10 ngày sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố “đã đến thời khắc Mỹ thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel”, làn sóng phản đối tiếp tục lan rộng trên thế giới.
IS hăm dọa tấn công Mỹ
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã phát tán trên mạng xã hội lời đe dọa tấn công nước Mỹ và đặc biệt là quận Manhattan ở New York vì tuyên bố của ông Trump về Jerusalem.
Trong tin nhắn trên Telegram có tiêu đề “Hãy chờ đợi bọn tao!” và “IS ở Manhattan”, IS hăm dọa sẽ gia tăng tấn công hơn nữa trên đất Mỹ và sẽ “thiêu cháy nước Mỹ trong ngọn lửa chiến tranh” mà Mỹ đã phát động ở Libya, Yemen, Iraq, Afghanistan và Syria.
Trong khi đó tại Brussels (Bỉ), theo đề nghị của Bỉ, các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã thảo luận vấn đề Jerusalem trong bữa ăn tối hôm 14-12.
Sau đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk viết trên Twitter: “Các nhà lãnh đạo EU lặp lại cam kết kiên quyết ủng hộ giải pháp hai nhà nước Israel và Palestine, vì vậy quan điểm của EU về Jerusalem không có gì thay đổi”.
Cùng ngày, để bày tỏ thái độ phản đối quyết định của Mỹ về Jerusalem, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố nước này sẽ mở đại sứ quán ở Đông Jerusalem sau khi thừa nhận Palestine độc lập. Tại Lebanon, Ngoại trưởng Gebran Bassil cho biết đã trao đổi với tổng thống Palestine về việc bố trí sứ quán Lebanon tại Đông Jerusalem.
Quyết định của ông Trump về Jerusalem đã tạo ra làn sóng phản đối toàn cầu. Biếm họa của Tom Janssen (báo The Netherlands ở Hà Lan)
Báo Times of Israel đưa tin Hội đồng Bảo an LHQ đang chuẩn bị một dự thảo nghị quyết phản đối Mỹ thừa nhận Jerusalem là thủ đô Israel. Mỹ có thể sử dụng quyền phủ quyết nhưng điều quan trọng là nếu 14/15 nước Hội đồng Bảo an LHQ tán thành, đây sẽ là sức ép để Mỹ tính đến lợi ích của Palestine.
Đến nay chỉ có Israel tán thành tuyên bố ngày 6-12-2017 của Tổng thống Trump về Jerusalem trong khi cộng đồng quốc tế chỉ trích Mỹ vi phạm các nghị quyết có giá trị pháp lý ràng buộc của Hội đồng Bảo an LHQ.
Nguồn gốc xung đột
Thành thánh Jerusalem rộng 200 km2 với dân số hơn 880.000 dân (năm 2016). Đây là địa danh linh thiêng của ba tôn giáo Hồi giáo, Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo.
Tháng 11-1947, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Nghị quyết 181 phân chia lãnh thổ Palestine dưới chế độ ủy trị của Anh thành ba thực thể: Thành lập nhà nước Do Thái, thành lập nhà nước Ả Rập, đặt TP Jerusalem và vùng phụ cận với vị thế một “thể tách biệt” (corpus separatum) dưới quyền tài phán quốc tế.
Trong chiến tranh Israel-các nước Ả Rập năm 1948, quân đội Israel chiếm phần phía Tây Jerusalem còn Jordan chiếm phần phía Đông Jerusalem. Đến Chiến tranh sáu ngày vào tháng 6-1967, Israel chiếm cao nguyên Golan, bờ Tây sông Jordan, dải Gaza và bán đảo Sinai, trong đó có Đông Jerusalem.
90% người Palestine được hỏi đánh giá Mỹ thừa nhận Jerusalem là thủ đô Israel là mối đe dọa trực tiếp đối với lợi ích Palestine. 44% cho rằng đấu tranh vũ trang là câu trả lời thích đáng nhất. Thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu và học tập Palestine thực hiện. |
Năm tháng sau, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua Nghị quyết 242 lên án Israel chiếm đóng bờ Tây và dải Gaza, đồng thời yêu cầu quân đội Israel rút khỏi các vùng đất bị chiếm đóng.
Năm 1971, Hội đồng Bảo an LHQ tiếp tục ban hành Nghị quyết 298 nhận định: “Mọi quyết định về lập pháp và hành chính Israel đã ban hành nhằm thay đổi vị thế của TP Jerusalem, bao gồm trưng thu đất đai và bất động sản, di dời con người và pháp luật nhằm sáp nhập lãnh thổ bị chiếm đóng, là hoàn toàn vô hiệu (null and void) và không thể thay đổi vị thế của Jerusalem”.
Đến tháng 6-1980, Hội đồng Bảo an LHQ ban hành Nghị quyết 476 lên án nghị quyết của Quốc hội Israel tuyên bố lấy Jerusalem làm thủ đô Israel. Nghị quyết khẳng định Israel phải chấm dứt tình trạng chiếm đóng kéo dài đối với các vùng đất Ả Rập từ năm 1967, trong đó có Jerusalem. Sau nghị quyết này, các nước đã đặt sứ quán ở Jerusalem quyết định di dời sang Tel Aviv.
Ngày 9-7-2004, Tòa án Công lý quốc tế đã công bố ý kiến tư vấn về việc Israel xây tường trên lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng. Tòa khẳng định Israel là quốc gia chiếm đóng và trong các vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng có bao gồm Đông Jerusalem.
Ngày 14-12, trước hàng chục ngàn người tham dự mít tinh kỷ niệm 30 năm thành lập Phong trào Kháng chiến Hồi giáo (Hamas) tại dải Gaza, ông Ismail Haniyeh thủ lĩnh Hamas kêu gọi: “Chúng tôi kêu gọi hãy biến mỗi thứ Sáu thành một ngày thịnh nộ và nổi dậy ở mọi thủ đô và TP đến khi ông Trump hủy bỏ quyết định… Chúng tôi đề nghị các nhà thờ, Đức Giáo hoàng và các huynh đệ Thiên Chúa giáo cầu nguyện vào Chủ nhật cho Jerusalem”. Ông Ismail Haniyeh đã phủ nhận nhà nước Israel: “Không có nhà nước Israel, vì vậy Israel không thể có thủ đô là Jerusalem…”. Tham dự mít tinh ngoài Hamas còn có đại diện của các tổ chức Palestine khác như Phong trào Giải phóng Dân tộc Palestine (Fatah) của Tổng thống Mahmoud Abbas. Trước đó vào ngày 12-12, người phát ngôn phong trào Hamas tuyên bố: “Chúng tôi thông báo bắt đầu cuộc nổi dậy (Intifada) thứ ba nhằm tiếp tục phản kháng và gây sức ép để Mỹ rút lại quyết định. Hoạt động phản kháng gia tăng ở dải Gaza trong khuôn khổ Intifada”. Trong Intifada đầu tiên (1987-1991), Palestine phản đối Israel chiếm đóng các lãnh thổ trong Chiến tranh sáu ngày năm 1967. Intifada thứ hai bùng phát từ năm 2000 sau khi lãnh đạo phe đối lập Israel Ariel Sharon (sau đó giữ chức thủ tướng) đến thăm núi Đền ở Jerusalem. |