đề nghị VKS, tòa án, cơ quan điều tra, Ủy ban Tư pháp của QH vào cuộc, xem xét.•

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy