Nếu những tháng cuối năm 2022, thị trường chứng kiến hàng loạt ngân hàng đua nhau tăng lãi suất tiền gửi, sang đến cuối năm 2023 lãi suất tiền gửi lại “lao dốc không phanh”. Thay vì dồn hết tiền nhàn rồi vào ngân hàng, người dân có xu hướng dành một phần tiền vốn để mua vàng do các kênh đầu tư truyền thống kém hấp dẫn.
Bên cạnh nhu cầu mua vàng tăng, cùng với đà tăng phi mã của giá vàng thế giới đã khiến cả vàng miếng SJC lẫn vàng 9999 tăng kỷ lục và đang đắt nhất mọi thời đại.
Chốt phiên cuối cùng của năm 2023, giá vàng miếng SJC giao dịch phổ biến ở mức 71– 74 triệu đồng/lượng, tăng 7-8 triệu đồng/lượng so với đầu năm. Đối với các loại vàng nhẫn 9999, những ai mua từ đầu năm và chốt lời vào cuối năm 2023 cũng ghi nhận mức lợi nhuận khoảng 9 triệu đồng mỗi lượng.
Trước đó, vào những ngày cuối tháng 12, có thời điểm giá vàng miếng SJC liên tục thiết lập kỷ lục mới về giá và đỉnh cao nhất mọi thời đại mà vàng miếng SJC đạt được là 78,3 triệu đồng/lượng.
Ở vùng giá cao kỷ lục này, vàng miếng SJC đã tăng đâu đó hơn 10 triệu đồng mỗi lượng, tương ứng lợi nhuận đạt khoảng 15%/năm, cao gấp hơn 3 lần so với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của nhiều ngân hàng thương mại. Đó là một trong những nguyên nhân khiến vàng miếng SJC lẫn vàng 9999 trong thời gian gần đây luôn neo ở mức cao dù có thời điểm giá liên tục “nhảy múa” và có diễn biến khó lường.
Khi giá vàng miếng SJC “nóng bỏng tay” nhưng nguồn cung hạn chế khiến chênh lệch giữa giá mua vào – bán ra bật lên gần 4 triệu đồng/lượng. Không chỉ có vậy, so với giá vàng quốc tế, giá vàng miếng SJC cũng đắt hơn gần 20 triệu đồng mỗi lượng. Như vậy, người mua chịu thiệt kép khi vừa chịu rủi ro của chênh lệch giá mua bán, vừa gánh chênh lệch cao bất thường so với giá vàng quốc tế.
Nhận định về mức chênh lệch bất thường giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, cho biết: Tại những nước có thị trường vàng liên thông với thế giới thì mức chênh lệch này chỉ khoảng một vài USD, tức là chỉ vênh nhau từ vài chục ngàn đồng.
Tại thị trường Việt Nam, nếu tính tại ngày 30-1, so với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC đang cao hơn 16 triệu đồng/lượng, còn giá vàng nhẫn cao hơn vàng thế giới khoảng 3,5 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân chính dẫn đến sự chênh lệch này chủ yếu do Ngân hàng Nhà nước không cho sản xuất thêm vàng SJC nên không có nguồn cung. Bên cạnh đó ngay cả vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức cũng không được nhập thêm từ khoảng chục năm nay.
“Nói cách khác, thị trường chỉ mua đi bán lại bấy nhiêu thôi nên nguồn cung ngày càng hiếm. Và bất cứ cái gì mà cầu cao mà cung thấp thì đương nhiên giá sẽ ngày càng tăng” - ông Huỳnh Trùng Khánh nói.
Chính vì nguồn vàng nguyên liệu khan hiếm nên giá vàng miếng SJC luôn “một mình một chợ”, ngày càng chênh lệch với giá thế giới và hiếm khi thấp hơn giá vàng thế giới ở mức dưới 10 triệu đồng/lượng. Khi giá vàng thế giới đi lên, thì giá vàng trong nước cũng tăng theo, nhưng khi giá vàng thế giới giảm thì vàng miếng SJC lại có mức giảm không tương xứng. Do đó, người mua vàng miếng SJC dù khi giá giảm hay tăng thì cũng thua thiệt rất nhiều so với giá vàng thế giới.
Để ổn định và phát triển thị trường vàng an toàn lành mạnh, bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu NHNN theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước. Từ đó khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng. Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN dứt khoát không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỉ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
Đáng chú ý, Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng, thanh tra, kiểm tra, bảo vệ pháp luật phối hợp với NHNN khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp công tác. Từ đó kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng, nhất là các hành vi buôn lậu, thao túng, đầu cơ trục lợi; bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, minh bạch, an toàn, lành mạnh, hiệu quả.
Ngay sau đó, NHNN khẳng định: “Sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng khi cần thiết”.
Ông Dương Anh Vũ, chuyên gia ngành vàng nêu quan điểm: “Thời gian qua, quả thật mỗi khi thị trường thế giới xuất hiện sóng tăng thì giá vàng trong nước biến động rất mạnh, cách xa so với giá vàng thế giới. Để hạn chế tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng nên thành lập sàn vàng nhưng tôi nghĩ ý tưởng này không mang tính khả thi. Nước ta vẫn cần ưu tiên ổn định chính sách tiền tệ. Nếu vận hành sàn vàng, công tác quản trị rủi ro sẽ yêu cầu thực hiện các giao dịch với nước ngoài và có thể gây bất ổn với dự trữ ngoại hối”.
Ông Vũ cho rằng phương án dễ thực hiện hơn là xóa bỏ tình trạng độc quyền trên thị trường vàng miếng. Khi có thêm một doanh nghiệp tham gia thì giá vàng niêm yết sẽ mang tính cạnh tranh, hạn chế mức độ biến động quá mạnh. Ngoài ra, một khi đã có tính cạnh tranh, hoạt động của 2 doanh nghiệp cũng sẽ được quan tâm thay đổi theo hướng ngày càng tốt hơn.
Nhận định về xu hướng của giá vàng trong năm nay, ông Dương Anh Vũ cho rằng xung đột toàn cầu bùng phát có thể khiến cho tâm lý phòng vệ rủi ro lên ngôi. Khoảng 2 năm trước, chiến sự ở khu vực Đông Âu là tâm điểm chú ý của thế giới. Giờ đây, không chỉ Đông Âu, giao tranh ngày càng lan rộng ở Trung Đông và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Khi chiến tranh xảy ra, vàng được xem là công cụ phòng vệ rủi ro tốt nhất nên kim loại quý này vẫn là kênh đầu tư hứa hẹn mang lại lợi nhuận trong năm 2024.
Nguyên nhân thứ hai khiến giá vàng hấp dẫn xuất phát từ chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương. Trong năm 2023, chỉ có một số ít các quốc gia Châu Á thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ và hạ lãi suất.
Tuy nhiên, đến năm 2024, nhiều khả năng ngân hàng trung ương các quốc gia phương Tây cũng ngừng nâng lãi suất và bắt đầu thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ. Sự chú ý đang dành cho ngân hàng trung ương Mỹ, khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã giữ nguyên lãi suất qua 3 kỳ họp liên tiếp. Theo dự đoán của các quan chức Mỹ, FED có thể hạ lãi suất từ 3 đến 4 lần trong năm nay.
Với khả năng các quốc gia khác tiếp bước FED thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, vàng sẽ có thêm lý do để tăng giá trong năm 2024. Tuy nhiên, cũng cần phải cân nhắc giá mua nếu giao dịch thị trường trong nước.
Giá vàng miếng SJC hiện vẫn neo ở mức cao, gần 77 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn khoảng 64 triệu đồng/lượng.
Dự báo thế nào về xu hướng ngắn hạn của giá vàng trong nước, từ nay đến ngày Vía Thần tài (19-2), ông Dương Anh Vũ cho biết thêm: Giá vàng trong nước chịu tác động bởi giá vàng thế giới nên cần dự đoán giá vàng thế giới trong 20 ngày. Vào lúc này, giá vàng thế giới vẫn theo xu hướng tăng với 2 ngưỡng cản kỹ thuật tại 2.044 USD/ounce và 2.062 USD/ ounce.
Trong 20 ngày tới, giá vàng thế giới có thể tăng đến 2.062 USD/ ounce nhưng nếu không vượt qua được ngưỡng cản này, sẽ giảm trở lại với mức điều chỉnh đáng kể, thậm chí dưới 2.000 USD/ounce.
Với cơ sở này, giá vàng miếng SJC trong nước có thể tăng gần mức 78 triệu đồng/ lượng đến ngày Vía Thần tài. Tuy nhiên, vì giá có thể giảm trở lại nên nếu muốn mua đầu tư cho năm 2024 thì nên giao dịch sau khi giá vàng thế giới điều chỉnh dưới 2.000 USD/ounce.