Nội dung vụ kiện xuất phát từ việc ông O. cho rằng lúa mình đem đi sấy bị hao hụt nên không trả tiền công sấy lúa, dẫn đến chủ lò sấy khởi kiện.
Theo hồ sơ, ngày 31-3, ông O. mang 107.634 kg lúa đến lò sấy của chị D. tại ấp Mỹ Trung, xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè để sấy. Khi sấy lúa thì chia ra làm hai mẻ để sấy, sau khi sấy xong số lúa khô cân lại chỉ còn 95.124 kg. Ông O. cho rằng lúa của mình trong quá trình sấy đã bị mất nên không đồng ý trả tiền sấy lúa.
Sau nhiều lần yêu cầu mà ông O. không trả tiền sấy lúa, chị D. đã nộp đơn tại UBND xã Hậu Mỹ Bắc B để yêu cầu ông O. trả gần 15 triệu đồng. Do phía ông O. vẫn không chịu trả nên chị D. đã khởi kiện ra TAND huyện Cái Bè yêu cầu tòa buộc ông O. phải trả số tiền trên.
Trong quá trình giải quyết vụ án, ông O. đã nộp đơn yêu cầu phản tố đề nghị tòa tuyên buộc chị D. phải bồi thường số lúa bị mất với trị giá gần 13 triệu đồng. Ông O. nói sau khi khấu trừ, ông sẽ trả lại cho chị D. hơn 2 triệu đồng.
Tại phiên tòa, cả hai bên đều thừa nhận độ ẩm đầu ra đều là 15,5%, không thống nhất độ ẩm đầu vào. Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè có văn bản xác định: Về lý thuyết khoa học thì lúa vụ đông xuân độ ẩm đầu vào dao động 23%-25%, sấy xuống còn độ ẩm 15,5% thì tỉ lệ hao hụt sau khi sấy đối với hai mẻ lúa của ông O. từ 10.759 kg đến 13.300 kg. Cho nên tòa cho rằng lượng lúa của ông O. bị hao hụt 12.570 kg, tương đương tỉ lệ hao hụt 11,6% là phù hợp.
Mặt khác, ông O. cũng trình bày là ông đã sấy lúa ở lò sấy của chị D. được ba lần, cách lần sấy lúa xảy ra tranh chấp khoảng 10 ngày thì ông cũng có sấy lúa với số lượng khoảng 110.000 kg. Sau khi sấy, tỉ lệ lúa hao hụt khoảng 11%-12%, ông đã đồng ý với tỉ lệ hao hụt đó và đã thanh toán tiền sấy lúa cho chị D. Tỉ lệ này cũng tương đương với tỉ lệ hao hụt lần sấy lúa mà tòa đang xem xét.
Từ những nhận định trên, HĐXX TAND huyện Cái Bè đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị D., buộc ông O. phải trả tiền sấy lúa cho chị D. Đồng thời, tòa bác yêu cầu phản tố của ông O., buộc ông O. phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.
Sấy lúa từ ướt sang khô thì hẳn nhiên phải bị hao hụt. Cái hay trong vụ án này là tòa đã dựa vào căn cứ xác định độ ẩm đầu vào, đầu ra của phòng NN&PTNT để đưa ra nhận định hợp lý, hợp tình. Vì vậy, đây có lẽ là vụ “án lệ” thú vị của ngành tòa án trong việc ra phán quyết liên quan đến tranh chấp của bà con nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp.