Đây là ý kiến của Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đưa ra tại Hội nghị “Ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ”, diễn ra chiều 11-5 tại TP.HCM.
Sức khoẻ doanh nghiệp đang xuống dốc
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết: Về tình hình kinh tế xã hội tại TP trong bốn tháng đầu năm, quý IV-2022 và quý 1-2023 tình hình kinh tế của thành phố gặp rất nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp thành lập mới là 14.752 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là144.568 tỉ đồng, giảm 9,5% về số lượng và giảm 24,79% về vốn đăng ký so với năm 2022.
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 23,88% so với cùng kỳ, số vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố cũng giảm 23,45% so với cùng kỳ. Từ những con số này, chúng ta thấy được tình trạng sức khoẻ của doanh nghiệp - một lực lượng quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế của thành phố.
Qua nhiều lần làm việc với hiệp hội doanh nghiệp thành phố, TP ghi nhận 5 vấn đề: Thứ nhất, có gần 55% số doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, giữ lao động và gần như không có nhu cầu tín dụng do không có đơn hàng. Thứ hai, một bộ phận doanh nghiệp có nhu cầu vốn lưu động để giải quyết nhu cầu thanh toán ngắn hạn tạo tính thanh khoản.
Thứ ba, đối với các khoản vay đến hạn thì kế hoạch thanh toán gặp khó khăn do hàng bán không được (hàng tồn kho tăng), hoặc bị nợ đọng vốn. Thứ tư là ngại tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi do nhu cầu tín dụng, một mặt ngại các vấn đề liên quan đến cơ quan chức năng. Thứ 5, đối với lĩnh vực bất động sản, người mua thì ngại vay và mong muốn có chính sách ưu đãi cho người mua nhà để yên tâm vay vốn".
|
Ngân hàng tiết giảm chi phí để có thêm nguồn lực giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp |
Cuối cùng, trong những tháng còn lại của năm 2023, kinh tế xã hội thành phố sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
Đồng quan điểm, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, cho biết thời gian vừa qua, NHNN đã tích cực triển khai một số giải pháp nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường như tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ. Trong đó, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao được tập trung ưu tiên cấp tín dụng.
“Nhìn chung, các giải pháp điều hành chính sách nêu trên đều hướng tới tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, kịp thời cung ứng vốn tín dụng để góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Mặc dù NHNN đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp này, song tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm vẫn thấp” - ông Tú nói.
Mổ xẻ nguyên nhân khiến cầu tín dụng đi thụt lùi
Nói về nguyên nhân dẫn đến cầu tín dụng thấp, ông Đào Minh Tú phân tích: Thứ nhất, do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, hoạt động của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào kinh tế quốc tế, trong khi bối cảnh hiện nay kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, lạm phát cao, nhu cầu thương mại, đầu tư giảm ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp trong nước.
Nguyên nhân thứ 2 là một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý. Trong đó, đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa việc tiếp cận tín dụng của nhóm này còn hạn chế là do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành còn hạn chế.
Cạnh đó, thiếu phương án kinh doanh khả thi, chưa có kế hoạch ứng phó với biến động thị trường, tính liên kết với chuỗi sản xuất còn hạn chế. Ngoài ra, thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp còn thiếu minh bạch làm ảnh hưởng đến việc thẩm định của các ngân hàng để đánh giá thực chất tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản, mọi năm, tín dụng bất động sản thường tăng cao, kéo theo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tăng. Tuy nhiên, hiện nay thị trường địa ốc tiếp tục khó khăn (chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý dự án), những sự kiện liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp vừa qua ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư, người mua nhà, khiến tín dụng bất động sản tăng chậm, ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng chung.
Bên cạnh đó, thời gian qua nhiều doanh nghiệp địa ốc có tỉ lệ đòn bẩy tài chính cao, tình hình tài chính kém lành mạnh, dẫn tới việc các ngân hàng phải cân nhắc trong quá trình thẩm định, xem xét quyết định cho vay đối với các doanh nghiệp này.
Nguyên nhân 3 là sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, nhất là khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả trong bối cảnh hiện nay chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu ở mức cao, trong khi thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm….Từ đó dẫn tới việc các ngân hàng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không thể hạ chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.