Với phương châm “trách nhiệm, hiệu quả” và tiêu chí “dễ làm trước, khó làm sau”, phấn đấu 100% công dân thuộc diện nhân khẩu đặc biệt được cấp mã số định danh cá nhân, giải quyết cư trú và cấp CCCD, Kế hoạch 1878 (thực hiện công tác thu thập dữ liệu dân cư, cấp mã số định danh cá nhân, giải quyết cư trú và cấp CCCD đối với các trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn TP.HCM) đã và đang được ngành Công an TP.HCM phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện.
Sau hơn một năm thực hiện, Kế hoạch 1878 đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong việc cấp mã số định danh cá nhân, giải quyết cư trú và cấp CCCD cho người dân có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn TP.HCM.
Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), Công an TP.HCM (ảnh), liên quan đến công tác phối hợp thực hiện Kế hoạch 1878.
Mục tiêu 100% công dân được cấp giấy tờ tùy thân
. Phóng viên: Thưa Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, xin thượng tá cho biết trước khi Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 TP.HCM ban hành Kế hoạch 1878 thì tình hình người dân không có giấy tờ tùy thân trên địa bàn TP.HCM như thế nào?
+ Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải: Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 06/QĐ-TTg, phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).
Để triển khai thực hiện Đề án 06, lực lượng công an đã chủ trì, phối hợp để thu thập, cập nhật dữ liệu của người dân lên hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia, Công an TP.HCM cũng đã tiến hành thu thập, cập nhật dữ liệu của người dân TP. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, vẫn còn nhiều trường hợp người dân chưa cập nhật được lên hệ thống, đó là những “nhân khẩu đặc biệt” không có các giấy tờ của bản thân.
Để giải quyết vấn đề đó, Công an TP, với vai trò là cơ quan giúp việc thường trực của Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 TP, đã tham mưu cho Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 TP xây dựng Kế hoạch 1878 để tiến hành giải quyết cấp mã số định danh, CCCD cho những nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn TP.HCM.
Có thể nói Kế hoạch 1878 là một kế hoạch để chúng ta thực hiện phương châm “không để ai ở lại phía sau” theo đúng định hướng của Đề án 06 đã đề ra.
Với kế hoạch này, Công an TP cùng các cấp, các ngành, các đơn vị trên địa bàn TP.HCM đã có sự phối hợp rất tốt trong việc rà soát, xác minh và cấp giấy tờ tùy thân cho những nhân khẩu đặc biệt đang sinh sống trên địa bàn TP.HCM.
. Thượng tá có thể chia sẻ thêm về kết quả đạt được khi thực hiện Kế hoạch 1878?
+ Theo thống kê, trước khi triển khai Kế hoạch 1878, TP.HCM có 2.934 trường hợp không có các giấy tờ tùy thân và các giấy tờ cần thiết để cập nhật trên hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia. Thực hiện theo kế hoạch, Công an TP đã tiến hành chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với các đơn vị tiến hành tiếp xúc với các nhân khẩu đặc biệt và thực hiện các nội dung theo hướng dẫn đã đề ra.
Kết quả rà soát, thực hiện Kế hoạch 1878, Công an TP đã phối hợp giải quyết, cấp mã số định danh cá nhân cho 2.350 trường hợp. Trong đó, đã giải quyết đăng ký thường trú cho 1.201 trường hợp và có 1.149 trường hợp đã cập nhật khai báo nơi ở hiện tại.
Tuy nhiên, hiện nay, theo quy định của Luật Cư trú thì một số trường hợp chưa đủ điều kiện để đăng ký thường trú, dẫn đến việc công dân chưa được cấp CCCD theo quy định của Luật CCCD. Hiện nay, Công an TP vẫn đang thực hiện Kế hoạch 1878 của Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 TP và tiếp tục thực hiện cấp mã số định danh, CCCD cho những trường hợp còn lại.
. Khi thực hiện Kế hoạch 1878, Công an TP đã gặp những khó khăn, vướng mắc gì trong việc cấp mã số định danh, CCCD cho các nhân khẩu đặc biệt, thưa thượng tá?
+ Có thể thấy Kế hoạch 1878 là một kế hoạch rất nhân văn để giúp cho những người chưa có giấy tờ tùy thân có giấy tờ tùy thân, nhằm tạo điều kiện cho người dân thuận lợi hơn trong quá trình giao dịch dân sự, trong sinh hoạt, cuộc sống.
