Chiều 20-6, tổ đại biểu Quốc hội khóa XV TP Hà Nội - đơn vị bầu cử số 6 đã tiếp xúc với cử tri các quận/huyện: Hà Đông, Thanh Trì, Thanh Oai, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Trần Văn Mật (quận Hà Đông) chia sẻ, vừa qua Quốc hội đã kịp ban hành Nghị quyết xác định Lịch sử là môn học bắt buộc ở bậc THPT. Đây là chủ trương đúng đắn trong việc giáo dục truyền thống lịch sử của dân tộc đối với thế hệ trẻ, được cử tri rất đồng tình.
“Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề sách giáo khoa (SGK), xung quanh một cuốn sách bộ môn có quá nhiều sách tham khảo nội dung na ná giống nhau, học sinh phải mua sách theo yêu cầu của nhà trường nhưng không dùng đến.
Thời gian vừa qua, nhiều bộ SGK chỉ dùng một lần, gây lãng phí tiền của của phụ huynh học sinh…”- ông Mật nói.
Trả lời ý kiến của cử tri, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong phiên họp Quốc hội, nhiều đại biểu cũng đã truyền tải ý kiến của cử tri ở khắp các tỉnh thành trong cả nước, bày tỏ sự quan tâm đến rất nhiều nội dung liên quan đến ngành GD&ĐT, trong đó có việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, bắt đầu từ năm học 2022 – 2023 sẽ áp dụng cho lớp 10 THPT.
Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ GD&ĐT nghiên cứu, xem xét, tiếp thu ý kiến của cử tri đối với môn Lịch sử. Vừa rồi trong Nghị quyết của Quốc hội cũng đề cập đến vấn đề trên.
“Bộ GD&ĐT thực hiện các chỉ đạo, cũng như tiếp thu các ý kiến của người dân, lên kế hoạch, bắt đầu áp dụng từ năm học 2022 – 2023. Theo tinh thần sẽ bố trí phần giáo dục Lịch sử, bao gồm phần bắt buộc và phần lựa chọn.
Lựa chọn tức là có thiết kế trong chương trình, các nhà trường căn cứ vào điều kiện, tình hình và nhu cầu để bố trí cho học sinh học.
Việc bố trí này trong khung thời gian cho phép của năm học, đảm bảo tính khả thi. Trên cơ sở này, ngay năm tới cũng chưa cần phải điều chỉnh trong SGK.
Trong ít ngày nữa, Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn để các nhà trường có thể thực hiện thuận tiện”- ông Sơn nói.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh PHI HÙNG |
Liên quan đến vấn đề SGK, ông Sơn thông tin, từ năm 2018 cho đến nay thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội, việc biên soạn phát hành SGK theo cơ chế xã hội hóa, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về việc thẩm định nội dung, phê duyệt sách. Các công việc xuất bản, phát hành do các doanh nghiệp đảm nhiệm và vận hành theo cơ chế thị trường.
Để đảm bảo cho người dân, học sinh có được SGK chất lượng tốt, giá cả hợp lý, từ góc độ chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước, Bộ GD&ĐT đã có các chỉ đạo đối với các nhà xuất bản về phương diện kỹ thuật, quản lý… để có giá sách hợp lý nhất.
Bộ GD&ĐT cũng đã kiến nghị với Chính phủ về việc đưa mặt hàng SGK trở thành mặt hàng do nhà nước định giá.
“Còn lại, việc Chính phủ trình Quốc hội có được chấp nhận không hay chấp nhận như thế nào thì đó còn là công việc phía trước, nhưng với trách nhiệm của mình, Bộ GD&ĐT đã làm hết sức.
Bộ cũng đã đề nghị các tỉnh, thành phố trong cả nước, khuyến khích việc mua SGK, thành lập các thư viện để có thể cho học sinh mượn, dùng nhiều lần”- ông Sơn chia sẻ.
Về việc một số trường học, các cấp quản lý phát hành SGK, kèm theo đó là sách tham khảo, Bộ GD&ĐT đã có thông tư, chỉ thị về việc yêu cầu trong ngành giáo dục, các cấp quản lý cho đến các giáo viên trong ngành tuyệt đối không ép buộc, gợi ý đối với phụ huynh trong việc phải mua các loại sách tham khảo, sách bài tập kèm theo, chỉ được phép phát hành các SGK trong danh mục do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký ban hành.
Cũng tại buổi tiếp xúc, ông Sơn đã gửi lời cảm ơn đến cử tri đơn vị bầu cử số 6 TP Hà Nội nói riêng, cử tri cả nước nói chung đã có sự quan tâm toàn diện, sâu sắc, thường xuyên đến công việc của ngành Giáo dục.