Vụ bạo loạn ở TP Charlottesville như giọt nước tràn ly cho những mâu thuẫn về sắc tộc vẫn luôn âm ỉ trong lòng nước Mỹ hơn một thế kỷ qua.
Bạo loạn bùng nổ
Cuộc xung đột hôm 12-8 bắt nguồn từ việc các nhóm cực hữu và các nhóm theo chủ nghĩa phát xít mới đổ về TP Charlottesville, bang Virginia (Mỹ) để tuần hành chống lại quyết định phá bỏ tượng đài tướng Robert E. Lee của giới chức TP Charlottesville. Tướng Robert E. Lee là người lãnh đạo Liên minh miền Nam (bên bại trận trong nội chiến Mỹ, giai đoạn 1861-1865).
Cuộc tuần hành nhanh chóng bùng nổ thành xung đột bạo lực giữa những người ủng hộ da trắng với nhóm ủng hộ người da đen và các nhóm chống phân biệt chủng tộc. Theo Trung tâm Nghiên cứu Luật Người nghèo miền Nam (SPLC), đây có thể là cuộc tập hợp “thuần da trắng” lớn nhất trong nhiều thập niên qua ở nước Mỹ, kể từ khi các đạo luật mang tính phân biệt chủng tộc ở cấp độ bang bị xóa bỏ.
Giới chức TP Charlottesville xác nhận đã có ba người thiệt mạng và khoảng 35 người khác bị thương do các xô xát nghiêm trọng. Thống đốc bang Virginia, ông Terry McAuliffe, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại TP Charlottesville sau khi bạo loạn xảy ra và vượt tầm kiểm soát của lực lượng an ninh được bố trí giám sát. Ông đồng thời khẳng định bản thân mình thấy “ghê tởm những sự hận thù và bạo lực mà những người biểu tình đã mang đến cho nước Mỹ”, theo tờ The Atlantic.
Bạo loạn nổ ra tại TP Charlottesville của bang Virginia hôm 12-8 khiến ba người thiệt mạng và 35 người bị thương. Ảnh: AP
Chỉ là sự khởi đầu?
Vụ bạo lực ở TP Charlottesville là diễn biến leo thang mới nhất sau một loạt vụ biểu tình căng thẳng đang diễn ra trên khắp nước Mỹ về kế hoạch loại bỏ các bức tượng và các dấu ấn lịch sử khác liên quan đến Liên minh miền Nam. Kể từ khi tỉ phú Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm ngoái, các phong trào cực hữu ủng hộ da trắng và phân biệt chủng tộc cũng đang trỗi dậy mạnh mẽ trong lòng nước Mỹ.
Cựu lãnh đạo phong trào phân biệt chủng tộc Ku Klux Klan, David Duke, đã gọi phong trào diễn ra hôm 12-8 ở TP Charlottesville là một “bước ngoặt”. “Chúng tôi sẽ hoàn thành lời hứa của Donald Trump. Đó là điều mà chúng tôi tin tưởng. Đó là lý do tại sao chúng tôi bỏ phiếu cho Donald Trump, bởi vì ông ấy nói rằng sẽ đưa đất nước của chúng tôi trở lại” - ông Duke tuyên bố. Blogger cánh hữu Jason Kessler, một trong những nhân vật lãnh đạo phong trào biểu tình hôm 12-8, cũng khẳng định: “Chúng tôi sẽ bắt đầu đứng lên vì lịch sử của mình” và cảnh báo vụ bạo loạn này là “sự kiện tuyệt vời đầu tiên”.
Theo tạp chí Vox, vụ bạo lực ở TP Charlottesville là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy nạn phân biệt chủng tộc đang ngày càng nổi lên như một lực lượng chính trị ở Mỹ. Chính sự đắc cử của ông Trump với tư tưởng “Nước Mỹ trên hết”, cực hữu đã cổ súy những vụ bạo động liên quan đến chủng tộc bùng phát. Sau 24 giờ hỗn loạn ở Charlottesville, những người ở cả hai chiến tuyến trong vụ bạo lực vẫn khẳng định họ không có ý định dừng lại, bởi vì với họ: “Đây là một thời điểm quan trọng cho tương lai của nước Mỹ”.
Hãy về nhà đi. Các anh chị không được chào đón ở xứ sở thịnh vượng chung này. Các anh chị nên cảm thấy xấu hổ. TERRY MCAULIFFE, Thống đốc Virginia đưa ra thông điệp |
Ông Trump chịu chỉ trích
Tổng thống Donald Trump đã lên án vụ bạo loạn này là “một sự kiện khủng khiếp”, song không đề cập trực tiếp đến chủ nghĩa da trắng tối thượng mà chỉ đổ lỗi cho “hận thù, mù quáng và bạo lực từ nhiều phía”. Theo NBC News, ông Trump kêu gọi người Mỹ đoàn kết và khẳng định vụ bạo động này không liên quan tới việc ông làm tổng thống bởi điều này đã diễn ra “một thời gian rất lâu”.
Trong khi đó các nghị sĩ đảng Dân chủ, các nhà hoạt động xã hội và một số nghị sĩ Cộng hòa đã chỉ trích việc ông Trump không lên án “chủ nghĩa da trắng tối thượng” là điều không thể tha thứ. “Ngài tổng thống, chúng ta phải gọi tên quỷ dữ bằng đúng tên của nó” - thượng nghị sĩ Cory Gardner của đảng Cộng hòa khẳng định. Lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi cũng viết trên Twitter: “Hãy nói theo tôi, ngài tổng thống: Chủ nghĩa da trắng tối thượng là một sự sỉ nhục với những giá trị Mỹ”.
Ông Trump mất dần sự ủng hộ Hơn sáu tháng kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống, ngay cả những nhóm người dân đã đưa ông đến thắng lợi dường như cũng đang thất vọng trước tổng thống của mình. Một cuộc thăm dò của tờ Politico và Công ty Morning Consult đầu tháng 8 cho thấy chỉ có 40% cử tri đồng ý với cách ông Trump điều hành đất nước. Tỉ lệ ủng hộ trong số những người tự nhận là đã bỏ phiếu cho ông Trump là 81%, giảm so với con số 86% ở lần khảo sát trước. Trong khi đó tỉ lệ người da trắng không có bằng đại học (nhóm người quan trọng giúp ông Trump đắc cử) ủng hộ tổng thống Mỹ cũng đã giảm từ 51% vào tháng 1-2017 xuống còn 43% vào thời điểm hiện tại, theo cuộc khảo sát công bố đầu tháng 8 của ĐH Quinnipiac, Mỹ. Theo CBS News, ông Trump sẽ khó có thể phục hồi tỉ lệ tín nhiệm này, kể cả khi ông tuyên bố sẽ tiếp tục giúp đất nước tăng trưởng kinh tế, bởi trong cuộc khảo sát có 48% người cho biết họ chọn “các giá trị về văn hóa” mà họ tin tưởng để đánh giá sự tín nhiệm với ông Trump, trong khi chỉ có 37% người cho biết họ thấy chính sách kinh tế là quan trọng. |