Sáng 18-11, tại trụ sở UBND TP.HCM đã diễn ra buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP với trẻ em nhân kỷ niệm Ngày trẻ em Thế giới (20-11). Cũng tại đây, báo cáo phân tích về Trẻ em TP.HCM với những vấn đề nổi cộm cũng được đưa ra.
Buổi gặp gỡ có sự tham gia của bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Youssouf Abdel- Jelil, Trưởng đại diện UNICEF và nhiều sở, ban ngành TP cùng đông đảo các em thiếu nhi đại diện cho Hội đồng Trẻ em TP.
Buổi gặp gỡ sáng nay có Trưởng đại diện UNICEP, ông Youssouf Abdel- Jelil cùng tham gia. Ảnh: THANH TUYỀN
Rất nhiều em đến từ các ngôi trường khác nhau ở TP đã nói lên mong muốn của mình, thể hiện sự quan tâm của em trước những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền của trẻ em.
Một trong những mong muốn nhận được nhiều lưu tâm nhất là phát biểu của em Trương Gia Khang (HS lớp 7, Trường THCS Trần Phú) về hình ảnh người mẹ bế con đi ăn xin, lấy tiền chích ma túy được nhiều trang mạng truyền tải trong mấy ngày qua. “Con thấy mấy ngày nay trên mạng xã hội có hình ảnh người mẹ bồng con đi ăn xin, lấy tiền đó để đi chích ma túy. Nhìn hình ảnh đó con thấy không hay tí nào, làm như vậy là tội nghiệp cho em đó lắm. Con mong sao những hình ảnh như vậy sẽ sớm hết, mong cô chú làm sao để dập tắt luôn tình trạng này”, Gia Khang nói.
Cũng liên quan đến mạng xã hội, có em học sinh nói hy vọng sẽ có một trang Facebook dành riêng cho các em, là nơi để các em bày tỏ về những vấn đề mà mình quan tâm lên đó, qua đó lãnh đạo TP cũng sẽ nhanh chóng nắm bắt được mong muốn của các em là gì.
Bên cạnh đó, các em cũng đặt vấn đề về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.
Trương Văn Hoài Thanh (THCS Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình) cho rằng cần phải ưu tiên nhiều hoạt động, chương trình để thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, tạo điều kiện để tất cả các em có thể tham gia vào nhiều chuyến đi tìm hiểu vể lịch sử dân tộc.
Những vấn đề về môi trường học tập, vui chơi giả trí được các em chia sẻ. Ảnh: THANH TUYỀN
“Hiện nay, nhà thiếu nhi TP và quận có tổ chức nhiều chương trình cho chúng con trải nghiệm, đi đến những điểm di tích lịch sử lâu đời, cột mốc lịch sử của nước ta. Ở tất cả những nơi mà chúng con đã tới thì có nơi con đường đi rất khó khăn để vào được đến nơi. Con mong cô chú quan tâm hơn trong những công trình xây dựng đường sá để tụi con có thể dễ dàng di chuyển đến những điểm mốc lịch sử đó, có thêm cơ hội để tìm hiểu về dân tộc của mình nhiều hơn”, Hoài Thanh nói.
Em Nguyễn Lưu Tuấn Anh cũng đồng tình với Hoài Thanh rằng vấn đề “Uống nước nhớ nguồn” cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Tuấn Anh góp ý kiến: “Mỗi năm đều có chương trình trải nghiệm, tìm hiểu về lịch sử nhưng hành trình đó không đủ để cho tất cả các bạn học sinh tìm hiểu hết. Một đợt đi cũng chỉ được mấy bạn thôi chứ cũng không được nhiều nên con mong là có thêm nhiều chuyến đi như vậy để tất cả các bạn có thể được tìm hiểu về cội nguồn của mình”.
Học sinh phát biểu ý kiến của mình về những vấn đề mà các em quan tâm. Ảnh: THANH TUYỀN
Còn em Huỳnh Ngọc Thanh Vy, đến từ Cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn thì nói, em mong muốn được thực hành nhiều hơn là chỉ tiếp cận lý thuyết trong tất các môn học. Thanh Vy cho rằng cần tăng cường thêm nhiều kỹ năng cho học sinh như tự phòng vệ, phòng chóng nạn xâm hại tình dục, kỹ năng khai thác mạng xã hội, tiếp cận thông tin trên mạng xã hội...
Nhiều vấn đề liên quan đến yếu tố gia đình ảnh hưởng đến việc học của các em cũng được nêu ra. Trong đó, một em học sinh kể: “Con có biết hai bạn đã nghỉ học chỉ vì bố mẹ chia tay, phải sống chung với một người thân khác mà lại không được quan tâm đúng mức nên hai bạn phải nghỉ học. Con mong là các cô chú cũng quan tâm hơn về các vấn đề trong gia đình để các bạn có thể chú tâm vào việc học hơn”.
Bên cạnh đó, các em còn chia sẻ ý kiến của mình về việc tăng thêm nhiều thư viện thông minh để hình thành thói quen đọc sách tốt, chú tâm hơn đến các loại hình giải trí, vui chơi miễn phí dành cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vấn đề về môi trường...
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, tổng kết nội dung buổi gặp gỡ. Ảnh: THANH TUYỀN
Trao đổi tại buổi gặp gỡ, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nêu quan điểm, những ý kiến của các em học sinh một lần nữa minh chứng rằng các em chính là tác nhân thúc cuộc sống trở nên tích cực hơn. Bà nói rằng bất kỳ đứa trẻ nào cũng cần có cơ hội ngang nhau trong việc tiếp cận cơ hội học tập, vui chơi và giải trí nên cũng hy vọng rằng các cấp quận, huyện có thể lắng nghe và lưu tâm hơn đến các đề xuất mà các em đưa ra. “Từ những đóng góp đó tôi cũng hy vọng chúng ta sẽ có những chính sách phù hợp nhất, góp phần chăm lo, thực hiện tốt hơn các vấn đề liên quan để thúc đẩy sự phát triển của trẻ em - những mầm non tương lai của TP”, bà nói.