Món “nợ” không thể để lâu hơn

Nhiều người đã ôm chầm lấy ngôi mộ như ôm người thân lâu lắm mới trở về - liệt sĩ Hoàng Văn Hiến hy sinh năm 1965 tại chiến trường Quảng Trị. Trên bia mộ ở nghĩa trang Quảng Trị chỉ ghi vỏn vẹn họ tên và đơn vị chiến đấu nhưng tên lại ghi sai thành Hoàng Văn Hiếu. Gia đình liệt sĩ Hiến đã đi khắp nơi từ Bắc vào Nam để tìm mộ anh nhưng không thấy. Hy vọng mong manh, gia đình tìm đến nhà ngoại cảm nhưng cũng không được việc.

Mẹ liệt sĩ Hiến nay đã 103 tuổi. Bà còn một người con trai nữa cũng là liệt sĩ chưa tìm thấy mộ. Mỗi tháng nhận tiền chế độ chính sách từ hai người con trai là đêm đó bà thức trắng, khóc nhớ con. Có hôm bà còn thều thào trong mơ rằng nếu sống khôn thác thiêng hãy cho mẹ biết các con đang nằm lạnh lẽo nơi đâu để mẹ đưa về đất ấm.

Mãi đến tháng 6 vừa rồi, gia đình nhận được thông báo từ Trung tâm MARIN là đã tìm được mộ liệt sĩ Hiến với đầy đủ thông tin: Nguyên quán: Hưng Đông, Hưng Nguyên, Nghệ An. Sinh năm 1945. Năm hy sinh: 16-11-1965. Nơi hy sinh: Nghĩa trang Bắc đường 9, mộ số 3. Để có đầy đủ thông tin này, MARIN đã phải phân tích từ rất nhiều nguồn dữ liệu và đã được các bộ, ngành chức năng xác nhận cho điều chỉnh. Từ ngày biết tin con, mẹ liệt sĩ Hiến đã vui lên nhiều, bệnh tình thuyên giảm. Ngày 27-7 năm nay, gia đình định tổ chức lễ lớn hơn mọi năm.

Đó chỉ là một trong rất nhiều những câu chuyện sai sót thông tin trên bia mộ liệt sĩ. Trên các trang mạng không thiếu thông tin về những người trẻ lớn lên sau ngày đất nước thống nhất đã làm với tinh thần thiện nguyện vì mệnh lệnh trái tim đối với cha anh đi trước: Trả lại tên cho anh. Bà Ngô Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc MARIN, dấn thân vào con đường này cũng vì một người bác ruột hy sinh mãi đến nay vẫn chưa biết đang nằm ở nơi đâu.

Gần 40 năm đất nước ngừng tiếng súng nhưng nỗi đau chiến tranh thì vẫn dai dẳng trong rất nhiều mái nhà, đặc biệt là những gia đình chưa được đón hương hồn các liệt sĩ trở về. Chỉ vì thiếu thông tin để tìm liệt sĩ mà các gia đình đã phải tìm đến nhà ngoại cảm để rồi gánh chịu nhiều hậu quả đau lòng xảy ra.

Lâu nay, trên các phương tiện thông tin vẫn hay nói về việc thông tin của liệt sĩ còn thiếu do mỗi bộ quản một khúc mà chưa khớp nối với nhau. Bộ Quốc phòng thì quản hồ sơ quân nhân của liệt sĩ, Bộ LĐ-TB&XH thì quản danh sách các liệt sĩ được quy tập về các nghĩa trang. Như thế, cần có sự ngồi lại nhiều hơn của hai bộ này để khớp nối cùng với nhiều dữ liệu khác nữa.

Riêng tại TP.HCM, tuần rồi, Bộ Tư lệnh thành cùng các ngành chức năng TP họp lại để làm công tác hoàn thiện việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, điều chỉnh thông tin trên bia mộ liệt sĩ… Đó đã là một tín hiệu đáng mừng.

Việc này phải được làm càng sớm càng tốt, bởi chúng ta không thể để lâu hơn nữa việc nợ những người nằm xuống cái tên được cha mẹ đặt cho lúc mới chào đời, nguyên quán nơi định hình giọng nói và hơn hết chúng ta nợ gia đình của các liệt sĩ một người con khi chưa trả họ về trên bàn thờ gia tộc.

THANH MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm