Thầy Huỳnh Thành Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM, cho biết: Khi muốn đuổi học HS cần phải trải qua rất nhiều quy trình, trải qua rất nhiều bước rất kỹ lưỡng. Và quyết định này cần được thực hiện một cách thận trọng.
Theo thầy, phải đuổi học một HS có nghĩa em HS đó vi phạm rất nặng, liệu nhà trường đã sử dụng hết các biện pháp giáo dục chưa, bản thân nhà trường đã làm hết trách nhiệm của mình chưa?
Hơn nữa, sự việc cũng phải được đánh giá nhiều chiều. Nhà trường cũng cần phải xem lại vì sao HS lại nói xấu nhóm thầy cô đó. Nhà trường cũng nên tìm hiểu mối quan hệ thầy trò ra sao mà dẫn đến sự việc trên. Tại sao cô giáo lại bị như vậy, điều đó cho thấy tình cảm mà học trò dành cho cô giáo không tốt. Mọi việc cũng cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng mới có thể đi đến quyết định.
Và cũng theo thầy Phú, đình chỉ học tập một năm là hình thức kỷ luật nặng trong các trường phổ thông. Nếu các trường buộc phải đưa ra hình phạt này có nghĩa là đã hết cách dạy dỗ, giáo dục các em. Việc xử phạt này sẽ ảnh hưởng cũng như gây tổn thương rất lớn đối với người học. Dù hình phạt đối với HS như thế nào thì trong môi trường giáo dục cần có tính mở để các em sửa chữa sai lầm.
Liên quan đến sự việc bảy HS bị kỷ luật vì nói xấu thầy cô trên mạng xã hội, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội, cho biết trường học nào cũng thường xuyên phải giải quyết những vi phạm nội quy của HS. Sửa lỗi cho HS là bổn phận của thầy cô giáo. Có nhiều cách giáo dục để HS nhận ra lỗi lầm và sửa lỗi để tiến bộ. Kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc hạnh kiểm, đuổi học có thời hạn...) là một biện pháp.
Theo thầy Khang, quy chế của ngành giáo dục quy định cụ thể việc kỷ luật HS. Khi cần thiết, các trường đều vận dụng rất cẩn thận với tinh thần “kỷ luật là một biện pháp giáo dục”. Tuy vậy, việc áp dụng kỷ luật không nên làm ngay, làm nhanh... Thông thường, để có kết quả tích cực, HS thật sự nhận ra lỗi và quyết tâm sửa lỗi, thầy cô giáo mất nhiều thời gian, công sức giảng giải, thuyết phục HS. Sau công việc này nhiều khi không cần áp dụng kỷ luật hoặc nếu cần thì mức kỷ luật cũng rất nhẹ. Khó nhất là trường hợp HS xúc phạm danh dự thầy cô giáo. HS giận thầy cô, không tin vào thầy cô... dẫn đến có hành vi xúc phạm danh dự thầy cô của mình. HS sai thì rõ rồi. Giáo dục bằng biện pháp thuyết phục HS được không? Ai làm việc này? Tôi nghĩ - và trong thực tế - thầy cô giáo của những HS mắc lỗi này kìm nén một chút, kiên trì một chút để thuyết phục HS, rất có thể thành công... Thậm chí thành công bất ngờ, hơn cả sự mong đợi! Dẫu sao nói thì dễ còn làm thì khó vô cùng…