Ông Hà Trọng Khiêm, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, ảnh), người gắn bó với ngân hàng ngay từ những ngày đầu thành lập chi nhánh tại phía Nam, cho biết hiện tổng tài sản của MB phía Nam đạt khoảng 46.000 tỉ đồng, tổng dư nợ đạt 45.875 tỉ đồng, huy động hơn 31.000 tỉ đồng. Mạng lưới đạt 80 điểm vào năm 2016.
Chiến lược xuyên suốt
. Hiện MB đang là ngân hàng (NH) dẫn đầu về hiệu quả hoạt động trong toàn ngành. Xin ông cho biết, lợi thế lớn nhất của MB khi xác định tiến về phía Nam 20 năm trước đến nay là gì?
+ Từ những ngày đầu thành lập, chúng tôi đã nhận định đây là thị trường sôi động, với những tiềm năng khó nơi nào có được. Chính vì vậy, trên cơ sở định hướng của Ban lãnh đạo ngân hàng, chúng tôi đã xây dựng chiến lược xuyên suốt trong các giai đoạn phát triển và hiện nay đang đang xây dựng chiến lược giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến 2030. Điều này đã tạo ra sự thống nhất có định hướng, có lộ trình đối với hoạt động kinh doanh của khu vực phía Nam. Tôi cho điều này rất quan trọng. Nguồn nhân lực cũng là một lợi thế. Với 2.000 cán bộ công nhân viên, trong đó hơn 90% là thế hệ trẻ được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, giá trị văn hóa cốt lõi là tính kỷ luật, tận tâm, đoàn kết, hiệu quả, là tài sản quý giá của MB ở phía Nam. Tôi cho rằng, thị trường tốt, chiến lược xuyên suốt và thêm vào đó là yếu tố con người thì sẽ thành công.
. Ông có thể chia sẻ những thành tựu nổi bật nhất của MB tại thị trường phía Nam trong những năm qua?
Trong giai đoạn năm năm (2011-2015), MB đã triển khai thành công chiến lược phát triển ở phía Nam, đạt dấu mốc tăng trưởng bình quân hằng năm gấp 1,5 đến hai lần so với toàn ngành ngân hàng. Tổng tài sản của MB phía Nam đạt khoảng 46.000 tỉ đồng và tổng dư nợ đạt 45.875 tỉ đồng, huy động hơn 31.000 tỉ đồng. Mạng lưới đạt 80 điểm vào năm 2016. Lợi nhuận của các chi nhánh phía Nam đóng góp cho MB toàn hệ thống vào khoảng 30%, nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,4%.
Đặc biệt vào năm 2014, MB chính thức khai trương hội sở 2 tại TP.HCM. Đây là cánh tay nối dài của MB nhằm đáp ứng nhanh chóng nhu cầu, phục vụ khách hàng tốt hơn và khẳng định sự đầu tư lâu dài của MB vào phía Nam.
Nếu nói về thành quả của MB phía Nam trong 20 năm qua, tôi cho rằng yếu tố quan trọng là xây dựng được niềm tin với gần 600.000 khách hàng; xây dựng được niềm tin, uy tín của MB với cộng đồng, chính quyền địa phương, các cơ quan, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội tại khu vực phía Nam nói chung và TP.HCM nói riêng; đặc biệt là phát huy được giá trị cốt lõi của MB chính là ngân hàng tốt nhất phục vụ khách hàng thuộc lực lượng vũ trang ở những nơi mình hoạt động.
Đẩy mạnh bán lẻ
.Trong thời gian tới MB có đẩy mạnh huy động lên không, thưa ông?
+ Ở phía Nam, nhiều người vẫn nghĩ rằng đây là thị trường của cho vay nhưng tôi cho thị trường này còn nhiều tiềm năng hơn ở cả mảng dịch vụ lẫn huy động. Đến hết tháng 6-2016, huy động của TP.HCM là 1,5 triệu tỉ đồng, còn cho vay 1,3 triệu tỉ đồng. Điều này phần nào cho thấy phía Nam rất có tiềm năng phát triển các giao dịch huy động. Hiện nay chúng tôi cũng đang có nhiều chính sách để thu hút tiền gửi trên thị trường. Việc cân đối giữa huy động và cho vay hết sức quan trọng, cơ sở để đảm bảo kiểm soát được thanh khoản. Vì vậy, nếu muốn tăng cho vay thì phải thúc đẩy được huy động. Chiến lược phát triển của MB coi trọng sự cân đối tài chính trong mỗi thị trường, ưu tiên cân đối để hỗ trợ phát triển tại địa phương, hạn chế việc chỉ ưu tiên huy động để thu hút tiền gửi nhưng không ưu tiên cho vay tại thị trường địa phương.
Chúng tôi quản trị việc này rất rõ và có kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn. MB phía Nam cũng xác định đây là thị trường của dịch vụ nên chúng tôi tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng để nâng cao chất lượng, công nghệ thông tin. Thị trường phía Nam là nơi thương mại xuất nhập khẩu phát triển nhất cả nước nên càng cần phải đầu tư nhiều hơn cho chất lượng dịch vụ, công nghệ.
. Nghĩa là chiến lược sắp tới MB tiếp tục đẩy mạnh là NH bán lẻ?
