Máy bay Trung Quốc Comac C919 đã cất cánh bay thương mại trên bầu trời nội địa.
Hiện các hãng hàng không Trung Quốc là người mua chính C919. Tuy nhiên, GallopAir (Brunei) trở thành hãng hàng không nước ngoài đầu tiên đặt mua chiếc C919.
Trong khi đó, Hãng hàng không TransNusa của Indonesia đang xem xét mua C919, sau thành công với các máy bay cỡ nhỏ ARJ-21 cũng của COMAC.
Tuy nhiên, ông Herman Tse, chuyên gia phân tích ngành hàng không của Hãng nghiên cứu thị trường Cirium Ascend cho biết, việc C919 cần hàng chục năm nữa mới đủ khả năng hiện diện ở mọi thị trường quốc tế. Nguyên nhân là hãng cần tăng năng lực sản xuất, mở rộng các điểm hỗ trợ và bảo trì, sửa chữa máy bay.
Nếu không có các dịch vụ sẵn sàng giúp chiếc máy bay bị hư, cần thay phụ tùng cất cánh trở lại trong thời gian ngắn nhất thì C919 khó có thể bay ra quốc tế.
Ngoài ra, C919 còn cần có giấy phép bay để có thể bay vào vùng trời quốc tế. Trong đó, đạt được giấy chứng nhận của Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) là rất quan trọng để phát triển trên phạm vi quốc tế.
Airbus và Embraer phải mất khoảng 30 năm để lớn mạnh và có được chứng nhận từ FAA.
Cơ quan hàng không dân dụng Trung Quốc đã ưu tiên đạt được chứng nhận châu Âu cho C919 vào năm 2025.
Trước khi đạt được các chứng nhận của Mỹ và châu Âu, thì để bay quốc tế, các hãng hàng không Trung Quốc vẫn phải mua các máy bay của Airbus và Boeing.
COMAC dự kiến sẽ sản xuất 150 chiếc C919 mỗi năm trong 5 năm tới, một con số nhỏ so với Airbus và Boeing, khi hai hãng này lần lượt giao 735 và 528 chiếc vào năm 2023.
Mặc dù chiếc máy bay được sản xuất tại Trung Quốc, nhưng hầu hết bộ phận quan trọng phải đặt mua từ các công ty nước ngoài. Chẳng hạn, động cơ LEAP mua từ CFM International, công ty do Mỹ và Pháp hợp tác sản xuất.
Tuy nhiên, Trung Quốc được cho là đang phát triển hoàn thiện động cơ cho C919 và sẽ sớm thay thế động cơ LEAP.
Ngoài ra, hệ thống điều khiển và điện tử hàng không của máy bay mua từ Mỹ, còn bộ phận hạ cánh của máy bay do Đức sản xuất.