Tuy nhiên, khi chúng tôi thực hiện cũng có nhiều trường hợp khó khăn. Ví dụ, có những trường hợp ở các trung tâm nuôi dưỡng, trước giờ họ không xác định được cha mẹ, không xác định được nguồn gốc… Với những trường hợp này, chúng tôi phải phối hợp xác minh theo nhiều nguồn và phải phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị như cơ quan công an, tư pháp… để xác định lại danh tính của một người, cập nhật trên hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia, định danh cho người đó.
Từ ngày 1-7, những người có đăng ký thường trú; có đăng ký tạm trú hoặc những người không đủ điều kiện đăng ký thường trú nhưng đã cập nhật thông tin trên hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia, đã khai báo nơi ở hiện nay cũng là những người đủ điều kiện để được cấp thẻ căn cước.
Từ 1-7, không có thường trú vẫn được cấp thẻ căn cước
. Thưa thượng tá, Kế hoạch 1878 đặt ra mục tiêu phấn đấu 100% cư dân ở TP.HCM sẽ được cấp giấy tờ tùy thân, vậy Công an TP.HCM đã có những định hướng sắp tới như thế nào để đạt được mục tiêu này?
+ Với phương châm “không để ai ở lại phía sau” khi thực hiện Đề án 06, phải nói đây là sự nỗ lực rất lớn của Công an TP cũng như các đơn vị phối hợp để đạt được mục tiêu đã đề ra.
Mục tiêu chính của chúng tôi là phải hỗ trợ, giúp đỡ để tất cả người dân đều phải có giấy tờ tùy thân và phải có được thông tin đưa lên hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia. Do đó, mục tiêu 100% cư dân ở TP được cấp mã số định danh, giấy tờ tùy thân là mục tiêu chúng tôi xác định phải đạt được.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng có những khó khăn, do đó chúng tôi cũng rất mong muốn các đơn vị phối hợp sẽ chỉ đạo phối hợp thật quyết liệt. Mục đích để tất cả người dân trên địa bàn TP được làm sạch dữ liệu và được cập nhật trên hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia.
. Luật Căn cước sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7 tới, đây có thể được xem là một trong những quy định được rất nhiều người dân chưa có giấy tờ tùy thân trông chờ nhất. Thượng tá có thể chia sẻ những thuận lợi của luật mới này trong việc cấp giấy tờ tùy thân sắp tới?
+ Luật Căn cước được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ sáu thông qua ngày 27-11-2023, có hiệu lực từ ngày 1-7-2024.
Luật Căn cước có nhiều điểm mới tạo điều kiện cho tất cả người dân Việt Nam được cấp thẻ căn cước. Những trường hợp trước đây đã có đầy đủ dữ liệu, thông tin trên hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú, theo Luật CCCD năm 2014, chưa thể cấp CCCD cho những trường hợp này được.
Tuy nhiên, từ ngày 1-7 tới, những người có đăng ký thường trú; có đăng ký tạm trú hoặc những người không đủ điều kiện đăng ký thường trú nhưng đã cập nhật thông tin trên hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia, đã khai báo nơi ở hiện nay cũng là những người đủ điều kiện để cấp thẻ căn cước.
Đặc biệt, với những người gốc Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch theo Luật Quốc tịch thì từ trước đến nay theo quy định của pháp luật, chưa được cấp các giấy tờ tùy thân. Luật Căn cước có hiệu lực sẽ tạo điều kiện để cấp giấy chứng nhận căn cước cho những người này. Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.
. Xin cảm ơn thượng tá.•
Trẻ em khi sinh ra là có quyền được cấp giấy khai sinh
Hai năm một lần, Sở Tư pháp TP.HCM sẽ ban hành kế hoạch về đăng ký khai sinh cho người không có hồ sơ, giấy tờ, đặc biệt là trẻ em từ 16 tuổi trở xuống đang sinh sống tại TP.HCM.
Một trong những quyền đầu tiên của trẻ em là quyền được khai sinh, điều này được quy định tại Điều 30 BLDS. Có thể thấy quyền được khai sinh là quyền đầu tiên để khẳng định mỗi người là một cá nhân riêng biệt, một công dân bình đẳng như mọi công dân khác.
Thế nhưng hiện nay, một số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vẫn chưa được hưởng quyền lợi mà pháp luật bảo vệ.
Thời gian qua, chính quyền địa phương các cấp đã cùng nhau nỗ lực trong việc hướng dẫn, giải quyết cấp giấy khai sinh (GKS) đối với những trường hợp đặc biệt đang sinh sống trên địa bàn TP.HCM.
