Máy bay giá rẻ AirAsia mất tích trên biển

Sáng 28-12, máy bay Airbus 320-200 mang số hiệu QZ8501 của hãng hàng không giá rẻ AirAsia Indonesia có trụ sở tại Jakarta (Indonesia) đã mất tích ở vùng biển Java của Indonesia trên đường bay từ Indonesia đến Singapore.

Hãng tin AFP cho biết máy bay QZ8501 khởi hành từ sân bay quốc tế Juanda ở TP Surabaya thuộc tỉnh Đông Java (Indonesia) lúc 5 giờ 20 sáng 28-12 và dự kiến hạ cánh xuống sân bay Changi (Singapore) lúc 8 giờ 30 cùng ngày.

Sự kiện máy bay QZ8501 mất tích gây chấn động dư luận sau chín tháng máy bay MH370 của Malaysia mất tích ở biển Đông.

Mất tích trong vùng thông báo bay  Indonesia

Diễn tiến máy bay QZ8501 mất tích như sau:

10 giờ 55 (giờ Indonesia): Hãng hàng không AirAsia Indonesia thông báo: “AirAsia Indonesia lấy làm tiếc xác nhận máy bay QZ8501 bay từ Surabaya đến Singapore đã mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu Jakarta lúc 7 giờ 24 sáng 28-12”. Thông báo cho biết hãng AirAsia (công ty mẹ ở Malaysia) đã thành lập trung tâm gọi khẩn cấp để thân nhân những người mất tích có thể liên lạc.

11 giờ: Trên tài khoản cá nhân ở mạng Twitter, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla viết: “Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện với hy vọng máy bay QZ8501 sẽ sớm được tìm thấy, tất cả hành khách và tổ lái còn sống sót”.

11 giờ 15: Cơ quan Hàng không dân dụng Singapore thông báo vào thời điểm mất tích, máy bay QZ8501 còn trong vùng thông báo bay (FIR) Indonesia. Thông báo cho biết Trung tâm Điều phối cứu nạn Singapore cùng không quân, hải quân Singapore sẵn sàng hỗ trợ Indonesia.

12 giờ 30: Tại cuộc họp báo ở sân bay quốc tế Soekarno-Hatta thuộc tỉnh Banten (Indonesia), Cục trưởng Cục Vận tải hàng không (Bộ GTVT Indonesia) Joko Muryo Atmodjo thông báo trước khi mất tích, máy bay QZ8501 đã xin đài kiểm soát không lưu Jakarta nâng độ cao từ 32.000 foot (9.753 m) lên 38.000 foot (11.582 m) để tránh mây.

Ông nói vị trí máy bay mất tích có thể ở giữa thị trấn Tanjung Pandan thuộc tỉnh đảo Bangka-Belitung và thị trấn Pontianak thuộc tỉnh Tây Kalimantan (Indonesia).

Máy bay QZ8501 bay từ Surabaya (Indonesia) đến Singapore đã mất tích tại khu vực đảo Belitung. Ảnh: MEDIACORP

 Thân nhân hành khách chờ thông tin tại sân bay quốc tế Juanda ở  Surabaya (Indonesia). Ảnh: EPA

12 giờ 45: Hãng AirAsia đưa ra thông báo mới cho biết trước khi mất liên lạc, máy bay QZ8501 đã xin chuyển hướng vì thời tiết xấu. Theo thông báo, cơ trưởng có kinh nghiệm 6.100 giờ bay và cơ phó có 2.275 giờ bay. Máy bay QZ8501 vừa được bảo dưỡng lần gần nhất vào ngày 16-11.

13 giờ 10: Trên tài khoản cá nhân Facebook, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết đã gọi cho Tổng thống Indonesia Joko Widodo đề nghị giúp đỡ tìm kiếm máy bay QZ8501.

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho biết trong cuộc gọi cho người đồng cấp Indonesia Ryamizard Ryacudu, ông khẳng định máy bay của không quân và tàu hải quân Singapore sẵn sàng hỗ trợ tìm kiếm và cứu nạn.

13 giờ 23: Người phát ngôn Nhà Trắng thông báo Tổng thống Obama đã được báo cáo về vụ máy bay QZ8501 mất tích và Nhà Trắng đang theo dõi tình hình.

Ngoại trưởng Úc Julie Bishop đề nghị giúp đỡ Indonesia tìm kiếm và cứu nạn.

13 giờ 27: Thủ tướng Malaysia Najib Razak chia buồn trước tin máy bay QZ8501 mất tích và cho biết Malaysia sẵn sàng hỗ trợ Indonesia.

Úc và Singapore tham gia tìm kiếm

13 giờ 30: Báo Jakarta Globe (Indonesia) dẫn lời một quan chức ở Cơ quan Tìm kiếm và cứu nạn Indonesia cho biết một đội tìm kiếm đã được gửi đến khu vực cách đảo Belitung (tỉnh Bangka-Belitung) 145 km sau khi có thông tin máy bay đã bay vòng vòng gần đảo Belitung để tránh bão, sau đó gặp chấn động mạnh và rơi xuống biển.

13 giờ 38: Theo báo Jakarta Post (Indonesia), Văn phòng Tìm kiếm và cứu nạn TP Pangkal Pinang ở tỉnh Bangka-Belitung đã triển khai một tàu tìm kiếm với 22 nhân viên cứu hộ. Hải quân Indonesia và cảnh sát biển Bangka-Belitung cũng đã triển khai hai tàu tìm kiếm và cứu hộ.

