Chồng cũ tôi mất có để lại nhiều tài sản (không có di chúc). Con tôi là một trong những người đồng thừa kế di sản mà cha bé để lại. Do bé chưa đủ tuổi trưởng thành (14 tuổi) nên tôi sẽ là người đại diện theo pháp luật của bé hay là bà nội bé được làm đại diện (vì tôi đã lấy chồng khác) để phân chia thừa kế?
Thu Hằng (nguyenlethuhang_tuquan17@gmail.com)
Luật sư LÊ ĐĂNG LIỆU, Trưởng Văn phòng luật sư Lê Đăng Liệu (TP.HCM), trả lời: Theo Điều 73 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, quy định đại diện cho con như sau:
1. Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp con có người khác làm giám hộ hoặc có người khác đại diện theo pháp luật.
2. Cha hoặc mẹ có quyền tự mình thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
3. Đối với giao dịch liên quan đến tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, tài sản đưa vào kinh doanh của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì phải có sự thỏa thuận của cha mẹ.
4. Cha, mẹ phải chịu trách nhiệm liên đới về việc thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản của con được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này và theo quy định của Bộ luật dân sự.
Về nguyên tắc, bạn là mẹ của bé nên bạn sẽ là người đại diện cho con theo pháp luật (trừ khi có người khác làm giám hộ hoặc có người khác đại diện theo pháp luật).
Việc bạn lấy chồng khác không làm mất đi quyền làm mẹ, làm người đại diện theo pháp luật cho con bạn.
Như vậy, bạn có thể tham khảo quy định liên quan đến việc đại diện cho con nêu trên để áp dụng vào trường hợp của mình.