Liên quan đến công tác cấp GKS cho người dân trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Văn Vũ , Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM (ảnh), chia sẻ: Quyền được khai sinh là quyền nhân thân của mỗi công dân được hiến pháp, pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm.
Do đó, đối với những trường hợp công dân chưa được đăng ký khai sinh, sở vẫn luôn hướng dẫn, chỉ đạo địa phương thực hiện xuyên suốt từ nhiều năm nay.
Cụ thể, cứ hai năm một lần, Sở Tư pháp sẽ ban hành kế hoạch về đăng ký khai sinh cho người không có hồ sơ, giấy tờ, đặc biệt là trẻ em từ 16 tuổi trở xuống đang sinh sống tại TP.HCM. Việc cấp GKS cho những đối tượng này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký cư trú, cấp CCCD theo quy định.
Quyền được khai sinh là quyền nhân thân của mỗi công dân được hiến pháp, pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm.
Cũng theo ông Vũ, việc cấp GKS sẽ không phân biệt trẻ sinh sống với gia đình hay sống tại các cơ sở nuôi dưỡng.
Ông Vũ cho biết các xã, phường sẽ có trách nhiệm rà soát, lập danh sách để hỗ trợ trẻ làm GKS. Trong quá trình giải quyết hồ sơ, cấp GKS nếu có khó khăn, vướng mắc thì xã, phường xin ý kiến phòng tư pháp quận, huyện và phòng tư pháp sẽ có hướng dẫn theo từng trường hợp cụ thể.
Trường hợp phòng tư pháp thấy khó khăn, phức tạp thì phòng sẽ chuyển hồ sơ lên Sở Tư pháp, sở sẽ có ý kiến việc giải quyết cấp GKS cho người dân.
Đặc biệt, đối với trẻ em có cha, mẹ không có giấy tờ tùy thân, tùy vào từng trường hợp mà có hướng giải quyết cụ thể.
“Quan điểm của tôi từ trước đến nay khi chỉ đạo giải quyết cấp GKS là tất cả trẻ em sinh ra đều có quyền được cấp GKS theo như pháp luật đã quy định. Kể cả những trẻ chưa xác định được cha, mẹ thì UBND xã, phường phải kiểm tra, xác minh, làm rõ nguồn gốc của trẻ, thông tin về cha, mẹ bỏ trống. Nếu sau này trẻ xác định được cha, mẹ thì cha, mẹ sẽ làm thủ tục xác nhận cha, mẹ, con và bổ sung vào GKS” - ông Vũ chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Vũ, người dân đang sinh sống trên địa bàn TP.HCM chưa được cấp GKS vẫn còn nhiều. Bởi TP.HCM được xem là TP “đất lành chim đậu”, dù theo số liệu thống kê chính thức thì dân số của TP chỉ hơn 9 triệu người nhưng nếu tính cả số người “vãng lai” có thể lên đến 15 triệu người.
Cha, mẹ hay người nuôi dưỡng trẻ cũng phải có trách nhiệm
Thông thường những trẻ em không được cấp GKS đều rơi vào hoàn cảnh hết sức đặc biệt.
Trước tiên, cơ quan chức năng phải có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với toàn dân. Đồng thời hỗ trợ người dân trong việc lập hồ sơ cấp GKS.
Tuy nhiên, đối với các bậc cha, mẹ hay người nuôi dưỡng trẻ cũng phải có trách nhiệm liên hệ đến các cơ quan chức năng để đăng ký khai sinh.
Tôi tin rằng khi chính quyền địa phương làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn, các bậc phụ huynh thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc khai báo thông tin thì tất cả trẻ em sinh ra sẽ đều có GKS.
Ông NGUYỄN VĂN VŨ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM
Chính vì thế, việc cấp GKS cho người dân, đặc biệt là trẻ có hoàn cảnh đặc biệt không thể dừng lại mà sẽ được thực hiện xuyên suốt. Việc chấm dứt công tác rà soát, cấp GKS cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt chỉ khi nào dân số TP.HCM được ổn định, cuộc sống ổn định, kinh tế ổn định…
Ông Vũ chia sẻ: Hiện nay, khó khăn lớn nhất của địa phương trong việc rà soát và cấp GKS cho trẻ em là gia đình các em không có nơi ở ổn định, có trường hợp ở quận này vài tháng rồi lại chuyển qua nơi khác sinh sống khiến cán bộ địa phương không thể xác định được nơi ở hiện tại để lập hồ sơ cấp GKS.•
VÕ HÀ