ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA:

Luật Biểu tình: Món nợ trả càng sớm càng tốt

Ngày 25-11, tại diễn đàn Quốc hội (QH), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định tầm quan trọng của việc cần thiết phải xây dựng Luật Biểu tình. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam - ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (ảnh) cũng cho rằng vấn đề đặt ra là làm thế nào để sớm ra được Luật Biểu tình để người dân có thể thực hiện việc biểu tình như một quyền tự do mà Nhà nước cũng có thể quản lý, bảo đảm được an ninh, trật tự chung.

. Thưa ông, trên diễn đàn QH vừa rồi đã nóng lên vấn đề về sự cần thiết của Luật Biểu tình. Trong đó, số ý kiến phát biểu phản đối lại nhiều hơn ủng hộ. Ông nhìn nhận hiện tượng này thế nào?

Luật Biểu tình: Món nợ trả càng sớm càng tốt ảnh 1
+ Phát biểu trên QH được thực hiện theo thứ tự nên cơ hội được nói rất ít. Hơn nữa, những vấn đề liên quan tới quyền con người, quyền dân chủ cơ bản thường là nhạy cảm, dễ bị quy chụp, hiểu lầm nên có thể nhiều người lòng thì muốn nhưng ngại nói ra. Do đó, muốn biết các dự luật như vậy ủng hộ hay chống nhiều hơn, phải tìm hiểu cả đa số thầm lặng kia. Riêng tôi không tin là số người ủng hộ sự cần thiết của Luật Lập hội, Luật Biểu tình lại thấp hơn số người phản đối. Còn nếu thực như thế thì hết sức đáng lo.

Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản lãnh đạo Nhà nước. Do đó, ghi nhận quyền biểu tình trong hiến pháp không chỉ là sự thừa nhận một quyền cơ bản tự nhiên của công dân, mà còn là cam kết của Đảng đối với dân. Chúng ta đã từng có nhiều cuộc biểu tình do các đoàn thể hay Nhà nước tổ chức. Nhưng mấy chục năm nay, kể từ Hiến pháp 1959, chúng ta chưa có một đạo luật về quyền biểu tình cho mọi công dân. Đấy là món nợ của Nhà nước với nhân dân, trả càng sớm càng tốt.

Luật Biểu tình: Món nợ trả càng sớm càng tốt ảnh 2

Một cuộc mít-tinh do Nhà nước tổ chức kỷ niệm ngày 30-4-2010 tại TP.HCM. Ảnh: HTD

. Nhưng những người ấy lập luận rằng còn có những quyền cơ bản khác quan trọng hơn như quyền làm ăn, sinh sống trong trật tự, ổn định…

+ Đã nói tới quyền con người, quyền tự do cơ bản của công dân thì đó là một khối thống nhất, không thể tách rời. Không thể nói quyền nào quan trọng hơn quyền nào. Cho dù còn thiếu ăn, thiếu mặc, chắc chẳng ai chấp nhận từ bỏ quyền tự do ngôn luận để vạch rõ những sai trái, kiến nghị những thay đổi làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ngay việc bà con nông dân kéo tới các trụ sở tiếp dân của địa phương, trung ương để trình bày những oan khuất, yêu cầu xử lý những sai phạm, đấu tranh cho quyền lợi của mình cũng không thể xem là những hành vi “chống chính phủ”, vì chính việc làm ấy đã thể hiện họ vẫn đặt niềm tin nơi Đảng và Nhà nước. Nó cho thấy cuộc sống càng khó khăn thì quyền dân chủ càng cần thiết với người dân và càng phải được Nhà nước bảo đảm. Tách rời các quyền cơ bản ấy ra, áp đặt quyền nào quan trọng hơn là xâm phạm quyền tự do, dân chủ hiến định của nhân dân.

. Chúng ta đang chuẩn bị tích cực cho việc sửa Hiến pháp 1992. Vậy những ý kiến, quan điểm đặt nhẹ các quyền con người, quyền tự do dân chủ cơ bản, sẽ ảnh hưởng thế nào tới kết quả là một bản hiến pháp mới?

+ Lúc này vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng. Càng nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau với khoảng cách xa như thế, vai trò của lãnh đạo càng cần thiết. Lãnh đạo để tạo ra sự đồng thuận theo hướng có lợi cho đất nước.

Một nguyên tắc của chủ nghĩa Mác là tôn trọng quy luật khách quan. Quy luật khách quan của Việt Nam hiện nay là chuyển đổi mô hình tăng trưởng, là cải cách chính trị đồng bộ với cải cách kinh tế, là hội nhập quốc tế sâu rộng, không chỉ về kinh tế mà cả chính trị. Người lãnh đạo cần nhận rõ quy luật ấy, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của xã hội, của thời đại.

. Xin cảm ơn ông.

NGHĨA NHÂN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm