Miễn học phí: Cần lộ trình phù hợp

(PLO)- Các ý kiến cho rằng việc miễn học phí cho học sinh bậc THCS là hoàn toàn phù hợp với quy luật phổ cập giáo dục. Tuy nhiên, cần phải đánh giá tác động, cân đối ngân sách… để có lộ trình phù hợp.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2022 ngày 4-7, Bộ GD&ĐT kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết đối với học phí năm học 2022-2023 để các đơn vị kịp thời triển khai thực hiện, trong đó có đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh (HS) bậc THCS trên toàn quốc từ năm học mới tới đây.

Đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ dư luận xã hội, đánh giá cao sự kịp thời của Bộ GD&ĐT trong quá trình phổ cập giáo dục và đặc biệt hơn là trước tình hình cả nước vừa trải qua đại dịch COVID-19, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn, lo lắng nhất định.

Đánh giá tác động trước khi thực hiện

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Bùi Thị An (đại biểu Quốc hội khóa XIII) cho biết bà hoàn toàn ủng hộ việc miễn học phí cho HS bậc THCS.

“Phải khẳng định, về lâu dài chính sách này là tốt, không chỉ THCS mà cả THPT cũng cần được miễn phí. Nhưng trước khi thực hiện, cần có đánh giá tác động xã hội chi tiết, xem xét việc ảnh hưởng đến ngân sách, nhà trường, giáo viên, phụ huynh… Trên cơ sở đó, rà soát toàn bộ nguồn tài chính có đảm bảo không, rồi cân đối giữa trường công và trường tư như thế nào... để xây dựng lộ trình cụ thể” - bà An nói.

Đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS nhận được sự ủng hộ rất tích cực của xã hội. Ảnh: PHI HÙNG

Ngoài ra, bà An cũng kiến nghị nếu như chưa thể triển khai việc miễn học phí cho HS thì trước mắt nên xem xét dành một khoản tài chính để chi vào việc mua sách giáo khoa, xây dựng thư viện để HS có thể mượn sách miễn phí.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đây là đề xuất kịp thời, hợp lý trong thời điểm hiện tại. Bởi nước ta đang hướng đến phổ cập giáo dục, việc miễn học phí là khâu quan trọng, quyết định đến sự thành công trong phổ cập.

Bên cạnh đó, người dân vừa chịu ảnh hưởng, tác động nặng nề của dịch bệnh, suy thoái kinh tế nói chung trên toàn cầu, chưa thể phục hồi sản xuất kinh tế ngay so với thời điểm trước khi chưa có dịch, khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

“Đề xuất miễn học phí cho HS thời điểm này nhận được sự đồng thuận rất cao của dư luận xã hội, nếu được triển khai sẽ bớt được gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình, mặc dù mức học phí ở bậc học này không nhiều. Tôi cho rằng đây là động thái tích cực của Bộ GD&ĐT bằng sự tham mưu kịp thời” - bà Nga khẳng định.

Tuy nhiên, bà Nga cũng đặt ra những khó khăn, thách thức nhất định nếu miễn học phí. Theo đó, bậc học THCS chiếm tỉ lệ HS lớn, đồng nghĩa với việc ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tăng lên. Trong thời điểm ngân sách khó khăn như hiện tại đòi hỏi một nỗ lực rất lớn của Nhà nước.

Bên cạnh việc miễn học phí, cũng nên có cơ chế, chính sách nhất định để thu hút các nguồn lực kinh tế khác đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là phát triển giáo dục ngoài công lập. “Nếu giáo dục ngoài công lập phát triển sẽ phần nào chia sẻ gánh nặng cho giáo dục công lập và ngân sách nhà nước.

11.199,8 tỉ đồng

Theo Bộ GD&ĐT, với việc miễn học phí cho HS bậc THCS, ước tính ngân sách cấp bù miễn học phí là 5,5 triệu HS x học phí bình quân 2 triệu đồng/năm học = 11.199,8 tỉ đồng/năm học).

Nếu thực hiện đề xuất này, ngân sách nhà nước phải tăng thêm 25.199 tỉ đồng trong giai đoạn ba năm (2022-2024) (sau khi trừ đi số HS ở vùng đặc biệt khó khăn, HS đã được miễn học phí theo quy định tại Nghị định 81).

Quan điểm, hướng đi thì rất đúng nhưng cần phải đánh giá tác động, Bộ GD&ĐT cùng với các bộ, ngành liên quan cần rà soát, tính toán cụ thể và kỹ lưỡng vì vấn đề này liên quan đến ngân sách nhà nước” - bà Nga nói.

Miễn học phí có xảy ra hiện tượng lạm thu?

Trước những thắc mắc liên quan về việc nếu không thu học phí, liệu các trường có nghĩ ra các khoản khác để lạm thu hay không? Bà Nga cho rằng chuyện lạm thu cũng được dư luận phản ánh khá nhiều, đặc biệt là thời điểm đầu năm học mới.

Nếu miễn học phí mà tăng thêm các khoản thu khác với danh nghĩa là tự nguyện thì vô tình chính sách rất tốt đẹp này sẽ trở nên vô nghĩa, vì vậy cần quản lý tốt những khoản thu của các trường.

Đồng quan điểm này, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho rằng học phí so với các khoản thu khác không đáng là bao so với các khoản thu xã hội hóa ở nhiều trường hiện nay.

Do đó, để chính sách miễn học phí thực sự có ý nghĩa, nhất quyết phải ngăn chặn được lạm thu. Bản thân các trường có thể khó khăn hơn nhưng miễn học phí là chính sách nhân văn cần áp dụng. Vấn đề quản lý lạm thu là việc của ngành giáo dục.

Nói về đề xuất của Bộ GD&ĐT, ông Nhĩ cho biết tất cả các nước phổ cập giáo dục HS đều được miễn học phí. Đề xuất miễn học phí cho HS THCS hoàn toàn phù hợp với quy luật phổ cập giáo dục.

“Nếu điều kiện kinh tế nhà nước cho phép, tôi nghĩ đây là đề xuất hợp lý vì chúng ta phổ cập giáo dục nhưng mấy năm nay chưa có điều kiện miễn học phí tới cấp THCS.

Trước đó, chúng ta đã miễn học phí cho khối tiểu học rồi, bây giờ đến THCS là bước tiếp theo. Tôi mong Nhà nước hãy xem xét đề xuất này và có điều kiện kinh tế thì thực hiện” - PGS Trần Xuân Nhĩ nói.

Cũng theo ông Nhĩ, việc miễn học phí sẽ tạo điều kiện cho tất cả con em mọi miền đều có thể đi học được. Hiện Nhà nước yêu cầu dân trí phải có trình độ phổ cập THCS, nếu chúng ta tạo điều kiện cho tất cả trẻ được đi học; để HS không phải đóng học phí nữa sẽ là điều rất hợp lý.

Nhưng nếu chưa đảm bảo ngân sách thì cần có lộ trình, chẳng hạn như có thể thực hiện trước ở những vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, diện chính sách… sau dần mở rộng ra địa phương khác.

Chờ tính toán theo chỉ đạo của Thủ tướng

Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết mới chỉ nắm được thông tin thông qua truyền thông, theo kết luận cuộc họp, Thủ tướng chỉ đạo các bộ phối hợp để báo cáo lại.

“Về nguyên tắc, khi một chế độ ban hành bao giờ cũng phải tính đến nguồn lực. Đối với học phí giáo dục phổ thông, theo phân cấp ngân sách thuộc về ngân sách địa phương.

Mặc dù không lớn nhưng việc miễn học phí khiến các cơ sở giáo dục sẽ không có khoản thu này, do đó cần phải tính đến việc hỗ trợ, bù lại sự thiếu hụt, đảm bảo điều kiện giảng dạy cho các trường… Những phương án cần phải tính toán hết sức cụ thể” - ông Giang chia sẻ.

Còn đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT) cho biết hiện bộ này mới dừng lại ở việc báo cáo, đề xuất. Còn lại phải chờ Thủ tướng xem xét, chỉ đạo.

Hải Phòng: Địa phương đầu tiên trên cả nước miễn học phí các cấp học

Ngày 9-12-2019, HĐND TP Hải Phòng có Nghị quyết 54/2019/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ học phí cho HS từ bậc học mầm non đến THPT (trừ bậc tiểu học được miễn theo Luật Giáo dục). Theo nghị quyết này, trẻ mầm non, HS bậc THCS, THPT, HS theo học tại trung tâm giáo dục thường xuyên, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên tại TP Hải Phòng sẽ được hỗ trợ 100% học phí từ ngân sách TP. Trong đó, việc hỗ trợ học phí với trẻ mầm non, HS bậc THCS thực hiện từ năm học 2020-2021. HS bậc THPT được hỗ trợ học phí từ năm học 2021-2022.

Năm học 2020-2021, TP hỗ trợ học phí cho hơn 254.000 HS hai cấp (mầm non, THCS) trên 100,7 tỉ đồng. Năm học 2021-2022, hơn 310.000 HS cả ba cấp (mầm non, THCS, THPT) được hỗ trợ hơn 238,4 tỉ đồng. Nguồn kinh phí này được trích từ ngân sách TP.

Được biết Hải Phòng là địa phương đầu tiên miễn 100% học phí, không chỉ cho HS bậc THCS mà miễn học phí cho tất cả HS từ cấp mầm non đến THPT.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới