Các lãnh đạo Hồi giáo ngày 13-12 kêu gọi thế giới công nhận Đông Jerusalem là thủ đô của Palestine, đáp trả tuyên bố tuần trước của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Lời kêu gọi được đưa chính thức trong Tuyên bố Istanbul phát cho báo chí sau hội nghị bất thường của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) nhóm họp ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) với sự tham gia của hơn 50 nước Hồi giáo.
“Chúng tôi chính thức yêu cầu chính phủ Trump xem lại quyết định bất hợp pháp có thể gây ra hỗn loạn ở khu vực và thu hồi quyết định sai lầm này” -Tuyên bố Istanbul ghi rõ.
Các lãnh đạo Hồi giáo tại hội nghị bất thường của Tổ chức Hợp Tác Hồi giáo (OIC) ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 13-12. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, thông cáo hội nghị đăng trên trang web Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng các lãnh đạo Hồi giáo đều xem bước đi của ông Trump “là một tuyên bố rút bỏ vai trò bảo trợ hòa bình của chính phủ Mỹ”. Theo thông cáo, quyết định này “là một sự hủy hoại cố ý tất cả nỗ lực tìm kiếm hòa bình, thúc đẩy cực đoan và khủng bố, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế”.
Trong các lãnh đạo Hồi giáo tham dự có Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, Tổng thống Iran Hassan Rouhani, vua Jordan Abdullah. Jordan là một đồng minh thân thiết của Mỹ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại cuộc họp báo sau hội nghị bất thường của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 13-12. Ảnh: REUTERS
Tại hội nghị, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho rằng với bước đi này Mỹ đã để mất vai trò là nhà trung gian hòa giải chấm dứt xung đột Israel-Palestine.
“Từ giờ trở đi, không nghi ngờ gì vai trò trung gian của Mỹ giữa Israel và Palestine đã chấm dứt. Chúng ta cần bàn xem nước nào sẽ giữ vai trò này từ giờ trở đi. Điều này cần xử lý ở của LHQ” - theo ông Erdogan.
Tổng thống Palestine Abbas khẳng định “Jerusalem luôn là thủ đô của Palestine”, rằng quyết định của ông Trump là vi phạm luật pháp quốc tế. Ông Abbas cũng nói Mỹ không thể tiếp tục là nhà hòa giải đáng tin nữa: “Không thể chấp nhận Mỹ tiếp tục có vai trò trong tiến trình chính trị khi Mỹ thiên vị Israel. Đây là quan điểm của chúng tôi và hy vọng các bạn ủng hộ điều này”.
Tổng thống Palestine Abbas tại cuộc họp báo sau hội nghị bất thường của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 13-12. Ảnh: REUTERS
Iran, đối thủ của một quốc gia Hồi giáo lớn khác là Saudi Arabia đồng thời cũng là kẻ thù của Israel, cho rằng thế giới Hồi giáo cần đối thoại để vượt qua các trở ngại nội tại, để có thể thống nhất chống lại Israel. Iran trước giờ nhiều lần kêu gọi phá hủy nhà nước Israel, ủng hộ nhiều nhóm vũ trang chống Israel, trong đó có Hezbollah.
“Mỹ chỉ tìm kiếm bảo đảm quyền lợi tối đa của những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái và không tôn trọng quyền lợi hợp pháp của Palestine” -Tổng thống Iran Rouhani nói tại hội nghị.
Vua Jordan Abdullah, người từng ký một thỏa thuận hòa bình với Israel hơn 20 năm trước, nói ông phản đối mọi ý định thay đổi tình trạng hiện tại của Jerusalem.
Biểu tình ủng hộ Palestine bên ngoài nơi diễn ra bất thường của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 13-12. Ảnh: REUTERS
Về phần mình, ngày 13-12, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Tổng thống Trump vẫn “gắn kết với tiến trình hòa bình”, bất kể các tuyên bố giận dữ ở khu vực.
“Chính những lời giận dữ mà chúng ta đã nghe đã ngăn chặn tiến trình tìm kiếm hòa bình trước đây” - theo người phát ngôn Heather Nauert trong cuộc họp báo ngày 13-12.
Bà Nauert đề nghị mọi người không bóp méo mà tập trung vào đúng điều ông Trump muốn nói. Theo bà Nauert, quyết định của ông Trump không ảnh hưởng đến số phận cuối cùng của Jerusalem, mà tùy thuộc vào thương lượng giữa Israel và Palestine.
Tuy nhiên, khi được hỏi liệu Mỹ có thể đi bước tương tự, công nhận Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine tương lai hay không, bà Nauert nói quyết định này nên dành cho kết quả thương lượng giữa Palestine và Israel.
“Chúng ta đang bàn về cách nhìn Jerusalem. Tôi nghĩ quyết định thế nào tùy thuộc vào Israel và Palestine, rằng người dân hai bên muốn biên giới được vạch thế nào, vào kết quả thương lượng cuối cùng” - bà Nauert nói tại cuộc họp báo.
Jerusalem là trung tâm của xung đột Israel-Palestine trong hàng thập niên nay. Israel chiếm rồi sáp nhập Đông Jerusalem từ năm 1967, hành động này không được thế giới công nhận. Palestine coi Đông Jerusalem là thủ đô nhà nước tương lai của mình.