Bản gốc hay bản sao?
Điểm nổi bật trong công tác xét tuyển năm nay là các trường được trao nhiều quyền tự chủ. Điều này có nhiều thuận lợi nhưng cũng gây không ít khó khăn cho thí sinh (TS) vì mỗi trường sẽ có những cách làm khác nhau.
Chẳng hạn, những năm trước, TS không trúng tuyển nguyện vọng (NV)1 mà có điểm thi từ điểm sàn quy định của Bộ trở lên sẽ được cấp 2 giấy chứng nhận kết quả thi số 1 và số 2 bản gốc để nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường, ngành còn chỉ tiêu cùng khối thi. Năm nay, các trường có thể xét tuyển nhiều lần, không ràng buộc thời gian cứng, đặc biệt có thể nhận giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc hoặc bản sao của TS. Tuy nhiên TS cần lưu ý là không phải trường nào cũng cho phép TS nộp bản sao. Thạc sĩ Tạ Quang Lâm - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Trường dự kiến chỉ xét tuyển thêm một NV sau NV1. Đặc biệt, trường chỉ nhận giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc có đóng dấu đỏ. Trường vẫn cho phép TS được rút hồ sơ sau khi đã nộp, nhưng sẽ hạn chế số lần rút với quy định thời gian cụ thể, vừa đảm bảo quyền lợi của TS mà không gây rối trong công tác xét tuyển của trường”. Tương tự, thạc sĩ Ngô Đức Tuấn - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM nói: “Nếu có xét tuyển thêm NV, trường dự kiến chỉ nhận giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc, không hạn chế số lần rút hồ sơ của TS”. Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM dự kiến: “Trường sẽ tiếp tục gọi NV2 theo từng ngành cụ thể và phương thức gọi xét tuyển sẽ không thay đổi nhiều so với mọi năm. Tuy nhiên, trường sẽ chấp nhận giấy chứng nhận kết quả thi bản sao và sẽ kiểm chứng khi TS nhập học. Nhưng bù lại, trường sẽ không cho phép TS rút hồ sơ trong quá trình xét tuyển”. Một điểm cần lưu ý, tuy Bộ quy định TS có thể nộp giấy chứng nhận kết quả thi (bản gốc hay bản sao) nhưng khi trúng tuyển và làm thủ tục nhập học, TS phải nộp bản gốc có dấu đỏ của trường tổ chức thi. Vì vậy, khi nộp hồ sơ xét tuyển, TS cần cân nhắc, nếu thực sự có nhu cầu học trường nào thì mới nên nộp bản chính giấy chứng nhận. Tránh trường hợp trúng tuyển và muốn học trường đã nộp bản sao nhưng lại không còn bản chính để nộp thì sẽ không đủ điều kiện nhập học. Vẫn tiếp tục xét NV1B và NV1C nội bộDù Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường không được quy định chỉ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của TS đã dự thi vào trường mình, không được đặt ra những quy định trái với quy chế tuyển sinh hiện hành. Thế nhưng hiện vẫn có nhiều trường tiến hành xét tuyển riêng. Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng: “ĐH Quốc gia sẽ tiếp tục xét tuyển NV1B ở nội bộ các trường thành viên như mọi năm. Tức sau khi có điểm chuẩn, những TS không trúng tuyển NV1 có cơ hội đăng ký xét trúng tuyển vào các ngành khác có điểm trúng tuyển thấp hơn, cùng khối thi và cùng chỉ tiêu. Tuy nhiên, việc xét tuyển này là hoàn toàn tự nguyện, nếu TS không đồng ý thì vẫn có thể xét tuyển NV2 vào các ngành, trường khác như bình thường. Ngoài ra, bắt đầu từ năm nay, sẽ triển khai phương án xét tuyển NV1C, cho phép TS rớt NV1 có thể xét trúng tuyển vào các ngành của những trường khác cùng khối thi, điểm trúng tuyển thấp hơn và còn chỉ tiêu”. Tiến sĩ Nghĩa thông tin, ĐH Quốc gia TP.HCM chắc chắn sẽ không hạ điểm chuẩn để không ảnh hưởng tới TS đã trúng tuyển trước đó, cũng như tránh xáo trộn việc xét tuyển trong hệ thống và cả các trường khác.
Theo Hà Ánh - Vũ Thơ (TN)