‘Lứa cầu thủ vừa giỏi vừa ngoan…’

Cả chuyên gia Nguyễn Hữu Bàng lẫn cựu HLV Đoàn Minh Xương đều có chung nhận định lứa cầu thủ bây giờ vừa giỏi vừa ngoan. Và không phải ngẫu nhiên mà hai nhân vật từng trải với bóng đá Việt Nam trên lại đặt ra hai vế “giỏi” và “ngoan” để nói về thế hệ tuyển thủ hôm nay.

Tại các kỳ AFF Cup trước, sau thất bại ở vòng loại, cả giới chuyên môn lẫn người hâm mộ đều không tin chúng ta thua vì chuyên môn, mà vì nội bộ phá nhau với những nghi kỵ quân ông Hùng (HLV Phan Thanh Hùng) và thành phần còn lại. Tất nhiên, đấy chỉ là những suy diễn dựa vào chuyên môn nhưng không có lửa làm sao có khói. AFF Cup 2014, khi thầy trò HLV Miura dừng chân sau lượt về bán kết với Malaysia thì chính ông cựu chủ tịch VFF lại nhận xét ngay là cầu thủ “không ngoan”, “đánh lẻ” và đề nghị công an vào cuộc, bởi ông không tin cái thua rất đậm sau khi đã thắng 2-1 ở lượt đi trên sân khách là cái thua về chuyên môn. Đến giờ, đôi lúc vẫn còn những tranh luận về trận thua kỳ quặc đấy. Đến AFF Cup 2016 cũng thế. Cái thua mà khó có kịch bản nào lặp lại trước Indonesia tại Mỹ Đình cũng gợi lên nhiều suy nghĩ và nội bộ đội tuyển khi ấy cũng có những tranh luận không ít.

Một lứa cầu thủ được khen vừa giỏi vừa ngoan. Ảnh: NGỌC DUNG

Nhắc lại ba kỳ AFF Cup gần nhất để thấy vấn đề được nhắc nhiều không phải là chuyên môn, mà là chuyện “ngoan” hay “hư” trong một tập thể.

Tại AFF Cup 2018, hay xa hơn là từ giải U-19 năm 2016 đến U-20 năm 2017 và vòng chung kết U-23 châu Á, rồi Asiad sang AFF Cup, xuyên suốt các đội trẻ và đội tuyển đều ra sân chiến đấu như những cảm tử quân mà không có suy tính hay những mắt xích tự gãy.

Rõ ràng nhất là AFF Cup 2018, cả tám trận đấu của đội tuyển Việt Nam dù với đội hình nào, cầu thủ nào, thậm chí là có cả những cầu thủ từng chơi AFF Cup 2014, 2016 thì họ vẫn cho thấy một niềm tin trọn vẹn. Phần “ngoan” và “giỏi” mà các chuyên gia và HLV nhắc đến là ở chỗ xem họ thi đấu không còn thấy lăn tăn sự lo lắng của những đôi chân lạc nhịp mà nhiều HLV Việt Nam trước đây thường hay hỏi: “Không biết cầu thủ có chịu đá hay không?”.

Nói đến lứa cầu thủ vừa giỏi vừa ngoan cũng cần phải nhắc đến các lò đào tạo đã tạo cho các em những môi trường tốt. Chẳng hạn có câu chuyện ở lò Viettel mà ít ai biết, đó là ngay từ đầu vào, nếu phát hiện cầu thủ năng khiếu nào gian lận tuổi, gian lận hồ sơ thì dứt khoát các thầy ở đây không nhận. Họ muốn có sự trung thực ngay từ đầu vào và nghiêm túc với lứa tuổi mà họ đào tạo… Điều quan trọng hơn là nhiều cầu thủ trẻ đã sớm ý thức được bóng đá chuyên nghiệp rất khắc nghiệt và luôn đào thải nên phải luôn phấn đấu, thay cho suy nghĩ đã ở đội hình chính thì kiểu gì cũng có chỗ. Chính bản thân HLV Park Hang-seo cũng thừa nhận ông đến đúng thời điểm với những cầu thủ tốt ở nhiều lò đào tạo và ông chỉ làm công việc phát huy những tố chất của họ. Một điều đặc biệt ở ông thầy Park Hang-seo là ông đã làm mới rất nhiều cầu thủ, kể cả những cái tên đã cũ. Như Anh Đức, Trọng Hoàng, các lão tướng như trẻ lại và thi đấu như chưa bao giờ được ra sân. Hay Quế Ngọc Hải hay bị chê là “tài” với “tật” thì về với ông, cái “tài” được nhân lên, còn “tật” thì không còn xuất hiện nữa. Từ một trung vệ hay phạm lỗi hay đá đau, đá nguy hiểm, Quế Ngọc Hải trở thành một thủ lĩnh ở tuyến phòng ngự với lối chơi chững chạc, điềm đạm.

Hy vọng sự “giỏi” và “ngoan” đấy tiếp tục phát huy, đặc biệt là khi các học trò thầy Park đã thành danh và được săn đón, được rất nhiều giải thưởng và hợp đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm