TAND tỉnh Tiền Giang vừa xét xử phúc thẩm vụ án xin ly hôn giữa anh H. với chị T. và tuyên y án không cho anh H. ly hôn với chị T. Trước đó, sau khi tòa sơ thẩm không chấp nhận đơn ly hôn, anh H. kháng cáo toàn bộ bản án. Anh H. yêu cầu được tòa cho ly hôn vì cho rằng mâu thuẫn hai bên trầm trọng.
Theo hồ sơ, do được mai mối nên anh H. và chị T. kết hôn với nhau vào năm 2000. Trong quá trình chung sống vợ chồng anh có với nhau hai con chung. Nhưng đến giữa năm 2017, anh H. quyết định nộp đơn ly hôn với chị T. vì cho rằng mâu thuẫn vợ chồng trầm trọng. Cụ thể, anh chị bất đồng quan điểm sống, hằng ngày thường xuyên tranh cãi với nhau về mọi chuyện. Cũng theo anh H., thực tế thì vợ chồng anh đã sống ly thân từ tháng 6-2010 đến khi anh gửi đơn ra tòa.
Về phía chị T. thì cho rằng vợ chồng có những bất đồng nhưng chỉ là những cãi vã lặt vặt trong cuộc sống hằng ngày, ngoài ra không có mâu thuẫn gì lớn. Từ đó chị T. không đồng ý ly hôn với anh H. và yêu cầu được đoàn tụ, sắp xếp lại cuộc sống gia đình, lo cho các con cũng như lo cho cha mẹ chồng đã lớn tuổi.
TAND huyện Cái Bè thụ lý vụ kiện này và tháng 9-2017, tòa đã xét xử sơ thẩm. Tại tòa hai bên đương sự vẫn giữ nguyên quan điểm của mình. Anh H. kiên quyết đòi được ly hôn, chị T. muốn níu kéo tình cảm vì trách nhiệm làm mẹ và làm con với gia đình bên chồng.
Trên cơ sở lời trình bày của các bên và kết quả xác minh, HĐXX cấp sơ thẩm nhận định mâu thuẫn giữa anh H. và chị T. không lớn, tình trạng không trầm trọng đến mức không thể duy trì quan hệ vợ chồng. Cụ thể, đó chỉ là cãi vã lặt vặt trong cuộc sống vợ chồng và là mâu thuẫn bình thường trong cuộc sống.
Hơn nữa, chính cha mẹ anh H. và chính quyền địa phương nơi anh H. sinh sống đều có xác nhận với tòa rằng vợ chồng anh H. và chị T. không có mâu thuẫn gì lớn. Từ đó HĐXX không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh H., không cho anh H. ly hôn với chị T.
Không đồng ý với án sơ thẩm và cho rằng án sơ thẩm nhận định không khách quan, chưa thấy hết mâu thuẫn trầm trọng giữa vợ chồng anh nên anh H. đã làm đơn kháng cáo.
Tại phiên xử phúc thẩm, TAND tỉnh Tiền Giang không chấp nhận đơn kháng cáo của anh H. vì cho rằng mâu thuẫn giữa anh H. và chị T. không trầm trọng đến mức phải ly hôn. Các nhận định của tòa sơ thẩm cũng tương tự như của cấp phúc thẩm.
Căn cứ cho ly hôn Tòa án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì tòa án quyết định cho ly hôn. (Khoản 1 Điều 89 Luật Hôn nhân và Gia đình) Thế nào là tình trạng trầm trọng của vợ chồng? - Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức nhắc nhở, hòa giải nhiều lần. - Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau như thường xuyên đánh đập hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hòa giải nhiều lần. - Vợ chồng không chung thủy với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình; Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng chưa. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hòa giải nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm nhau thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được. Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt. (Trích điểm a mục 8 Nghị quyết số 02/2000 của |