ChatGPT xuất hiện, trường học, giáo viên lo sợ?

(PLO)- Thay vì lo ngại với sự xuất hiện của ChatGPT, giáo dục cần phải đổi mới giảng dạy và kiểm tra, đánh giá để thích ứng với xu thế ngày càng phát triển của AI.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa mới xuất hiện nhưng ChatGPT đang là công cụ được tìm kiếm rất nhiều tại Việt Nam. Bên cạnh lợi ích về tìm kiếm kiến thức, ChatGPT cũng trở thành mối lo ngại trong trường học nếu được sinh viên (SV), học sinh (HS) sử dụng rộng rãi.

Tò mò trải nghiệm để làm bài tập

Tại hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp khám phá với chủ đề “Endee và ChatGPT" do trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) tổ chức sáng 6-2, nhiều HS đã chia sẻ về những trải nghiệm ban đầu khi sử dụng ChatGPT.

Em Trần Võ Thế Huy (lớp 12A2) cho biết đã sử dụng ChatGPT hơn một tháng nay và có hẳn ba tài khoản để tham khảo làm tiểu luận môn ngữ văn.

Em Trần Võ Thế Huy chia sẻ về vấn đề sử dụng ChatGPT của mình. Ảnh: Tú Ngân

Em Trần Võ Thế Huy chia sẻ về vấn đề sử dụng ChatGPT của mình. Ảnh: Tú Ngân

Huy đánh giá việc tra cứu kiến thức trên hệ thống ChatGPT tốt hơn Google ở chỗ là giảm được thông tin, hình ảnh rác, hạn chế được nhiều thông báo quảng cáo. Tuy nhiên, hạn chế của ChatGPT là chỉ cung cấp thông tin để HS tham khảo thôi, còn để đạt kết quả như mong muốn, em phải chọn lọc, viết lại bài bằng kiến thức mình đã học được.

“Chẳng hạn khi tìm hiểu về Triết học Phương Đông, hệ thống không cung cấp được thông tin rõ ràng dù em đã cố gắng đặt ra các câu hỏi khác nhau. Kết quả trả về cũng có những nội dung trùng lặp, không có sự thay đổi nhất định, dễ dàng bị thầy cô kiểm tra được qua phần mềm đạo văn” – Huy nhận xét.

Em Nguyễn Tiến Hưng bày tỏ ý kiến về việc sử dụng ChatGPT. Ảnh: Tú Ngân

Em Nguyễn Tiến Hưng bày tỏ ý kiến về việc sử dụng ChatGPT. Ảnh: Tú Ngân

Tò mò với ứng dụng ChatGPT từ một trang youtube, em Nguyễn Tiến Hưng (lớp 12A1) tìm tòi đăng ký sử dụng để giải thử một bài tập hóa. Kết quả, ứng dụng này giải đúng hoàn toàn theo yêu cầu bài tập. Tuy vậy, Hưng nhận thấy cách làm này sẽ làm em bị phụ thuộc vào máy móc nên hiện tại đã ngừng sử dụng.

Đứng ở góc độ vừa là người trải nghiệm, vừa là người định hướng giáo dục cho HS, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường cho rằng ứng dụng ChatGPT giúp ông tiết kiệm được thời gian làm một số công tác chuyên môn như soạn bài phát biểu, giải bài tập Hóa... Do đó, ông Phú khuyên các HS hãy dành thời gian, mạnh dạn trải nghiệm ứng dụng mới này.

Ông Phú lưu ý, khi tra cứu, các em không nên sử dụng ngôn ngữ cợt nhã vì hệ thống sẽ lập trình lại nội dung trước đó khiến người dùng sau sẽ bị ảnh hưởng.

“Người dùng cần có sự hiểu biết, am tường một lĩnh vực, kiến thức khi tương tác trên hệ thống. Bởi nếu không hiểu, việc sử dụng kiến thức đó đồng nghĩa với việc chấp nhận sự rủi ro. Các em chỉ nên xem đây là một sản phẩm tham khảo đáp ứng cho nhu cầu học tập, nghiên cứu, không sao chép nguyên mẫu” – ông Phú khuyên.

Ở góc độ sinh viên, Nguyễn Hiệp Nghĩa, SV năm thứ hai, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho rằng ChatGPT phổ biến tại Việt Nam có thể sẽ “xóa sổ” thư viện truyền thống. Tuy nhiên, hạn chế hay tích cực của ứng dụng phụ thuộc vào mục đích của người sử dụng.

