Lớp học số giải quyết tình trạng thiếu giáo viên

(PLO)- Dù triển khai vẫn còn gặp một số khó khăn nhưng lớp học số ở TP.HCM đã phần nào giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM triển khai lớp học số tại Trường Tiểu học Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi và Trường Tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ.

Đây là hai đơn vị cùng thiếu giáo viên (GV) tiếng Anh, tin học nhưng lại khó tuyển dụng cũng như điều chuyển thầy, cô từ các nơi khác do địa bàn xa xôi.

Lớp học số môn tiếng Anh tại Trường Tiểu học Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Lớp học số môn tiếng Anh tại Trường Tiểu học Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi.
Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Học sinh hứng thú

Đến giờ học tiếng Anh, học sinh (HS) lớp 5/2 Trường Tiểu học Trung Lập Thượng lại di chuyển lên phòng chức năng có bố trí đầy đủ thiết bị.

Giờ học tiếng Anh có hai GV. Trong đó một GV trợ giảng hướng dẫn trực tiếp, quán xuyến lớp học và một GV dạy qua màn hình máy chiếu.

Hăng say phát biểu, xây dựng bài, em Trần Gia Bảo bày tỏ: “Dù cô dạy qua màn hình máy chiếu nhưng cách dạy rất dễ hiểu. Hơn nữa, cô còn tổ chức nhiều trò chơi khiến tiết học trở nên sôi nổi. Em rất mong chờ tiết học này”.

Ông Nguyễn Văn Tới, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay lớp học số được tổ chức thí điểm vào cuối tháng 11 với môn tin học và tiếng Anh cho sáu lớp của khối 4 và 5 vào thứ Ba và thứ Năm.

Việc ứng dụng lớp học số giúp giải quyết hiệu quả tạm thời tình trạng thiếu GV. Hiện trường chỉ hợp đồng được một GV tiếng Anh, một GV tin học thỉnh giảng, trong khi theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, ít nhất phải có một GV tin học và hai GV tiếng Anh. Nếu không có lớp học số, khó có thể thực hiện được việc dạy tiếng Anh và tin học cho đầy đủ HS.

Cũng theo ông Tới, việc thực hiện lớp học số còn giúp GV tăng cường đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

“Trường thường xuyên bố trí GV dự giờ các lớp học này để học hỏi. GV của trường chủ yếu là thế hệ 7X ngại thay đổi, công nghệ thông tin còn hạn chế, hy vọng với lớp học số, họ sẽ thay đổi nhận thức, đổi mới phương pháp” - ông Tới nói thêm.

Dù cô dạy qua màn hình máy chiếu nhưng cách dạy rất dễ hiểu.

Tại Trường Tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ, lớp học số được thực hiện với môn tiếng Anh dành cho học sinh lớp 4, 5 vào đầu tháng 12. HS được học bốn tiết/tuần vào thứ Hai.

Ông Lê Hữu Bình, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay theo yêu cầu, trường phải có hai GV tiếng Anh để đảm bảo việc thực hiện chương trình mới. Tuy nhiên, trường chỉ có một GV và thời gian qua phải vận động GV này dạy tăng tiết (trả phí theo quy định) để đảm bảo dạy đủ số tiết.

Trong quá trình dạy học trực tiếp, GV mới có thể thấu hiểu từng cá nhân HS cũng như những khó khăn các em gặp phải khi học. Điều này sẽ phần nào hạn chế trong quá trình thực hiện lớp học số do ngăn cách về mặt không gian.

Vì thế để khắc phục, cần phải đào tạo GV tại chỗ để nâng cao năng lực của họ. Cụ thể đội ngũ GV trợ giảng cần phải được tập huấn để hiểu về chuyên môn, kỹ năng và bù đắp những thiếu hụt do học trực tuyến.

Bên cạnh đó, trường học có thể tìm kiếm những hoạt động xã hội gần trường để các em có thể rèn luyện thêm.

PGS-TS CHU CẨM THƠ,
Viện Khoa học giáo dục Việt Nam

Cần hỗ trợ kinh phí cho trợ giảng

Bên cạnh những thuận lợi, ông Tới cũng thừa nhận lớp học số xa cách về mặt không gian nên HS và GV khó tương tác với nhau. Để giải quyết vấn đề trên, trường đã bố trí một GV trợ giảng để giám sát, hướng dẫn, quán xuyến cũng như hỗ trợ GV chính trong quá trình giảng dạy.

“Tuy nhiên, các GV trợ giảng hiện nay là GV thiếu tiết. Dù đã được tập huấn và trước mỗi tiết học GV dạy và GV trợ giảng có trao đổi về bài vở, giáo án. Tuy nhiên, do không được đào tạo về chuyên môn nên cũng khó có thể đáp ứng hết” - ông Tới chia sẻ thêm.

Mặt khác, trường đã đầu tư một khoản kinh phí rất lớn để nâng cấp máy tính và đường truyền cơ bản phục vụ lớp học số.

“Để lớp học số có hiệu quả và nếu tính đến việc mở rộng, cần phải đào tạo về chuyên môn cho đội ngũ GV trợ giảng để họ phần nào nắm bắt được chương trình cũng như kiến thức môn học. Bên cạnh đó, cần có chế độ đối với GV trợ giảng để họ yên tâm với công việc” - ông Tới nói thêm.

Thừa nhận vấn đề trên, ông Bình cũng cho biết GV chủ nhiệm lớp cũng được phân thêm nhiệm vụ trợ giảng cho các lớp học số. “Tiếng Anh là môn học đặc thù, do đó cần đào tạo kiến thức thêm cho đội ngũ này để có thể hỗ trợ tốt hơn cho GV dạy chính. Ngoài ra, cũng cần phải tính toán đến kinh phí hỗ trợ họ. Trường cũng đề xuất xây dựng thêm một lớp học số tại cơ sở ở ấp Thiềng Liềng, bởi hiện nay GV tiếng Anh phải di chuyển giữa hai điểm trường rất vất vả” - ông Bình nói thêm.•

Sẽ xem xét mở rộng lớp học số

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, chia sẻ GV dạy lớp học số đều được tuyển chọn, có chuyên môn tốt, có khả năng giảng dạy tốt trên môi trường số.

“Hiện nay việc triển khai lớp học số đã ổn định và đạt hiệu quả tốt trong việc đảm bảo tổ chức giảng dạy tiếng Anh và tin học ở các trường thiếu GV. HS thích thú và tiếp thu tốt, đảm bảo tiếp cận đầy đủ, xuyên suốt chương trình. GV trợ giảng cũng học tập được các phương pháp giảng dạy hay. Trên cơ sở đánh giá các ưu khuyết điểm, sở sẽ xem xét mở rộng không chỉ ở các đơn vị thiếu GV mà còn đến các đơn vị có điều kiện triển khai để giúp nâng cao chất lượng chuyên môn. Song song đó, sở cũng sẽ chỉ đạo mở rộng các bộ môn còn thiếu GV khác để giúp các đơn vị có thể tổ chức giảng dạy, giáo dục toàn diện cho HS. Khi mở rộng, sở sẽ đánh giá toàn diện mọi vấn đề, đặc biệt là đội ngũ GV trợ giảng, lưu tâm hơn về chuyên môn cũng như chế độ đãi ngộ” - ông Quốc nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm