VPF chiều 16-7 gửi phiếu lấy ý kiến Hội đồng quản trị về việc hoãn V-League đến sau tết Nguyên đán, sang năm 2022, do không thể dự báo tình hình dịch bệnh COVID-19 và không ngoài mục đích tạo điều kiện cho các đội tuyển quốc gia. Theo chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương, có một điều chắc chắn là trong hoàn cảnh hiện tại, VPF không thể tìm ra giải pháp hoàn hảo vì nhiều thứ không thuộc quyền kiểm soát của mình.
Vấn đề của những nhà làm giải là một giải pháp đảm bảo hài hòa nhất cho lợi ích tất cả các bên, từ đội bóng, VPF cho đến các đối tác, nhà tài trợ...
Giả sử phương án dịch chuyển V-League sang tháng 2-2022 được thông qua thì mặt thuận lợi nhất là thời gian rộng rãi cho các đội tuyển Việt Nam chuẩn bị vòng loại cuối cùng World Cup 2022, AFF Cup, vòng loại U-23 châu Á. Tuy nhiên, mặt trái của nó là cầu thủ ra sân quá ít mà thiếu sự cọ xát, duy trì phong độ và cảm giác bóng ở V-League cũng không hay. Tính ra, mỗi tháng các tuyển thủ đá hai trận rồi nghỉ dài hoặc tập chay chờ... đá tiếp.
Đáng nói là nếu V-League dừng tám tháng, rất nhiều cầu thủ và các thành phần liên quan sẽ thất nghiệp dài dài, kéo theo nhiều hệ lụy về thu nhập, ảnh hưởng chuyên môn, thậm chí là tranh chấp pháp lý.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương hiến kế VPF cần đưa ra nhiều giải pháp hơn chứ không chỉ áp đặt phương án duy nhất, vì mọi thứ đều không thể dự đoán một cách chắc chắn. Chẳng hạn, với tình hình giãn cách ở nhiều địa phương trong khoảng thời gian ngắn nhất đến giữa tháng 8 thì sau trận tuyển Việt Nam tiếp khách Úc (ngày 7-9), các CLB sẽ tiếp tục chơi ba vòng đấu V-League cách ly tập trung ở phía Bắc như dự tính cũ của VPF. Cứ như thế, những tháng sau đó, bóng quốc nội cứ tiếp tục lăn giữa quãng nghỉ các giải quốc tế của tuyển quốc gia và U-23.
Tám tháng tập chay không có giải chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều rắc rối kiện tụng và cả khủng hoảng cho nhiều CLB vướng những hợp đồng với nhà tài trợ và cầu thủ lẫn lót tay khủng… Ảnh: PHƯƠNG NGHI
Trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 khiến cuộc chơi không thể tiếp tục, VPF thỏa thuận trước với CLB là dừng luôn V-League và công nhận thành tích cho các đội nhất, nhì, ba để mùa sau chơi AFC, không có đội rớt hạng.
Trước mắt, V-League đang phải đối mặt nhiều thiệt thòi, với ngót nghét ngàn cầu thủ không có việc làm, thu nhập sẽ giảm, chuyên môn đi xuống, không tính vài chục tuyển thủ quốc gia. Đấy là chưa kể đến các hợp đồng tài trợ bị ảnh hưởng, tình trạng pháp lý cầu thủ cũng rắc rối, đặc biệt ngoại binh sẽ phát sinh chi trả lót tay, tiền lương từ tháng 9-2021 đến tháng 2-2022.
V-League tạm dừng và bài học Thái Lan Năm ngoái, bóng đá Thái Lan bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 khiến phải dừng cuộc chơi và tạo ra bước đột phá mới là xây dựng các giải đấu quốc nội theo xu hướng chung của thế giới, từ nửa cuối năm này sang mùa hè năm sau. Lịch thi đấu này bắt nhịp hòa hợp với những diễn biến từ các giải lớn châu Âu, từ thị trường chuyển nhượng cầu thủ hợp lý cho đến khoảng nghỉ ở thời kỳ FIFA Days. Điều này về lâu dài rất có lợi cho hệ thống thi đấu của bóng đá Đông Nam Á nói chung và không làm ảnh hưởng đến cầu thủ ra nước ngoài hành nghề. TT |