Một năm trước World Cup - Brazil 2014: Trọng tài bị giết man rợ

Sự cố mới xảy ra trong một trận bóng đá ở TP Sao Luis khi trọng tài trẻ Otavio Jordao da Silva phạt thẻ đỏ một cầu thủ trong giải nghiệp dư nhưng cầu thủ này không chịu rời sân mà còn chửi bới lại nữa. Thế là trọng tài Otavio Jordao da Silva đã rút từ túi ra một vật nhọn như dao đâm nhiều nhát vào cầu thủ này. Lập tức người thân cùng bạn bè cầu thủ đó nhào vào trong sân hành hung trọng tài, ném đá và đánh đến chết. Chưa hả cơn giận, các CĐV này còn cắt chân tay và chặt đầu trọng tài treo lên cọc nhọn như kiểu hành xử man rợ thời tiền sử!

Về phần cầu thủ bị đâm được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi. Cảnh sát đã bắt ba nghi can để tiến hành điều tra vụ việc.

Vụ bạo hành tàn khốc phi nhân tính kể trên một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình hình mất an ninh trên sân cỏ Brazil như một căn bệnh trầm kha từ bao lâu nay. Nó diễn ra nhan nhản trên các sân bóng hình ảnh bạo lực từ đường phố đưa vào sân cỏ mà chính quyền thì bất lực ở đường phố còn LĐBĐ Brazil thì bất lực trong sân cỏ.

Một năm trước World Cup - Brazil 2014: Trọng tài bị giết man rợ ảnh 1

Những hình ảnh bạo lực ở Brazil đe dọa nơi đăng cai World Cup 2014. Ảnh: GETTY IMAGES

LĐBĐ Brazil từng đưa ra biện pháp cấm mang rượu vào sân sau khi nghiên cứu cho rằng nguyên nhân không nhỏ từ nạn say xỉn. Thậm chí là biện pháp giảm số lượng CĐV đội khách đến sân hay kiểm soát các phe nhóm ủng hộ viên có nguy cơ bùng phát bạo lực… nhưng chưa thể ngăn chặn được.

Trước đó hơn hai tháng cũng đã có hai khán giả bị bắn chết trước trận Ceara - Fortaleza nhân khánh thành sân Castelao là một trong sáu sân chuẩn bị cho World Cup 2014.

Còn trong năm 2012 ít nhất ba người bị giết liên quan đến các trận bóng đá. Gồm một ủng hộ viên bị bắn chết trước trận derby của hai đội cùng TP Rio de Janeiro là Vasco da Gama và Flamengo, thêm một fan 21 tuổi của đội Palmeiras cũng bị nã đạn vào đầu tại Sao Paulo. Và một cổ động viên của đội Guarani bỏ mạng trong cuộc hỗn chiến với phe “đối lập” thù địch Ponte Preta, bốn người khác bị trọng thương.

Năm 2011 thì một ủng hộ viên đội Corinthians bị giết trong cuộc hỗn chiến mà cảnh sát phải bắt giữ 80 tên gây chiến. Riêng năm 2010 đã xảy ra vụ một fan của đội Cruzeiro bị đối phương dùng gậy sắt đánh đến chết.

Một cuộc nghiên cứu mới đây tổng kết trong khoảng thời gian 10 năm từ 1999 đến 2009 đã có 42 người thiệt mạng trong các “tai nạn” bóng đá như vậy. Nhiều nhất là năm 2007 và 2008, mỗi năm có đến bảy nạn nhân - nhất thế giới!

Rõ ràng Brazil chưa đề ra được phương án chống bạo lực bóng đá hữu hiệu vì một mặt khung hình phạt trừng trị loại tội phạm này còn quá nhẹ và mặt khác, cảnh sát chưa được huấn luyện đầy đủ để có cách can thiệp kịp thời. Khác với Ý đã đưa luật trấn áp bạo động bóng đá ra thông qua Quốc hội nên nhìn chung đã tái lập được trật tự sân cỏ so với trước kia.

Thêm vào đó tình trạng rối loạn xã hội Brazil qua các cuộc biểu tình chống chính quyền bất lực trong cuộc khủng hoảng kinh tế liên tục bùng nổ trên khắp đất nước càng “hâm nóng” không khí sân đấu!

Nếu tình hình cứ diễn tiến theo chiều hướng xấu có lẽ FIFA sẽ phải tính đến chuyện… dời World Cup qua Mỹ như phương án B đã tính đến.

Xã hội cướp bóc, bạo lực và biểu tình đe dọa chủ nhà World Cup

Tình trạng thiếu an toàn ở Brazil khá phổ biến với loại hình “bắt cóc khẩn cấp” khi xe dừng lại lúc đèn đỏ là cơ hội cho bọn cướp đột nhập vào xe uy hiếp tài xế rồi chúng tự lái đến một địa điểm hoang vắng và trấn lột. Bọn này còn lên cả xe buýt để cướp các hành khách. Đã vậy trong những ngày này đường phố Brazil còn trở nên hỗn loạn do các cuộc xuống đường biểu tình rầm rộ chống nhà cầm quyền vì tình hình kinh tế khủng hoảng trong nước lạm phát 6,5% mà lại bỏ ra đến 12,9 tỉ USD để đăng cai World Cup.

Brazil được xem là nơi nguy hiểm và có nhiều bất an khiến FIFA rất lo lắng và buộc phải tính đến phương án chuyển sang Mỹ nếu tình hình không thể cải thiện. Vụ việc giết trọng tài man rợ trên sân vừa qua chính là hồi chuông cảnh báo khiến FIFA không thể ngồi yên chờ Brazil lập lại trật tự.

NG.HUY

HUY KHANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm