Ngày chia tay bóng đá Việt Nam, HLV Miura để lại nhiều tranh cãi, song sự ra đi của HLV Miura mang gam màu buồn. Nay ông được quyền Chủ tịch CLB TP.HCM Lê Công Vinh mời trở lại Việt Nam ngồi ghế thuyền trưởng cho CLB mùa tới.
HLV Miura sẽ tái hợp cùng cựu học trò Công Vinh.
Ba trận đấu đáng nhớ của HLV Miura
Đó là trận bán kết lượt đi AFF Cup 2014, trận thắng Olympic Iran 4-1 ở Asiad Incheon 2014 và trận thua Thái Lan 0-1 tại Bangkok (lượt đi giai đoạn 2 vòng loại World Cup 2018). Tại Asiad 2014 ở Hàn Quốc, chiến công oanh liệt nhất của thầy trò HLV Miura đó là đánh bại Olympic Iran, một thế lực mạnh nhất của đại hội thể thao châu Á.
Trận đó phía Olympic Việt Nam với những Huy Toàn, Mạc Hồng Quân, Công Phượng, Xuân Trường, Quế Ngọc Hải… đã đánh bại đội mạnh Iran tỉ số... sâu. Điều đáng nói là Olympic Iran lúc đó do HLV Nelo Vindada dẫn dắt. Ông Vingada cũng là bạn thân HLV Calisto. Cựu HLV tuyển Việt Nam Calisto đánh giá rất cao cách cầm quân của HLV Miura qua trận đấu đó.
Trận U-23 Việt Nam - U-23 Thái Lan tại SEA Games 28
Trận thứ hai đáng nhớ là HLV Miura dẫn dắt tuyển Việt Nam đánh bại tuyển Malaysia ngay “chảo lửa” Shah Alam ở bán kết lượt đi AFF Cup 2014. Một trận đấu mà nóng trên bốn khán đài và nóng dưới sân. Trên khán đài thì nhóm cổ động viên ít ỏi của Việt Nam bị nhóm cổ động viên cực đoan của Malaysia tấn công đổ máu. Phía dưới sân thì các cầu thủ Malaysia chơi rát, chơi bạo lực, nặng tiểu xảo. Nhưng trận đó về mặt bản lĩnh, sức mạnh và chuyên môn trên sân thì các cầu thủ Việt Nam tỏ ra quá tuyệt vời để đánh bại tuyển Malaysia 2-1.
Trận thứ ba đó là khi tuyển Việt Nam làm khách tại Bangkok lượt đi giai đoạn 2 vòng loại World Cup 2018 (tháng 5-2015). Một trận đấu mà Thái Lan đã rất khổ sở để có được một bàn thắng. Tuyển Việt Nam đã tràn trề thể lực và sức mạnh tinh thần, chơi ngang ngửa với Thái Lan.
Bộ mặt của tuyển Việt Nam hoàn toàn khác mà nhiều chuyên gia bóng đá Thái Lan đã ngại ngùng khi nói về tuyển Việt Nam thời Miura và họ đánh giá cực cao HLV này với lối chơi giàu chất lửa, mạnh, bền và rắn mặt.
HLV Miura trong lần bắt tay "phù thủy" Avramovic của tuyển Myanmar.
Nhìn trận chung kết AFC Champions League 2017 nghĩ tới HLV Miura
Thể trạng người Đông Nam Á và Đông Á nhỏ con hơn rất nhiều so với phần còn lại của thế giới. Trận chung kết Champions League giữa Urawa Red Diamonds của Nhật và Al Hilal hồi tháng 11 vừa qua cho thấy dáng dấp và “triết lý” Miura đã xây dựng cho tuyển Việt Nam.
Cầu thủ Urawa Red Diamonds có thể hình cũng tương đương cầu thủ Việt Nam mà thôi (có thể họ nặng cân hơn) nhưng xem họ đối đầu với các cầu thủ Al Hilal đến từ UAE to, cao và khỏe như cầu thủ châu Âu mới thấy bóng đá Đông Nam Á muốn ra châu lục là phải chơi rắn mặt, khỏe, nhanh và vào bóng không khoan nhượng (tất nhiên là đúng luật).
Mà để đạt được điều này thì cầu thủ phải nâng tầm thể lực, độ lỳ và sức mạnh như cách HLV Miura làm được những bước đầu cho tuyển Việt Nam vậy. Không còn con đường nào khác, cầu thủ Việt Nam vốn thể hình nhỏ con thì phải phát triển sức mạnh và độ lỳ như kiểu bóng đá Nhật Bản và Hàn Quốc thì mới ra châu lục nổi.
Nhìn các cầu thủ Nhật của Urawa Red Diamonds chỉ đứng… tới cổ, tới vai các cầu thủ Al Hilal mà thôi nhưng họ đã chơi ngang ngửa bằng sức mạnh cơ bắp và tinh thần.
So trên bình diện châu Á thì thể trạng cầu thủ Hàn Quốc và Nhật thua xa Tây, Trung Á và Úc nhưng họ đã chọn cách chơi quyết liệt, nâng cao sức mạnh và thể lực.
Có điều dễ thấy tuyển Việt Nam thời HLV Miura thể lực rất sung nhưng khi ông chia tay thì tuyển Việt Nam lại rơi vào vết xe đổ, yếu, sức bền kém, chạy chỉ được… 60 phút. Những trận gặp Campuchia, Jordan và Afghanistan thời gian qua đã thấy rõ.
HLV Calisto không nhìn nhầm về khả năng của HLV Miura và sau đó cựu tuyển thủ Công Vinh cũng không đến nỗi không biết nhìn khả năng của HLV Miura. Có điều ông bị nhiều nhà chuyên môn Việt Nam khác và cả những ông bầu “ném đá” nhiều quá nên ông đành phải chia tay cay đắng đội tuyển Việt Nam.