Đã một năm kể từ sự kiện biểu tình bạo lực ở Charlottesville, bang Virginia (Mỹ), ngày 12-8 tại thủ đô Washington người Mỹ da trắng lại xuống đường biểu tình, kéo theo hàng chục ngàn người xuống đường phản đối phân biệt chủng tộc.
Địa điểm diễn ra biểu tình là trước Nhà Trắng. Một lượng lớn cảnh sát được huy động ngăn không để xung đột xảy ra giữa hai nhóm biểu tình. Sau hai giờ tụ tập và một số bài phát biểu, nhóm biểu tình da trắng giải tán khi trời có dấu hiệu mưa. Không ai bị bắt.
Lãnh đạo da trắng dân tộc chủ nghĩa Jason Kessler phát biểu trong cuộc biểu tình trước Nhà Trắng ngày 12-8. Ảnh: REUTERS
Nhớ lại cuộc biểu tình tại Charlottesville một năm trước, một người đàn ông da trắng đã chạy xe tông vào đám đông biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc, khiến một phụ nữ thiệt mạng.
Người da trắng dân tộc chủ nghĩa biểu tình ở thủ đô Washington (Mỹ) ngày 12-8. Ảnh: REUTERS
Lãnh đạo nhóm da trắng dân tộc chủ nghĩa là ông Jason Kessler người Virginia, người từng tham gia tổ chức sự kiện biểu tình Charlottesville năm ngoái. Nói với Reuters trước Nhà Trắng ngày 12-8, ông Kessler nói mục đích cuộc biểu tình này là ủng hộ quyền “tự do ngôn luận với mọi người”.
Người biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc xuống đường ở thủ đô Washington (Mỹ) ngày 12-8, tưởng niệm một năm biểu tình bạo lực ở Charlottesville. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó ông Dan Haught 54 tuổi, một nhà lập trình máy tính thuộc nhóm người biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc nói ông muốn nhắn gửi đến thế giới rằng ở Mỹ số người phản đối phân biệt chủng tộc vẫn nhiều hơn những người da trắng cực đoan.
Người biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc xuống đường ở thủ đô Washington (Mỹ) ngày 12-8, tưởng niệm một năm biểu tình bạo lực ở Charlottesville. Ảnh: REUTERS
Sở dĩ cuộc biểu tình năm nay không diễn ra ở Charlottesville vì không xin được giấy phép. Và những người tổ chức biểu tình đã chuyển sang xin giấy phép biểu tình ở thủ đô Washington. Hai xe cảnh sát được huy động đưa người biểu tình da trắng về lại bang Virginia.
Người biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc tập trung tại địa điểm một phụ nữ bị một người đàn ông da trắng tông xe chết một năm trước trong biểu tình bạo lực ở Charlottesville. Ảnh: REUTERS
Tại thị trấn Charlottesville ở Virginia ngày 11-8, dù không có biểu tình nhưng hàng trăm cảnh sát được triển khai giữ an ninh. Một số tuyến giao thông nội đô bị phong tỏa, người đi bộ phải đi qua hai chốt cảnh sát và bị kiểm tra túi xách đề phòng có mang theo vũ khí.
Các nhà hoạt động xã hội và người dân Virginia tưởng niệm một năm sự kiện biểu tình bạo lực ở Charlottesville. Ảnh: REUTERS
Sự kiện biểu tình tại Charlottesville năm ngoái là một trong những thời khắc đen tối nhất trong năm tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump. Sau cuộc biểu tình này, ông Trump nói ông không đứng về bên nào. Phát ngôn này gây ra sự chỉ trích mạnh rằng ông Trump đánh đồng người cực đoan chủ nghĩa với những người chống phân biệt chủng tộc.