Cơ quan Tìm kiếm và cứu nạn Indonesia thông báo máy bay QZ8501 mất tích ở tọa độ cách tỉnh Tây Kalimantan 29,6 km. Thông báo nhận định có ba khả năng máy bay QZ8501 mất tín hiệu: Hỏng động cơ, rơi xuống biển hoặc chuyển hướng sang sân bay khác.

Khả năng chuyển hướng sang sân bay khác là không có vì các sân bay trong khu vực không ghi nhận bất kỳ máy bay nào xin chuyển hướng.

14 giờ 50: Bộ trưởng Giao thông Malaysia Liow Tiong Lai cho biết chính phủ Malaysia đã lập trung tâm điều phối cứu nạn ở Subang thuộc bang Selangor (Malaysia), nơi đặt trụ sở của hãng AirAsia.

15 giờ: Trang web theo dõi thời tiết WeatherBug (Mỹ) cho biết có vài cơn sét xảy ra trên đường bay của máy bay QZ8501. Hãng tin Channel News Asia (Singapore) dẫn lời một phi công về hưu cho biết sét đánh khó làm máy bay rơi.

15 giờ 05: Trang tin Merdeka (Indonesia) cho biết Indonesia đã triển khai bảy tàu và một trực thăng để tìm kiếm máy bay QZ8501, trong đó có bốn tàu chiến.

15 giờ 35: Indonesia đồng ý cho Singapore hỗ trợ tìm kiếm. Cục Hàng không dân dụng Singapore cho biết một máy bay vận tải C-130 Hercules của không quân Singapore đã cất cánh đến Indonesia.

16 giờ 20: Hãng Airbus cho biết máy bay QZ8501 được sản xuất năm 2008 đã thực hiện gần 23.000 giờ bay và 13.600 chuyến bay.

16 giờ 43: Hải quân Indonesia thông báo hai máy bay đã quần thảo tìm kiếm ở vùng biển Java.

16 giờ 55: Hải quân Indonesia thông báo không tìm thấy mảnh vỡ máy bay và tầm nhìn trong khu vực tìm kiếm chỉ khoảng 5-10 km.

17 giờ 19: Giám đốc Cơ quan Tìm kiếm và cứu hộ Indonesia cho biết các radar không phát hiện bất kỳ tín hiệu nào từ bộ truyền tín hiệu vị trí máy bay.

18 giờ 08: Tổng thống Joko Widodo cho biết Úc và Singapore sẽ tham gia tìm kiếm và cứu nạn. Phó Tổng thống Jusuf Kalla được chỉ định chỉ huy chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn.Thủ tướng Úc Tony Abbott nói máy bay trinh sát biển P3-Orion của Úc đã sẵn sàng hỗ trợ tìm kiếm.

18 giờ 22: Người phát ngôn của đội tìm kiếm và cứu nạn Indonesia thông báo tạm dừng tìm kiếm vì ba máy bay không quân Indonesia đã tìm kiếm ba khu vực nơi máy bay có thể mất tích trong hai tiếng nhưng không có kết quả.

Trước đó trang thông tin mạng Bangka Post của Indonesia phát đi tìm thấy một xác máy bay gần vùng biển Đông Belitung và nhận định nhiều khả năng đây là xác của chiếc máy bay QZ8501. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT Malaysia Liow Tiong Lai đã bác bỏ tuyên bố rằng chuyến bay QZ8501 đã được tìm thấy.

Việt Nam chưa nhận được yêu cầu hỗ trợ tìm kiếm

Chiều 28-12, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh điện thoại với Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno L.P. Marsudi để thăm hỏi và chia sẻ sâu sắc sự lo lắng với các gia đình và người thân của những hành khách trên chuyến bay QZ8501.
VTC cho biết Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ trong nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay nếu có yêu cầu. Bộ trưởng Ngoại giao Retno L.P. Marsudi đã thông báo tình hình mới nhất về sự việc và cảm ơn Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gọi điện thoại thăm hỏi.

Cùng ngày, trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết Cục vẫn chưa nhận được thông tin và đề nghị trợ giúp tìm kiếm máy bay AirAsia Indonesia mất tích. Ông cho biết nếu nhận được đề nghị từ hãng AirAsia và các nước trong vùng thông báo bay (FIR) thuộc khu vực máy bay mất tích, Việt Nam sẽ sẵn sàng hỗ trợ. Ông nói theo bản đồ bay thì lộ trình máy bay mất tích không thuộc FIR do Việt Nam quản lý.

Tập đoàn hàng không giá rẻ AirAsia được thành lập năm 2002 có trụ sở tại Malaysia. Trong số các thành viên của Tập đoàn AirAsia có Malaysia AirAsia (mã chuyến bay AK), Thai AirAsia (mã chuyến bay FD), Indonesia AirAsia (mã chuyến bay QZ), Philippines AirAsia (mã chuyến bay PQ), AirAsia India (mã chuyến bay I5)... 

Tại Việt Nam, hãng AirAsia đang khai thác các đường bay kết nối TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng với Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur và Johor Baru (Malaysia) với 46 chuyến bay/tuần (chặng Hà Nội-Kuala Lumpur 11 chuyến/tuần, TP.HCM-Bangkok ba chuyến/ngày, Đà Nẵng-Kuala Lumpur một chuyến/ngày, TP.HCM-Johor Baru một chuyến/ngày).

N.ANH - QUANG HUY - VIẾT LONG

162 người đi trên máy bay QZ8501 gồm 155 hành khách và tổ lái bảy người. Trong số hành khách có 149 người Indonesia, ba người Hàn Quốc, một người Singapore, một người Anh và một người Malaysia. Tổ lái gồm sáu người Indonesia và một người Pháp.

Hãng hàng không  Airasia Indonesia

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm