Một lần tôi than thở trên Facebook việc bị hàng xóm tra tấn lỗ tai từ sáng đến tối bằng dàn karaoke âm thanh cực khủng. Không ngờ tôi nhận được rất nhiều phản hồi đồng cảm từ bạn bè, hóa ra số người phải chịu đựng điều này không ít.
“Tra tấn” hàng xóm một cách hồn nhiên
Ngày càng có nhiều gia đình mua loa khủng (người ta hay gọi là loa kẹo kéo) về để kết nối với điện thoại thông minh hát karaoke. Vì loa khủng, họ không thích hát trong nhà mà đem ra sân, ra cửa, ra đường hát hò cho tưng bừng, mặc kệ nhà xung quanh ra sao thì ra.
Những ngày lễ, Tết vừa qua thực sự là cơn ác mộng. Một người uất quá viết lên Facebook: “Nó đã Đắp mộ cuộc tình 21 lần rồi. Nó mà gào nữa là tao qua đắp mộ nó luôn!”. Khó trách, anh ấy có con nhỏ, mẹ thì mệt, anh cũng đã nhắc nhiều lần, có lúc suýt đánh. Hàng xóm nhà anh, cũng như rất rất nhiều người mê hát vô ý thức có ở khắp nơi, vẫn bất chấp với lý lẽ: “Nhà tôi, tôi hát. Ý kiến cứ lên phường!”.
Thực ra gần như không phường, xã nào có đủ nhân lực để nhắc nhở, chấn chỉnh những chuyện như thế này. Dù có nhắc thì sau đó vẫn đâu hoàn đấy. Việc hát hò lẽ ra để vui lại bị biến thành chuyện khó chịu, bức xúc. Qua đó mới thấy một nết xấu quá phổ biến trong xã hội ta là tính tùy tiện, vô ý thức, không ngại khi làm phiền người khác. Đâu đâu cũng vận động nếp sống văn minh, văn hóa. Sống văn minh trước hết phải biết tôn trọng người khác. Giá mà các khu phố chú trọng nhắc nhở điều đó.
Việc hát hò khi phát âm thanh quá lớn biến thành chuyện khó chịu, bức xúc cho người xung quanh. Ảnh: HTD
Ai can thiệp được?
Một số hòa giải viên ở các phường cho biết họ đã phải hòa giải rất nhiều vụ xích mích, thưa kiện liên quan tới karaoke. Có người bị đánh nhập viện. Mới đây, một người đàn ông 59 tuổi đã mang dao qua nhà hàng xóm đâm chết người. Nguyên nhân là vì đã nhắc nhở việc hát karaoke quá to của người ấy nhưng bị phớt lờ.
Đây không phải là lần đầu tiên và sẽ không phải là lần cuối cùng máu đổ vì karaoke. Nếu vẫn xem là chuyện nhỏ thì những vụ án như thế này, hoặc như cuộc hỗn chiến khiến ba người bị thương ở Bình Tân hồi tháng 12-2017 sẽ còn tiếp tục xảy ra. Cần nhớ, khả năng kiềm chế của nhiều người là có hạn. Khi chính quyền không can thiệp, khi bị tra tấn thường xuyên, sự ức chế như một quả bóng được bơm khí nén, quá sức chịu đựng nó sẽ nổ. Tất yếu!
Theo một lãnh đạo Phòng TN&MT quận 12, quận từng xử lý các trường hợp vi phạm về tiếng ồn nhưng phải đo tiếng ồn, xác định vượt quá quy chuẩn cho phép mới xử phạt được. Trong khi địa phương hầu như không có máy móc, phải gọi đơn vị quan trắc có chức năng.
Như vậy, khi một cuộc ca hát đang diễn ra, cần bao nhiêu thời gian để mời được đơn vị quan trắc, có kịp để xử lý không nếu một bên cứ khư khư cầm mic và một bên thì chịu hết nổi? Hơn nữa, hậu quả ảnh hưởng lên thần kinh, thể trạng con người vì loa khủng là thấy rõ. Điều người dân cần không phải là xử phạt chút tiền mà là phải ngăn chặn được hành vi này trên diện rộng. Nếu chính quyền địa phương không làm được thì ai mới làm được đây?
Đã đến lúc cần một thiết chế pháp luật hiệu quả hơn trong việc chế tài hành vi gây ô nhiễm âm thanh, ô nhiễm tiếng ồn nói chung và vấn nạn karaoke bằng loa khủng nói riêng. Phải thiết lập ra quy chế xử lý các trường hợp dùng loa khủng bất kể giờ giấc, địa điểm, con người… Nếu chưa có thì xây dựng, nếu có mà chưa rõ thì làm cho rõ. Đây cũng là chức năng của địa phương. Với chức trách và bộ máy quản lý của mình, các đơn vị không thể nói hai chữ “bó tay”.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 155/2016 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn có thể bị phạt tối thiểu là 1 triệu đồng và tối đa là 140 triệu đồng. |