Vào dịp cuối tuần, Thảo cầm viên TP.HCM có lẽ là không gian thiên nhiên tại Sài Gòn có nhiều gia đình đến chơi nhất. Bởi ở đây đủ rộng và an ninh với không gian riêng biệt để các gia đình tổ chức buổi dã ngoại nho nhỏ cho gia đình. Cùng với không gian thiên nhiên sẵn có, sân khấu trung tâm của sở thú vào cuối tuần cũng có những đoàn xiếc, ảo thuật, ca sĩ… đến biểu diễn với phần âm nhạc có hệ thống âm thanh đủ cả khuôn viên sở thú có thể nghe.
Trong không gian đủ âm nhạc, thiên nhiên, cảnh các gia đình mang bạt, thức ăn… hay dã chiến hơn là áo mưa, để trải và cả gia đình quây quần trên thảm cỏ, con cái chạy nhảy xung quanh quả thực cũng là niềm vui cho cư dân thành phố. Thế nhưng, trong dịp cuối tuần này, khi dẫn con đi sở thú, tôi bỗng thấy nhiều giọng ca lạ không phải chỉ có ở sân khấu của sở thú. Những giọng ca đó là giọng ca gia đình. Khi cả gia đình quây quần, có gia đình đã không ngại ngần đem theo luôn thùng loa dạng kẹo kéo để hát… karaoke ngay trong sở thú.
Nhìn rộng ra ở thành phố này, không chỉ sở thú, mà cứ chỗ nào kéo loa ra hát được là người dân sẵn sàng kéo ra hát. Suốt các con hẻm dễ dàng nghe mãi “phận người con gái chưa một lần yêu ai” với đủ các loại giọng từ say lè nhè đến oang oác muốn vỡ loa. Con phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng tràn ngập đủ loại âm thanh, âm nhạc. Hoà lẫn trong âm thanh còi xe là những bản nhạc phát trên hệ thống loa công cộng của phố đi bộ, nhạc dance từ loa kéo các nhóm nhảy, nhạc trẻ từ các nhóm hát…
Say mê hát ca không ai cấm, nhưng hát ở đâu, hát với mức độ âm thanh như thế nào… để không làm phiền nhiễu đến người khác, đó là điều không phải ai cũng hiểu. Nó cũng như việc một sản phẩm công nghệ sản xuất ra không bao giờ có lỗi, nhưng lỗi hoàn toàn nằm ở người dùng. Dùng sao cho đúng thì không phải chỉ dừng ở việc đọc hướng dẫn sử dụng sản phẩm rồi thôi, hỡi những người mê hát ca nơi công cộng.