Lòng yêu nước cần được “di truyền”

Ta thường nói: Dân tộc Việt Nam vốn có lòng yêu nước nồng nàn. Nghe như là hễ sinh ra là có lòng yêu nước. Đó là đặc tính linh thiêng của một dân tộc giàu tình cảm mà thường gặp phải nạn ngoại xâm, trải qua quá nhiều chiến tranh, đau thương mất mát.

Dạy mà không nói lời to lớn

Chả thế sao? Thánh Gióng thì biểu tượng, truyền thuyết, chứ đến chuyện người thật có Hoài văn hầu Trần Quốc Toản mới 15 tuổi không được dự hội nghị Bình Than bàn việc chống xâm lược Nguyên Mông, tay cầm quả cam mà bóp nát lúc nào không hay. Rồi bao nhiêu chiến sĩ rời nhà (có khi trốn cha mẹ) đi theo cách mạng từ rất sớm…

Những thế hệ chứng kiến và tham gia kháng chiến chống Mỹ vẫn còn đó, chưa lùi xa những thành tích xưa. Giờ đây nghe lại bài hát Đưa cơm cho mẹ đi cày xưa vẫn nghe, thấy nó giống tinh thần của “ba đảm đang” thời kháng chiến: Ruộng chiêm trũng miền Bắc cày bừa rất nặng nhọc chỉ đàn ông làm. Nay chồng ra trận, vợ đi cày. Con nhỏ tung tăng hồn nhiên giữa nắng gió rực rỡ đem rá cơm cho mẹ nghỉ tay ăn trưa. Em đi chăn trâu... Vậy là cả nhà kháng chiến.

 
Lòng yêu nước phải được truyền dạy bằng hành động từ trong gia đình và nhà trường. Ảnh: HTD

Chuyện thấy bao năm bình thường, nay đã thành hình ảnh nghệ thuật của lòng yêu nước của gia đình Việt Nam. Vì cha ra trận, mẹ đi cày chính là bài học truyền dạy hành động yêu nước tự nhiên cho con.

Vậy là không phải tự nhiên nó có. Nó phải được dạy truyền cho thế hệ sau. Dạy mà không nói lời to lớn. Dạy bằng chính cách sống của cha mẹ.

Có thể mất đi nếu...

Lòng yêu nước có thể sâu sắc thế nhưng nó có thể mất đi. Cách đây chưa lâu, chính quyền Moscow và Duma quốc gia Nga đã phải thảo luận thực trạng vì sao người Nga đã từng anh dũng trong chiến tranh mà nay lại ít yêu tổ quốc mình đến vậy. Họ phải chi nhiều tiền cho các hoạt động giáo dục lòng yêu nước. Họ tìm ra nguyên nhân là trong thời gian dài, giáo dục lòng yêu nước đồng nhất với yêu… nhà nước, chính thể.

Một khi nhà nước cùng với dân xây dựng và bảo vệ đất nước vững mạnh, giàu có thì tình yêu nước tràn đầy. Một xứ sở mà chính quyền vơ vét, xa rời dân, làm cho đất nước nghèo hèn thì sự thờ ơ của người dân là không thể tránh khỏi. Hiện tượng rời bỏ tổ quốc vì không thể chịu được nghèo khổ, bị bóp nghẹt đường sống đã diễn ra nhiều nơi trên thế giới

Vụt thành sức mạnh bất khuất

Vì vậy lòng yêu nước phải nhìn rộng lớn. Có thể nói chung, không ai là không yêu đất nước mình. Tình yêu ấy phải được truyền dạy bằng hành động từ trong bầu sống đầu tiên của đứa trẻ là gia đình. Tình yêu thương, sự gắn bó với những gì nhỏ nhất mới tạo nên được tình yêu nước vĩ đại.

Đứa trẻ được mẹ dắt đi học trong trời cuối thu. Nó nhận tình yêu đó và thấy cành cọ trên đường cũng như cố xòe ra làm ô che nắng cho mình. Tình thương yêu thật huyền diệu.

Cha mẹ sống thế nào, có yêu xứ sở không, có bảo vệ hàng cây, tấc đất hay phá hủy? Người lớn có làm như lời nói không? Có làm xấu tiếng tăm của đất nước, dân tộc mình không?… Tất cả đều “di truyền” theo một “kênh” đặc biệt đến với trẻ. Mắt thường không thấy được.

Từ khi có chiếc giàn khoan của Trung Quốc xâm phạm bờ cõi, thoắt cái cả dân tộc bỗng sát cánh bên nhau. Chẳng cần ai bảo, bỗng nhiên không còn ai “băn khoăn lăn tăn” gì nữa về cách hành xử của Trung Quốc. Tất cả đều muốn lên tiếng. Tình yêu nước bừng thức dậy giục chúng ta cố gắng làm việc cho đất nước mạnh lên… Sống có ý thức và trách nhiệm hơn, dẹp bớt tiêu cực ngày thường. Những cố gắng này sẽ truyền đến các thế hệ sau.

Nói tình yêu nước vốn có là vậy. Nó phải có cái đã, mới được truyền cho các thế hệ. Khi Tổ quốc nguy biến, nó mới có để mà vụt đứng lên thành sức mạnh bất khuất.

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm