Lùi sửa Luật Đất đai qua hết năm 2019

Sáng 10-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã họp phiên thứ 33 và cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Còn nhiều vấn đề phải nghiên cứu, đánh giá kỹ

Sau khi Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình của Chính phủ về các nội dung liên quan.

Với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2019, Chính phủ đề nghị điều chỉnh đối với 10 dự án. Đáng chú ý là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai được đề nghị rút ra khỏi chương trình này.

Về lý do, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 nhưng có một số vấn đề cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ nên Chính phủ đề nghị lùi lại.

Tựu trung có các vấn đề như: Đất cơ sở tôn giáo; người nước ngoài mua nhà ở gắn liền với đất ở; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai; quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, kinh tế đất, tích tụ tập trung đất đai; căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng, nhà ở khách sạn…

Mặt khác, Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII và Kết luận 36 năm 2018 của Bộ Chính trị cũng chưa đặt ra yêu cầu về sửa đổi, bổ sung ngay Luật Đất đai mà giao Ban cán sự đảng Chính phủ “chỉ đạo kịp thời việc sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai”. Về vấn đề này, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT tiếp tục nghiên cứu, phân tích và đánh giá toàn diện Luật Đất đai và đề ra định hướng sửa đổi.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ trình bày các nội dung liên quan về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Ảnh: TTXVN

Đề nghị Chính phủ phải xác định rõ khi nào trình Quốc hội

Về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế của QH tán thành với đề nghị của Chính phủ vì cho rằng Luật Đất đai năm 2013 mới có hiệu lực thi hành hơn bốn năm, trong khi đất đai là vấn đề phức tạp, có ảnh hưởng từ những yếu tố lịch sử để lại.

Các vấn đề đặt ra như hoàn thiện cơ chế xác định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất, thu hồi đất; bồi thường, giải phóng mặt bằng; tích tụ tập trung đất đai; quản lý đất cơ sở tôn giáo; người nước ngoài mua nhà ở gắn liền với đất ở... đều là những vấn đề rất phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng hơn.

Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng trong trường hợp cần thiết, Chính phủ có thể trình QH ban hành nghị quyết thí điểm để xử lý những vấn đề cấp bách trong lĩnh vực đất đai.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng: Thực tiễn có nhiều vướng mắc về pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất quốc phòng cần được tháo gỡ. Trong trường hợp đưa dự án sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai ra khỏi chương trình thì Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị giao Ủy ban Thường vụ QH ban hành nghị quyết riêng để xử lý những vấn đề vướng mắc.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định sau khi đồng tình việc lùi sửa Luật Đất đai theo đề nghị của Chính phủ thì đề nghị Chính phủ cần xác định rõ lộ trình sửa đổi, bổ sung luật này. Một số ý kiến khác cũng đề nghị Chính phủ xác định rõ tiến độ trình QH dự án luật này theo các nghị quyết của trung ương và đòi hỏi của thực tiễn.

Về vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ phải tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Đất đai thời gian qua, đánh giá tác động của việc ban hành những chính sách mới trong luật này đối với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đồng thời đề nghị đưa luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Về dự án Luật Biểu tình, Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt

Bộ trưởng Lê Thành Long cũng đề cập đến Luật về hội và Luật Biểu tình đã được rút ra từ các kỳ trước. Theo đó, dự án Luật về hội đã được Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị. Còn Luật Biểu tình đang được Bộ Công an tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu lý luận, cơ sở pháp lý và tổ chức khảo sát thực tế tại các đơn vị, địa phương để nghiên cứu, xây dựng để bảo đảm thực thi quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tránh các thế lực thù địch lợi dụng biểu tình để gây rối mất trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Về Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, ông Long cho hay đã được Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban chỉ đạo, giao Bộ KH&ĐT phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế của QH xây dựng phương án chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật theo hướng xây dựng một luật chung.

“Hiện nay Ban cán sự đảng Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị xin ý kiến chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật” - Bộ trưởng Long trình bày.

Đồng Nai: Thị xã Long Khánh lên thành phố

Trưa 10-4, Ủy ban Thường vụ QH đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày tờ trình của Chính phủ đề nghị thành lập năm phường Xuân Lập, Xuân Tân, Bảo Vinh, Suối Tre, Bàu Sen thuộc thị xã Long Khánh và thành lập TP Long Khánh thuộc tỉnh Đồng Nai.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định trình bày thẩm tra và cho biết một số ý kiến đề nghị cơ quan trình đề án giải trình, làm rõ thêm về số liệu diện tích tự nhiên của tỉnh Đồng Nai và thị xã Long Khánh, cũng như vấn đề bố trí lực lượng công an chính quy của năm phường được dự kiến thành lập của thị xã Long Khánh. Đại diện Chính phủ (Bộ Nội vụ) và UBND tỉnh Đồng Nai đã giải trình, làm rõ và cho hay sẽ có văn bản báo cáo bổ sung với Ủy ban Thường vụ QH ngay tại phiên họp này. Ủy ban Pháp luật sau đó thống nhất với nội dung giải trình của Chính phủ và Đồng Nai.

Cuối cùng, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ QH thông qua dự thảo nghị quyết thành lập TP Long Khánh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm