Lý Ngọc Minh và niềm tri ân nghĩa mẹ

Ông Lý Ngọc Minh đã trả lời: “Không. Tự đất đã có linh hồn và rất thiêng…”.

Khu lò gốm khúc khuỷu nằm cách xa con lộ lớn thuộc xã Tân Phước Khánh, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Đó là nơi ông Lý Ngọc Minh sinh sống thuở hàn vi. Ở đây đất trắng ngần, như dòng sữa của đất mẹ.

Từ quá khứ Tân Uyên, chạy xe không lâu khoảng 10-15 phút thôi là đến ngay hiện tại của ông Minh với dinh thự nguy nga trên quốc lộ 13.

Nghĩa mẹ Việt Nam

Quê hương là gì? Ông Minh, gốc gác là người Hoa (Phước Kiến), không phải nhà thơ nên không định nghĩa quê hương là chùm khế ngọt. Ông nói: “Quê hương là nơi có ngọn rau tấc đất nuôi mình”.

Trong một dịp khác ông lại nói: “Tôi coi đất Bình Dương, rộng hơn nữa là Việt Nam như là nghĩa mẹ”.

Trên đất Nam Bộ có rất nhiều người Minh hương, dòng tộc cách đây vài thế hệ xa xưa từ Trung Hoa lưu lạc qua. Họ mang thân phận của kẻ ngụ cư. Những người như ông Lý Ngọc Minh có khả năng biến nơi họ trú ngụ trở thành quê hương. Đó thực sự là một bản lĩnh, vượt qua sự hoang mang của thân phận kẻ ngụ cư, kẻ lưu lạc.

Có dịp gặp ông vài lần, trong mỗi lần trò chuyện ông thường dừng lại ngẫm nghĩ tư lự rồi mới thủng thẳng nói tiếp. Ông thích chiêm nghiệm để rồi đưa ra một lý giải rất riêng của ông: “Theo tôi, khi sống với ai thì mình phải thương người đó. Sống với đất thì mình thương đất. Chính vì vậy mà tôi làm hết sức. Nếu gượng gạo trong lòng thì mình chỉ kinh doanh rồi thôi nhưng có tình cảm thật trong lòng thì mới làm văn hóa”.

Hai bộ đồ trà Sơn hà - Cẩm tú mà Công ty Minh Long sản xuất là một dẫn chứng. GS Trần Văn Khê từng bình phẩm: “Hình thức rất độc đáo. Bình trà phỏng theo hình lu nước, nắp bình mang hình chiếc nón lá của nông dân miền Nam. Hoa văn nói lên được ý “Con rồng cháu tiên”. Con rồng không phải loại thường thấy mà có một sừng tê giác, mình rồng nhưng mỏ phượng, có cánh là tà áo của tiên. Hai con rồng không giành hạt ngọc mà ngậm ngọc trong miệng và chầu hoa sen - là hoa của đức Phật. Tôi vô cùng mến phục anh Lý Ngọc Minh đã đi trên con đường kỹ thuật mà có cái nhìn xa đến nghệ thuật và văn hóa Việt Nam”.

Về phần mình, ông kể vắn tắt: “Tôi mê làm gốm từ 12 tuổi. Từ khi bước vào nghề gốm sứ tôi đã ao ước làm được những món gì đặc trưng của miền đất Bình Dương mà mình đang sống. Tôi bỏ ra năm năm trời đi ra Huế, Hội An, đi ra Hà Nội để tìm tòi. Hình tượng chim lạc, chùa Một Cột rất Việt nhưng đã được khai thác nhiều rồi. Tôi muốn cái gì mới. Bộ gốm Hồn Việt, rồi bộ Sơn hà - Cẩm tú là kết quả của sự tìm tòi đó”.

Chuyện bây giờ mới kể

Bỡ ngỡ trước dinh thự nguy nga của ông nhưng ngay sau đó tôi cảm thấy một sự gần gũi, không choáng ngợp nữa. Đó là nhờ vào cách bắt chuyện thân tình của ông Lý Ngọc Minh.

“Ở đời, muốn vượt qua khó khăn thì phải có tri thức, phải chịu học. Hồi tôi ra làm chủ năm 17 tuổi, kiến thức của tôi chỉ mới ở bậc tiểu học thì làm được cái gì!” - ông tâm sự như vậy - “Tôi đánh giá cao sự tự học. Vì theo tôi nghĩ, người đi học ở trường thường ỷ lại vào sách vở, còn khi tự học thì anh ta phải đi tìm cái gì đó thật đúng, thật chân lý thì mới chịu học.

Nhớ cái thời sau năm 1975, lúc đó tôi đi xe đạp chứ đâu dám đi xe Honda, đi xe hơi, mất công bị hạch hỏi xăng ở đâu. Tuổi đời của tôi khoảng 25-26, hăng hái sinh hoạt trong chi hội thanh niên, có lúc tôi tưởng mình đi nói chuyện chính trị luôn rồi. Nhưng sau đó tôi tự biết mình là người của công việc sản xuất. Từ năm 1976 đến năm 1979, tôi đi mua một mẫu rưỡi đất làm rẫy. Nói thực, ban đầu mình đi làm rẫy là do cảm thấy cùng đường. Sau đó tôi mở xưởng gốm nhỏ, chỉ cần hai mươi mấy người để làm chén, làm cầm chừng. Đến năm 1980 có anh trên tỉnh nói đã có nghị quyết mở cửa cho năm thành phần kinh tế. Tôi quyết định dốc vốn trở lại làm gốm cho ra đầu ra đũa”.

Lịch sử băng qua những nỗi đau trở mình mà lớn lên. Tất cả là từ bài học của đất: Đừng ruồng rẫy, đừng làm trái quy luật, khi ấy đất sẽ nuôi người.

Đất vắt kiệt đời mình. Lửa thiêu rụi đời mình. Nước trút cạn đời mình. Và gió. Tất cả (đất, lửa, nước, gió) hợp cùng nhau cho ra những sản phẩm gốm.

Trong những sản phẩm gốm của Lý Ngọc Minh, tôi nhìn thấy ký ức được nâng niu, ký ức về thời trẻ chơi đùa trong những lò gốm bỏ hoang. Những trò chơi dân gian được gốm sứ tạo hình giữ lại: nào là cụm tượng chơi banh đũa, chơi ô quan, rồi cụm tượng đánh đáo, đá cá, đá gà, đá banh trái bưởi, bịt mắt bắt dê, thả diều…

Ông Lý Ngọc Minh nói: “Tôi là nhà kinh doanh khi buôn bán giao dịch nhưng khi ngồi vẽ mẫu thì mình là nghệ sĩ”.

Người trong nghề gốm Bình Dương có một bí quyết, gọi là “lửa hoàn nguyên”: Đất được nung đỏ trong lửa nóng đến cả ngàn độ. Lửa đưa đất trở về với sự rắn rỏi hoang sơ của đá. Bí quyết tạo “lửa hoàn nguyên” cùng với vài bí quyết riêng đã làm nên những men chìm tuyệt diệu.

Sâu xa hơn, câu chuyện của ông Lý Ngọc Minh đem đến thông điệp: Sự tri ân đối với ĐẤT MẸ.

THÀNH VINH

Ông Lý Ngọc Minh với bình gốm quý Minh Long.

Bộ ấm “Cẩm Tú”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm