Các bãi giữ xe tư nhân mọc lên nhan nhản bao vây khu di tích. Rất nhiều bãi giữ xe treo bảng đúng giá quy định: Xe máy 5.000 đồng/chiếc nhưng khi dắt xe vô gửi ở một điểm giữ xe, nhân viên xin thu trước 10.000 đồng. Một du khách phản ứng: “Sao các anh thu gấp đôi giá quy định?”. Nhân viên bãi giữ xe gằn giọng: “Bảng này giá cũ, lẽ ra theo giá mới tui thu 15.000 đồng mới đúng”. Khách đành bỏ đi không dám đôi co.
Riêng trong ngày mùng 4 tết có chương trình biểu diễn văn nghệ “Giai điệu mùa xuân” khá quy mô (được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Tây Ninh), lượng khách đổ về khu di tích này cực kỳ đông. Nhiều nơi giữ xe với giá 15.000 đến 20.000 đồng/xe.
Tấm lót được cho thuê với giá 30.000 đồng/chiếc. Ảnh: HM
Theo quy định của ban quản lý khu di tích, các điểm bán nước giải khát, thức ăn phải treo bảng giá niêm yết đúng giá quy định nhưng nhiều nơi không treo bảng giá. Giá một chai nước theo bảng giá chỉ 10.000 đồng nhưng chúng tôi đã phải trả tiền gấp đôi khi mua ở một điểm bán nước sau lưng chùa Thượng.
Khu di tích khá rộng, có những lúc lượng khách quá đông, nhiều người chen chân không nổi phải dạt ra gốc cây ngồi nghỉ. Có nhiều người ở lại vài ngày để cúng Bà, cúng Phật nên nhu cầu thuê chiếu, tấm lót rất lớn. Tấm lót thực ra chỉ là mấy vỏ bao cám cắt ra may lại với nhau, rộng bằng chiếc chiếu hoặc nhỉnh hơn một chút. Vậy mà một tấm được cho thuê với giá cắt cổ: 30.000 đồng/tấm.
Một chiếc chiếu được cho thuê với giá 20.000 đồng, đặt cọc thêm 30.000 đồng. Ai đó chê đắt, người cho thuê chẳng buồn trả lời, vì khách đến thuê nườm nượp. Một du khách quê Hà Tĩnh cho biết: “Lần đầu tiên tôi tới đây, không ngờ đông đúc quá thế này. Mệt thì phải thuê chiếu nằm nghỉ thôi, đắt mấy cũng phải thuê”.
Ông Bùi Văn Lững - Trưởng ban quản lý khu di tích cho biết: “Với những trường hợp bán quá giá quy định, nếu phát hiện được chúng tôi sẽ cắt hợp đồng tại chỗ. Chúng tôi đi kiểm tra suốt nhưng lực lượng của ban quản lý chỉ hơn chục người, kiểm tra không xuể, họ vẫn đối phó rồi thu quá giá quy định”.
HỒNG MINH