Câu chuyện tuyển Iraq, đối thủ của tuyển Việt Nam tại vòng bảng Asian Cup 2019 và là đối thủ đầu tiên của thầy trò Park Hang-seo (thi đấu ngày 8-1-2019) vừa đánh bại tuyển Trung Quốc như một bức thông điệp mạnh gửi đến tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, vì sao tuyển Iraq lại hay dở thất thường và không bao giờ khá nổi?
Iraq từng "hủy diệt" Thái Lan dễ dàng ở vòng loại World cup 2018 giai đoạn 3
Vừa qua trong loạt trận giao hữu, Iraq đánh bại tuyển Trung Quốc do HLV huyền thoại Marcelo Lippi dẫn dắt; trong khi đó tuyển Iraq do HLV Srecko Katanec dẫn dắt.
Iraq chính là đội vô địch Asian Cup 2007, lần đó tuyển Việt Nam đồng chủ nhà với Thái Lan, Indonesia và Malaysia, Iraq đã đánh bại tuyển Việt Nam ở tứ kết 3-0, cùng với đó là tay săn bàn Younis Mahmoud thành vua phá lưới, Mahmoud có cú đúp vào lưới tuyển Việt Nam lúc đó.
Đội trưởng Younis Mahmoud, tay săn bàn huyền thoại của tuyển Iraq
Nhưng không phải vì thế mà bóng đá Iraq tiến lên, cứ mỗi lần họ đạt một đỉnh cao thì sau đó tuột dốc và cứ thế. Với con người, tiềm lực và sức mạnh thì Iraq thừa sức để săn vé World Cup khu vực châu Á nhưng họ lại không làm được.
Thực chất bóng đá Iraq rất có tiềm lực và thậm chí không thua kém gì Iran nhưng nội tại của họ luôn làm cho họ tự suy yếu, nói khác đi là họ tự giết mình.
HLV Katanec không thể hóa giải được mối hận thù sắc giáo trong nội bộ tuyển Iraq
Nó xuất phát từ vấn đề sắc giáo trong đội tuyển nước này. Iraq là quốc gia Hồi giáo. Tất cả cầu thủ đều theo đạo Hồi nhưng khác nhánh phái. Các nhánh phái này lại mâu thuẫn với nhau từ khi hình thành đạo Hồi đến giờ, đó là Shiite, dòng Sunni và Kurd. Ba nhánh này có những mối thù hằn không hóa giải được và lịch sử đã trải qua chiến tranh triền miên.
Đó cũng là nội tại của tuyển Iraq. Đã có nhiều phóng viên nổi tiếng của các hãng tin phương Tây “lồng vào” để có những cuộc điều tra trong các đội thể thao tập thể Iraq, nhất là bóng đá và họ đều kết luận điều đó là có thật.
Asian Cup 2019 này Iraq có nhiều cầu thủ từ châu Âu về khoác áo
Iraq vô địch Asian Cup 2007 nhưng lần đó đội tuyển nước này có một “ban hòa giải” vững vàng nên đội “miễn nhiễm” với mọi cuộc phá hoại gây chia rẽ từ bên ngoài. Họ hợp thành một sức mạnh thống nhất đi đến ngôi vô địch.
Iraq nằm ở vùng Trung Đông, vốn cũng là quốc gia bị giằng xé vì nhiều thế lực. Lần đó khi tuyển Iraq chơi thành công thì cũng có những cuộc phá đám…gây chia rẻ nội bộ tuyển Iraq khi khoét vào mối thù hằn lâu đời có sẵn của các sắc giáo Shiite, Sunni và người Kurd để làm “banh xác” đội tuyển.
Tuyển Việt Nam từng chạm trán với tuyển Iraq ở giai đoạn 2 vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á
Tuy nhiên, lần Asian Cup đó nội tại tuyển Iraq đã chiến thắng được “giặc ngoài” phá đám, ngăn chặn hiệu quả các thế lực phá đất nước Iraq nhúng tay vào. Thể thao có thể san lấp những thù hằn, sắc tộc, sắc giáo nhưng ở Iraq thì đó là hố sâu ngăn cách quá lớn lại luôn bị các thế lực muốn Iraq suy yếu liên tục phá hoại từ thể thao nói chung đến bóng đá nói riêng.
Đó cũng là điều mà các HLV nước ngoài thường từ chối làm HLV trưởng tuyển Iraq. Vừa qua HLV Katanec chấp nhận dẫn dắt tuyển Iraq là một quyết định dũng cảm. Trước đó nhiều HLV châu Âu đã được mời làm lương cao nhưng… lắc đầu, gần nhất là HLV Eriksson, ông đã lắc đầu với Iraq để về Philippines dẫn dắt.