Vì vậy, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, bình tĩnh, theo hướng tích cực nhất...
Các cải cách đã và đang diễn ra, đáng ngạc nhiên hơn là chúng ta đang sống cùng, sử dụng những cải cách ấy.
Từ những năm 20 của thế kỷ 20, vì nhu cầu ấn loát và phổ cập quốc ngữ, ông Nguyễn Văn Vĩnh đã đề xuất nhiều cải cách trong chính tả và ký âm. Nhà trí thức lớn này đề nghị như ngoài Bắc nên theo trong Nam mấy tiếng “gi thành tr, d thành nh, nh thành l… để dùng trong văn tự, ba miền cùng dễ hiểu cả”.
Ông Vĩnh đã liệt kê ra một số từ gi đổi ra tr, như trai gái - giai gái, trăng gió – giăng gió; s đổi ra tr: sống mái- trống mái; d đổi ra nh: nhơ bẩn - dơ bẩn; nh đổi ra l: lạt - nhạt, lầm (lẫn) – nhầm… Đặc biệt, ông đề nghị quy ước mới, thay vì phải bỏ dấu, người viết sẽ dùng các quy ước như dấu “ớ” là hai chữ viết liên tiếp: aa = â, chữ w thay dấu “á”: aw = ă, các thanh sẽ là chữ quy ước đặt cuối từ như f = huyền, s = sắc, j = nặng…
Tất nhiên, đề xuất của ông không được ủng hộ, thậm chí nhận chê bai từ các đồng nghiệp.
Trong Văn thi sĩ tiền chiến, tác giả Nguyễn Vĩ kể dù chỉ có một mình, ông vẫn can đảm áp dụng cách viết này trong tờ báo do ông làm chủ bút. Và bạn có ngạc nhiên không, quy ước mà ông Vĩnh đề ra chỉ thời gian ngắn sau đó được áp dụng trong điện tín, còn bây giờ là cách gõ telex mà bạn đang áp dụng, nhất là trên điện thoại!
Trường hợp khác là Nguiễn Ngu Í, người thường ghi trong danh thiếp là “nhà văn, nhà jáo, nhà báo kông chuiên ngiệb” (nhà văn, nhà giáo, nhà báo không chuyên nghiệp). Những năm 1950, ở Sài Gòn, ông Nguiễn Ngu Í đã xiển dương cách viết dùng F thay Ph, dùng J thay Gi, dùng I thay Y, dùng B thay P, dùng Q thay Qu, dùng Ng thay Ngh, dùng G thay Gh… như viết Ge chứ không viết Ghe, Ngỉ chứ không viết Nghỉ. Cứ nhìn bút danh (Nguiễn Ngu í, Tân Fong Hiệb) mà ông ký dưới các bài viết là biết ông quyết liệt với chính tả kiểu mình thế nào. May mắn thay, dù có nhiều tranh cãi về học thuật nhưng thời ấy người ta xem ông như một cá tính độc đáo chứ không “ném đá”!
Nêu một vài trường hợp để thấy, như ở đề xuất cá nhân của PGS-TS Bùi Hiền, thẩm quyền tri thức đã đi sau sự xung động của đám đông. Đáng lý ra chính các nhà ngôn ngữ học mới là người có thể chỉ ra các hạn chế, bất khả thi cũng như không chính xác về ngữ âm, chính tả âm tiết hay chính tả âm vị… của đề xuất ấy.
Một “đống đá” ném ra không thu lại được gì về mặt tri thức, mà nó có thể thui chột những sáng kiến, sáng chế, phát minh… hữu ích đang manh nha trong đầu của nhiều người, trong đó có bạn.