Lá thư của cô Mai Thị Thạnh (56 tuổi, ngụ xã Bình Sơn, huyện Long Thành, Đồng Nai) được một bạn đọc chuyển đến báo Pháp Luật TP.HCM trong những ngày gần kề năm học mới. Tìm đến nhà của cô ở Đồng Nai, chúng tôi mới tường tận hơn về những trăn trở của cô với hoàn cảnh của cháu mình.
Không sinh thêm con để toàn tâm nuôi cháu
Cho đến nay, cô Thạnh vẫn nhớ như in cái ngày em trai cô, anh Mai Phước Tùng mất. Đôi mắt cô vẫn rơm rớm đỏ khi nhắc về người em cùng trải qua bao khó khăn ở đất khách. Hai chị em đùm bọc lẫn nhau để kiếm sống nơi xứ người...
Mai Thị Anh Thư (tám tuổi) và Mai Phước Hùng (bảy tuổi) là hai đứa con của anh Tùng. Mẹ của hai em đã theo bạn bè sang lao động ở Malaysia từ năm 2013 đến nay, không liên lạc về với gia đình. Từ ngày vợ bỏ đi, hàng xóm lời ra tiếng vào, anh Tùng đau lòng rồi ôm tâm bệnh. Năm 2014, anh Tùng qua đời, bỏ lại hai đứa con. Một mình cô Thạnh lại gồng gánh nuôi hai đứa cháu như chính con ruột của mình. Thương em, cô nguyện nuôi hai cháu học hành đến nơi đến chốn. Cô Thạnh vừa là người cha, vừa là người mẹ của hai em, chỉ dạy cho cháu từng li từng tí với ước mong hai em sẽ thành người.
Cô Thạnh cũng có chồng và một người con gái bị cụt mất chân trái trong một vụ tai nạn giao thông. Hai vợ chồng cô trước đây đi cạo mủ cao su để kiếm sống. Từ ngày về hưu đến nay, cô chỉ trông chờ vào đồng lương hưu rồi buôn bán nhỏ để trang trải chi phí sinh hoạt. Khi hai đứa cháu đến tuổi đến trường, gia đình trở nên khó khăn hơn vì quá nhiều khoản phải lo.
“Cô từng muốn sanh thêm đứa con nhưng cô không nỡ khi nghĩ đến hai đứa cháu...” - cô Thạnh tâm sự.
Hai vợ chồng cô cứ thế chắt chiu từng đồng kiếm được để lo cho cháu được đến trường như bao đứa trẻ cùng trang lứa.
“Mình mà nằm viện điều trị thì phải nằm dài dài, bỏ cháu ở nhà ai lo. Rồi tiền viện phí này kia nữa, nếu nằm viện thì không có đủ để lo tiền học cho hai đứa nhỏ. Chịu đựng cơn đau một chút để cho hai cháu được đến trường, được học chữ” - cô nói.
Cô Thạnh kiểm tra tập vở, dò bảng cửu chương cho Anh Thư và Phước Hùng trước thềm năm học mới. Ảnh: THANH TUYỀN
Cầu cứu một phần chi phí học hành
Biết sức mình ngày càng yếu, lại không biết gửi gắm ai để chăm lo cho hai cháu khi chúng mỗi ngày mỗi lớn, cô Thạnh gõ cửa nhiều nơi để “cầu cứu”.
Từng học đến hết lớp 12, cô Thạnh càng hiểu rõ giá trị của con chữ với cuộc đời của hai cháu. Mỗi lần cho cháu ăn, tắm gội hay dạy cháu học, cô đều dặn dò rằng phải học để lấy con chữ mà nuôi thân.
“Hơn nữa, cô cũng muốn hai đứa nhỏ phải có nghị lực để tự vươn lên trong cuộc sống chứ không phải ỷ lại vào sự giúp đỡ đó mà lười lao động, lười học và sa vào chơi bời” - cô nói.
Sách vở của hai em là nhờ mọi người xung quanh cho lại, áo quần đi học thì cô giáo cho từ hai năm trước đến nay vẫn còn mặc lại được... Những năm học trước, cả hai em đều được xếp loại học sinh khá, giỏi; tham gia vào kỳ thi vở sạch chữ đẹp của trường và đều đoạt giải. Hy vọng rằng con đường đến trường của hai em sẽ không bị lỡ dở.
Ở một góc giường, hai chị em Anh Thư và Phước Hùng cầm hai cuốn tập để học bảng cửu chương theo lời dặn của cô Thạnh. Hôm nào cũng vậy, hai em đều cùng nhau học, làm phép toán do cô Thạnh giao.
Cô chị Anh Thư thì nói rằng mong ước của em là trở thành cô giáo đi dạy học. “Cô giáo dạy môn gì cũng được. Chỉ cần là cô giáo thôi” - Anh Thư nói. Còn cậu em trai Phước Hùng thì nói chắc nịch: “Con muốn làm bác sĩ”.
Khi nhắc đến việc không được đến trường nữa, cả hai em nhìn nhau rồi không nói gì. Lát sau, Phước Hùng quay lại nói với tôi rằng: “Cô con có nói, nếu không đi học, tụi con sẽ khổ cực lắm. Con muốn được đi học”.