“Triệu phú đến nơi/ Chỉ mươi đồng thôi giàu sang mấy hồi” - Đó là một câu “độc đắc” trong bài hát xổ số trứ danh, quen thuộc do nhạc sĩ kiêm ca sĩ Trần Văn Trạch sáng tác cho cuộc xổ số đầu tiên mang tên “Xổ số kiến thiết quốc gia” năm 1952 tại Sài Gòn.
Vé số ngày xưa. Ảnh: LÊ VĂN NGHĨA
Từ năm 1952, cuộc xổ số kiến thiết xổ số một tháng một lần rồi tiến lên hai kỳ/tháng (năm 1956), rồi tiến lên mỗi tháng ba kỳ (tháng 6-1957) và đến tháng 7-1958 mở hằng tuần.
Những năm ấy Sài Gòn có hai sòng bạc mở cửa hành nghề suốt ngày đêm là Kim Chung và Ðại Thế Giới, có tổ chức đánh số đề với giá tiền rất thấp, một, hai đồng cũng chơi được nên thu hút dân nghèo. Vả lại, chơi đánh đề là biết ăn thua trong ngày ngay, còn mua vé số thì chờ cả tuần, nóng ruột chơi đề cho mau biết ăn thua. Do vậy, dân chúng khoái đánh đề hơn. Dân đánh đề thì vé số bị ế nên thời đó cảnh sát Sài Gòn phạt người đi xe vi phạm luật giao thông bằng cách bắt… mua vé số kiến thiết.
Năm 1955, hai sòng bạc Kim Chung, Ðại Thế Giới bị chính phủ - Thủ tướng Ngô Ðình Diệm đóng cửa. Không còn số đề, dân chúng bèn háo hức tìm ông Thần tài xổ số.
Vào năm 1963, vé số bị đầu nậu thao túng, giá một tờ vé số là 10 đồng nhưng vì khan hiếm nên ai mong ước đổi đời phải mua vé số giá chợ đen đến 13 đồng để mơ “triệu phú đến nơi” với một trong ba lô độc đắc mỗi lô 1 triệu đồng (mua cặp ba thì kiếm được 3 triệu đồng ngon ơ), còn không thì trúng một trong 165 lô an ủi 2.000 đồng. Lúc đó chỉ xổ số một tuần một lần cho toàn miền Nam tại rạp Thống Nhất (hiện là Công ty Xổ số TP.HCM) chứ không phải như bây giờ, Việt Nam ta xổ số hằng ngày vì tỉnh nào cũng có xổ số.
Trông chờ vào tiền trúng số nên từ cửa miệng dân gian “trúng số” là từ dùng để chỉ bất cứ sự may mắn khi có món tiền nào đó bất ngờ. Có chuyện vui kể rằng trước năm 1975, có chị vợ đi làm sở Mỹ và thất thân trước đồng tiền của sếp ngoại. Mỗi khi đem tiền về cho chồng chị thường nói láo là “tiền trúng số”. Anh chồng đâm nghi nhưng cái thân phận gọi là chồng mà mần không ra tiền thì đành phải ngậm miệng. Nhưng lâu ngày cũng ức vì chị vợ chỉ trừ ba, bốn ngày trong tháng còn kỳ dư thì cứ “trúng số” liên tục. Một hôm trời mưa, dằn lòng không được, anh ta bột phát nói: “Em mặc quần cẩn thận coi chừng trời mưa mà ướt tấm vé số”.
Trúng số kiểu đó nghe nó mà não cái nề làm sao. Vì vậy nhiều người đàn ông trước khi “mua lấy xe nhà” thì phải đạp xích lô mua vé số. Trước khi giàu sang thì phải nhịn ăn để tìm con số trúng mà mua nhưng rồi ngày lại ngày chờ đợi vận may sắp tới. Tôi đã từng thấy những người mua vé số… trật nhiều đến độ họ cuốn tròn từng tấm vé số và xâu lại thành màn cửa. Đây là người lạc quan khi biết sử dụng “giá trị thặng dư” của tấm vé số trật.
Và rồi, ngày mai mua vé số để tiếp tục cả tuần sống trong mơ. Giấc mơ này tốn 10 đồng. Còn bây giờ, có thể mơ hằng ngày và cũng phải trả 10.000 đồng… Ai bảo giấc mơ không tốn “xìn”?