+ Đúng vậy, MB đã định hướng trở thành NH bán lẻ. Thị trường của Việt Nam gần 100 triệu dân mà chỉ khoảng 6% mở tài khoản ngân hàng. 50 triệu dân trong độ tuổi lao động, nên thị trường này còn tiềm năng rất lớn để các NH khai thác. MB sẽ tập trung nguồn lực, đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ… vào bán lẻ. Tỉ lệ bán lẻ qua các năm hiện nay đang tăng rất nhanh. Cụ thể ở phía Nam, ba năm trước bán lẻ chiếm 13,2 %, tới 2015 chiếm 30,7% và dự kiến hết năm 2016 chiếm 35% trên tổng dư nợ cho vay đối với phân khúc này trên toàn hệ thống MB.
Hiện nay cả nước đang kêu gọi tinh thần khởi nghiệp, hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi sự kinh doanh. Tuy nhiên, chiến lược hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, các hộ kinh doanh nhỏ đã MB chú ý triển khai từ nhiều năm trước. Tổng dư nợ của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ của MB phía Nam đóng góp 35% cho vay phân khúc này của toàn ngân hàng.
90% lãnh đạo trẻ có độ tuổi 8x
. Cụ thể MB sẽ làm gì để phát triển bán lẻ hay nói cách khác sẽ phục vụ khách hàng của mình tốt hơn nữa?
+ Khu vực phía Nam được hoạch định trải dài từ Ninh Thuận đến Cà Mau nhưng MB xác định TP.HCM là hạt nhân và phải chiếm từ 80%-85% hoạt động của khu vực phía Nam. Đây là vị trí với vai trò đầu tàu, vị trí tiềm năng, vị trí trong bản đồ kinh tế đối với cả nước và khu vực. Chính vì thế, MB sẽ đầu tư rất nhiều về cơ sở hạ tầng, để khẳng định vị thế của MB ở TP.HCM. Hội sở hai được đặt ở khu vực phía Nam bởi đây là thị trường sôi động, biến động liên tục nên phải có mặt tại chỗ để đáp ứng nhanh các yêu cầu của khách hàng. Chẳng hạn các trung tâm thẩm định ở Hà Nội sẽ có ở phía Nam để thẩm định tại chỗ vì họ am hiểu thị trường, nhu cầu của khách hàng trên địa bàn hơn. Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục đầu tư phát triển nguồn nhân lực: Đầu tư con người, có trung tâm đào tạo trong nước, ngoài nước, thuê các chuyên gia về đào tạo… Ngoài ra sẽ xây dựng những sản phẩm đặc thù cho năm ngành kinh tế, FDI…
. Hiện nay hệ thống tài chính đang dần trẻ hóa lãnh đạo. Vậy bản thân đội ngũ MB có đi theo xu hướng này không thưa ông?
+ Tôi luôn cho rằng, chiến lược nhân lực đúng là một lợi thế rất lớn. Với 2.000 cán bộ nhân viên, trong đó hơn 90% là thế hệ trẻ được đào tạo trong nước, nước ngoài. Lãnh đạo MB đang nằm ở thế hệ 8X, ở phía Nam, giám đốc và phó giám đốc các chi nhánh phòng giao dịch có năm sinh từ 1980 đến 1985 với tính kỷ luật, tuân thủ, trung thực, chăm chỉ và chịu được áp lực cao. Đây là tài sản quý giá rất lớn của MB khi thế hệ này sẽ làm việc cống hiến trong 10-15 năm tới. MB đi tới đâu phát triển nguồn lực phục vụ địa phương ở đó và sử dụng con người phù hợp với định hướng, văn hóa vùng miền.
Xin cảm ơn ông
. Với gần 600.000 khách hàng, và 80 điểm giao dịch, MB khu vực phía Nam đã và đang từng bước khẳng định vị thế, thương hiệu, được khách ghi nhận là ngân hàng uy tín, chất lượng. . Ngày 16-7-1996, MB tổ chức kỷ niệm 20 năm thành tại khu vực phía Nam. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của ngân hàng, cũng như sự cam kết về thực hiện đầu tư bền vững và đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương. . Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, MB được đánh giá là một định chế tài chính vững vàng, tin cậy, năng động, phát triển sáng tạo, bền vững, có uy tín cao, MB luôn được NHNN Việt Nam xếp hạng A qua các năm – tiêu chuẩn cao nhất do NHNN Việt Nam ban hành; được Chính phủ trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất (năm 2014), Huân chương Lao động Hạng Ba cho cá nhân Tổng Giám đốc Lê Công (năm 2014); giải thưởng cao nhất dành cho doanh nghiệp trong hệ thống giải thưởng chất lượng châu Á – Thái Bình Dương. Đặc biệt năm 2015, nhờ những thành tích đặc biệt xuất sắc trong giai đoạn 2005-2014, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, MB đã được vinh dự phong tặng danh hiệu anh hùng lao động. Mới đây, Thiếu tướng-TS Lê Công, Tổng Giám đốc MB, được nhận giải thưởng “The CEO Leadership Achievement Award” (giải thưởng thành tựu lãnh đạo) và MB được tôn vinh là “Best Managed Bank in Vietnam Award” (ngân hàng được quản trị tốt nhất Việt Nam) do Asian Banker trao tặng. |