“Cái gì máy móc làm được thì hãy để máy móc làm, quan trọng là người học có hiểu và biến nó thành kiến thức của mình hay không. Giảng viên hay SV cũng nên sử dụng để cập nhật thông tin mới, tăng cường tương tác với người học. Cách đánh giá nên dựa trên sự hiểu bài của người học chứ không nên quan tâm SV có được dữ liệu đó từ đâu” – Nghĩa chia sẻ.

chatgpt ảnh hưởng ra sao đến giáo dục

Cô trò Trường THCS Lạc Hồng (quận 10) trong một buổi hướng dẫn học tại thư viện trường. Ảnh: P.ANH

Cần thích ứng hơn là lo ngại với ChatGPT

Ở góc độ là giáo viên, thầy Thiều Quang Thịnh, giáo viên Trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè) nhận thấy một số điểm tích cực mà ChatGPT mang lại, như cung cấp nhiều thông tin, có quan điểm, lời khuyên và đánh giá về một vấn đề cụ thể, có sự tương tác qua lại một cách "thân thiện" với người sử dụng…

Do đó, đây sẽ là công cụ hữu ích, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục khi sử dụng cho việc lập kế hoạch bài dạy, thiết kế tiết dạy theo định hướng phát triển năng lực tự học, tư duy phản biện.

Tuy nhiên, theo thầy Thịnh, ChatGPT có những câu trả lời cụ thể nhưng thiếu sự tổng quát, chưa có được sự chuẩn xác hoàn toàn với nguồn dữ liệu tin cậy. Vì thế, các thông tin của ChatGPT chỉ nên là nguồn tham khảo, cần nhưng chưa đủ.

Thầy Thịnh cho rằng ChatGPT không thể nào thay thế được giáo viên vì giáo dục không chỉ là dạy kiến thức, tìm ra đáp án, trả lời câu hỏi. Khi giảng dạy, giáo viên còn trực tiếp mang đến cho HS những cảm xúc thông qua bài giảng, và những giá trị đạo đức, lối sống và nhận thức.

“Có ChatGPT, vai trò của giáo viên là người truyền đạt sẽ thay đổi thành người định hướng, hướng dẫn và tiếp tục phát huy trong kỷ nguyên AI (Artificial Intelligence - trí tuệ nhân tạo) này. Nếu giáo viên biết khai thác đúng đắn ChatGPT trong giảng dạy, việc này sẽ mang lại kết quả tốt đẹp. Chúng ta nên chọn chung sống và tiếp nhận ChatGPT một cách thân thiện" - thầy Thịnh bày tỏ.

ChatGPT có thể giúp làm toán. Ảnh: MINH HOÀNG
ChatGPT có thể giúp làm toán. Ảnh: MINH HOÀNG

Đánh giá về ứng dụng mới này, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng ChatGPT ra đời sẽ gây ra sự biến động lớn cho thị trường lao động, cơ cấu ngành nghề. Bởi ứng dụng này sử dụng thuật toán học rất tốt, phân tích dữ liệu quá lớn và có cách học giống như con người.

Trong lĩnh vực GD&ĐT, theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, ChatGPT ra đời đã tạo ra sự sợ hãi cho các nhà quản lý giáo dục, đặc biệt là các giảng viên, giáo viên ở các cấp học. Bởi, đa số, khi ra bài tập về nhà, thầy cô sẽ đinh ninh HS tự làm nhưng khi có ChatGPT, các em đã không cần phải làm bài nữa, thậm chí có bài làm đạt yêu cầu. Điều này sẽ tác động tiêu cực, khiến các trường, thầy cô lo sợ và có thể sẽ cấm, hoặc dùng "tường lửa" để chặn trên máy tính, không cho người học truy cập vào.

Còn với giáo viên, tải trọng công việc cũng sẽ giảm rất nhiều khi muốn soạn bài hay thực hiện chương trình giảng dạy nào đó…

“Tuy nhiên, chính những điều dễ dàng có được từ ChatGPT sẽ không hình thành khả năng tư duy, khiến người học lười biếng, bị phụ thuộc AI quá nhiều. Chất lượng đào tạo sẽ giảm ” – ông Dũng nhìn nhận.

Trước thực tế này, PGS-TS Đỗ Văn Dũng cho rằng để giảm tiêu cực và phát huy mặt tích cực, cách dạy và học trong thời đại trí tuệ nhân tạo này phải thay đổi.

“Chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ kiểm tra, đánh giá từ phổ thông đến ĐH. Trường học không nên tổ chức thi tự luận, làm bài tập như trước mà cần tập trung cho học trò được làm dự án, làm việc nhóm. Các em có thể tìm tòi, tra cứu dữ liệu trên mọi phương tiện nhưng quan trọng biết áp dụng thông tin đó để làm sản phẩm cụ thể. Từ đó, giáo dục mới có thể thích ứng và biến nó trở thành công cụ hỗ trợ tốt cho việc học và dạy” – ông Dũng chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm