Không cần đến quán nhậu hay dịch vụ karaoke, hiện nay nhiều người ở cả thành phố lẫn nông thôn đã tự sắm cho mình một thùng loa “khủng”. Đây là dạng loa lớn, thường được các xe kẹo kéo, hát rong sử dụng nhưng giờ nhiều gia đình dùng nó khi nhà có đám tiệc, tụ tập hội hè rồi mặc sức ca hát, gây náo loạn cả khu xóm.
Đâu đâu cũng có loa gây ồn
Ở TP.HCM, người dân không còn lạ gì với hình ảnh loa kẹo kéo có micro cầm tay dùng để hát nhạc phát ra âm lượng lớn tại nhiều quán nhậu lề đường. Thế nhưng loa dạng này, nhiều người gọi là loa di động, giờ đã có mặt ở nhiều gia đình và được sử dụng thường xuyên, bất chấp sự khó chịu, căng thẳng của hàng xóm.
Ông BC, sống tại chung cư Nguyễn Thiện Thuật (phường 1, quận 3), cho biết ở tầng dưới có một vài quán ốc. Có lần khách ăn uống, nhậu say đã hát qua loa với âm lượng cực đại khiến cả chung cư đinh tai nhức óc. Lần khác, một gia đình tổ chức tiệc cũng dùng loa này để tạo không khí.
“Chung cư thì chật chội, đông đúc mà đêm đám này đám kia cứ tụ tập hát hò to tiếng thì ai mà chịu nổi? Gia đình nào có con nhỏ, người già coi như bị họ hành khó chịu chết luôn” - ông C. ý kiến.
Cùng chung bức xúc, ông NVU (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) kể nhà ông cách đường Bùi Dương Lịch khoảng 200 m mà thường xuyên bị loa di động tra tấn. “Quán nhậu cũng hát, nhà dân cũng hò, loa này tranh với loa kia y như đại nhạc hội. Cả ngày đi làm mệt nhọc, về nhà muốn nghỉ ngơi cũng không được. Làm sao dẹp được vấn nạn này?” - ông U. đề nghị.
Chị NL ở chung cư PĐ (quận 9) kể căn hộ chung tầng với chị đãi tiệc, mở loa hát hết công suất. Ban quản lý lên nhắc nhở thì chủ nhà đóng cửa không tiếp. “Cư dân bức xúc phản ánh tiếp thì chủ nhà có thái độ hùng hổ, muốn “xử” cả bảo vệ. Họ còn mạnh miệng chẳng làm gì sai” - chị L. bực tức nói.
Hát qua loa đã có mặt ở mọi nơi, gây tiếng ồn cực lớn ảnh hưởng đến người xung quanh. Ảnh: HTD
Vẫn chỉ nhắc nhở là chính
Trao đổi với chúng tôi về vấn nạn trên, lãnh đạo Công an phường 1, quận 3 cho biết đã nhận được phản ánh của người dân về sự việc mở loa hát hò gây ồn ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật và đã cử cán bộ xuống nhắc nhở người dân tôn trọng trật tự chung.
Bà Định Thị Lụa, Phó Chủ tịch phường Bình Hưng Hòa B, công nhận báo cáo từ khu phố và cảnh sát khu vực cho biết tình trạng nhà dân hát qua “loa khủng” diễn ra thường xuyên trên địa bàn phường.
Đối với các quán nhậu có loa cho khách hát karaoke, phường buộc các quán này cam kết không mở nhạc, hát quá lớn hoặc tranh nhau gây ồn, ảnh hưởng đến xung quanh. Khi có dấu hiệu tái vi phạm phường sẽ đề xuất lên quận để xử lý dứt điểm.
“Việc xử lý vấn đề gây tiếng ồn hiện nay vẫn gặp khó vì chủ yếu các phường không có đủ phương tiện. Nếu muốn đo tiếng ồn phải làm văn bản, đề nghị công ty chuyên nghiệp đo độ ồn để xử lý. Do đó, cách xử lý chủ yếu vẫn là nhắc nhở, lập biên bản gây rối tình hình an ninh trật tự” - bà Lụa thông tin thêm.
Bản chất không chỉ là “gây ồn” Một lãnh đạo Phòng TN&MT quận 12 cho biết vi phạm về tiếng ồn hiện nay được xử lý theo Quy chuẩn 26 - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn. Thời gian qua, quận 12 đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm về tiếng ồn bằng các biện pháp nghiệp vụ. Việc đo tiếng ồn chính quyền địa phương không có máy móc mà phải là đơn vị quan trắc có chức năng. Tuy nhiên, thực tế khi xử lý các vụ gây ồn từ loa "khủng" cần đi sâu hơn vào bản chất. Đơn cử, một nhóm người tụ tập ăn nhậu, ca hát thì bản chất là một sự việc liên quan đến tình hình an ninh trật tự chứ không chỉ là chuyện tiếng ồn. Trong khi hiện nay quy trình xử lý là đi đo độ ồn, lập biên bản, ban hành quyết định, xử phạt rất mất thời gian mà lại không phù hợp với bản chất sự việc. |