Bóng đá châu Âu, châu Mỹ từng có nhiều cầu thủ gốc Việt rất thành danh nhưng cũng có không ít cầu thủ ngộ nhận về tài năng của mình và hiểu không hết về trình độ thật của bóng đá Việt Nam.
Cầu thủ mang hai dòng máu của các nước Đông Nam Á
Không khó để kể ra những gương mặt cầu thủ mang hai dòng máu mà báo chí Đông Nam Á hay gọi là “cầu thủ lai” nổi trội như Cherryl Chapuis, của đội tuyển Thái Lan. Đó là một tiền vệ phòng ngự đá đơn giản, mạnh mẽ và chắc chắn. Ngoài ra, một cầu thủ gốc Việt của đội tuyển Thái Lan là hậu vệ Tristan Do cũng có lối đá hiện đại và ấn tượng. Tương tự, đội tuyển Thái Lan còn có những cầu thủ mang hai dòng máu như Phillip Roller, Manuel Bihr có tên trong danh sách đá AFF Cup 2018 nhưng HLV Rajevac ít sử dụng.
Indonesia thì có những Irfan Bachdim, Diego… được kỳ vọng nhiều nhưng sau đó lại chìm rất nhanh. Gần đây nhất là trung phong đình đám Erza Wallian trưởng thành từ lò Ajax và đang chơi giải hạng nhất Hà Lan. Wallian từng khoác áo U-22 Indonesia đá SEA Games 29 năm 2017 tại Malaysia nhưng không có tên trong đội hình chính.
Malaysia thì phải kể đến những cái tên như Matthew Davies, Darren Lok… nhưng các cầu thủ này cũng không thể hiện được nhiều.
Nhiều nhất phải kể đến là đội tuyển Philippines. Gần như là cả đội đều là những cầu thủ “Tây” gốc Phi đang chơi bóng ở thứ hạng thấp tại châu Âu… Các nhân vật này cũng chưa thể hiện được gì ngoài việc họ “nâng cấp” đội tuyển Philippines vào bán kết AFF Cup trong nhiều năm qua mà thôi.
Trong số những cầu thủ mang hai dòng máu nổi bật của Philippines có thủ môn Neil Etheridge đang chơi cho CLB Cardiff tại giải Ngoại hạng Anh; David Alaba đang chơi cho CLB Bayern Munich. Alaba có mẹ người Philippines, cha người Nigeria, anh sinh ra tại Áo. Năm 2010, trước thềm AFF Cup, các tuyển trạch viên Philippines từng gặp Alaba để thuyết phục cầu thủ này chọn đội tuyển Philippines nhưng Alaba từ chối để rồi sau đó chính thức khoác áo đội tuyển Áo…
Đó cũng là thực trạng chung của các cầu thủ mang hai dòng máu khi họ có quyền chọn lựa đội tuyển quốc gia mà họ thi đấu và thường thì những cầu thủ tài năng thực sự họ hay chọn quốc gia có nền bóng đá cao hơn để có cơ hội thăng tiến.
Thầy Park thêm “kênh” tuyển cầu thủ, trong đó có những cầu thủ gốc Việt như Alexander Đặng, Filip Nguyễn. Ảnh: NGỌC DUNG - GETTY IMAGES
Đẳng cấp nhất trong số cầu thủ gốc Đông Nam Á chỉ có Neil Etheridge đang chơi ở giải Ngoại hạng Anh cho CLB Cardiff vừa bị xuống hạng. Ảnh: GETTY IMAGES
Cầu thủ Việt kiều và cơ hội thể hiện
HLV Nguyễn Hữu Thắng cũng từng gọi các cầu thủ mang hai dòng máu Âu-Việt vào đội tuyển như Michal Nguyen, Dang Van Robert… Những cầu thủ này cũng có cách chơi rất giống các cầu thủ lai khoác áo đội tuyển Thái Lan. Đó là sức mạnh và lối đá đơn giản mang dáng dấp hiện đại, theo kiểu thực dụng mà bóng đá châu Âu đào tạo.
Riêng với thủ môn Đặng Văn Lâm (có tên Nga là Lev Dang) cũng thế, hơn tám năm Lâm được đào tạo bài bản ở Spartak và Dynamo Moscow, sang Việt Nam từ năm 16, 17 tuổi được HLV Mai Đức Chung dìu dắt và giúp đỡ rất nhiều, Lâm được gọi vào U-19 quốc gia… Sau đó Lâm trôi nổi qua nhiều CLB, về HA Gia Lai rồi dạt sang đá Lao-League. Mãi cho đến khi được CLB Hải Phòng cưu mang cùng sự may mắn và nỗ lực, Lâm mới thể hiện được chính mình mà đỉnh cao là V-League 2018 và AFF Cup 2018, Asian Cup 2019.
Có thể nói rằng mặt bằng các cầu thủ mang hai dòng máu ở Đông Nam Á là sàn sàn như nhau. Thái Lan tận dụng nguồn nhân lực này với mức độ vừa phải và cũng chưa có được dấu ấn nhiều. Tương tự là Indonesia. Ngay cả đội cải thiện rất nhiều từ cầu thủ mang hai dòng máu là Philippines cũng mới chỉ làm thay đổi lối chơi rặt chất Âu trong một tầm các đội Đông Nam Á nhưng cũng không phải là quá mạnh.
Việc các cầu thủ như Alexander Đặng, Filip Nguyễn mà sắp tới đây HLV Park Hang-seo sang châu Âu xem chân cẳng cũng là một tín hiệu vui cho bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, cũng chỉ nên xem đó là một kênh để bổ sung lực lượng hơn là chờ sự đột biến từ đẳng cấp bóng đá châu Âu.
Cũng cần phải nói thêm rằng nếu những cầu thủ này đủ trình độ và thích nghi được để về khoác áo đội tuyển Việt Nam thì cũng phải có những “ưu tiên” hay “thủ tục” cần thiết. Nhất là trường hợp họ vẫn đá ở CLB châu Âu khi nào khoác áo đội tuyển thì sẽ phải lệ thuộc vào quy định của FIFA hay sự thương thảo giữa LĐBĐ quốc gia và CLB của các cầu thủ này.