Sau tám tháng kể từ khi giới thiệu MV Fall in Love, cái tên Hoàng Thùy Linh dường như im ắng hơn hẳn trên thị trường V-pop ngày một nhộn nhịp. Gần đây, Hoàng Thùy Linh xuất hiện qua vai diễn Lam Anh trong phim truyền hình tiêu điểm của VTV, Cảnh sát hình sự - Mê cung, khiến công chúng chú ý nhưng cũng đồng thời tô đậm thêm câu hỏi về sự vắng mặt trong con đường ca hát.
Vốn là một người kín tiếng trong các dự án, chỉ sẵn sàng giới thiệu đến khán giả khi đã hoàn thiện, Hoàng Thùy Linh tiếp tục tung một quả bom bất ngờ vào tháng 6 này bằng một sản phẩm đặc biệt, MV Để Mị nói cho mà nghe.
Hoàng Thuỳ Linh và ê kíp thực hiện MV.
Hình ảnh đầu tiên được hé lộ hai ngày trước trên mạng xã hội không kèn, không trống, không màu mè câu chữ nhưng đủ tò mò và hấp dẫn để các fan cũng như khán giả đại chúng chú ý đến sản phẩm lần này. Cô gái mặc đồ dân tộc ngồi tựa vào một góc tường tối tăm khiến khán giả liên tưởng đến hình tượng cực kỳ quen thuộc với bất cứ người Việt Nam nào: Mị trong tác phẩm văn học Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài được giới thiệu trong sách ngữ văn lớp 12.
Đúng như vậy, Mị chính là hình tượng trong sản phẩm quan trọng mà Hoàng Thùy Linh muốn mang đến cho công chúng, sau một thời gian chuẩn bị. Ca khúc có tên Để Mị nói cho mà nghe là một sáng tác của Team DTAP - các nhạc sĩ cực kỳ trẻ, được đo ni đóng giày và tính toán rất kỹ lưỡng từ khâu lên ý tưởng sáng tạo cho đến khi hoàn thành.
Không như những tác phẩm quen thuộc trước đây thuộc dòng nhạc điện tử, Để Mị nói cho mà nghe là một ca khúc pop có tiết tấu sôi động pha với chất nhạc dân gian ngũ cung cùng phần lời được định hình đồng bộ với nội dung của MV.
Hình ảnh cô gái người miền núi cam chịu gả về nhà chồng giàu có nhưng hà khắc, phải kìm nén những ham muốn tuổi trẻ trong những đêm xuân tình nhộn nhịp, đến nỗi nhiều lần muốn tự tử bằng lá ngón trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài không còn xa lạ với người Việt Nam. Nó không chỉ mang tính thời đại từ khi tác phẩm ra mắt mà còn hàm chứa sự ẩn ức dành phụ nữ Việt từ ấy đến nay.
Hình ảnh Mị tựa vào khung cửa với gương mặt buồn thăm thẳm trong tác phẩm điện ảnh chuyển thể năm 1960 do NSND Trần Phương đạo diễn cũng có một “đời sống" cực kỳ sôi động trên mạng xã hội nhiều năm gần đây. Nhưng đó không phải lý do để Hoàng Thùy Linh hóa thân thành cô Mị. Vợ chồng A Phủ là tác phẩm được chọn ra đề trong kì thi vào đại học của Hoàng Thùy Linh 13 năm trước, đây mới là lý do.
Hoàng Thùy Linh tâm sự: “Ngoài tính kỷ niệm, nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ còn mang lại cho tôi cảm giác rất đặc biệt mỗi khi nghĩ đến. Cô ấy cũng như tất cả những người phụ nữ khác, cũng có những mong ước, những khao khát nhưng vì xã hội, vì thời đại mà phải cam chịu. Tôi thương Mị mà cũng bứt rứt thay cho Mị. Nếu Mị còn trẻ, Mị muốn đi chơi thì tại sao Mị không mặc kệ mọi thứ mà đi, mà sống cho bản thân mình? Tôi tin đây cũng là thông điệp mà tác phẩm muốn gửi gắm, cổ vũ mọi người suy nghĩ và làm điều mình muốn".
Vì lẽ đó, Mị trong suy nghĩ của Hoàng Thùy Linh tự do hơn. Cô ấy dám đứng lên và đi tìm hạnh phúc cho bản thân cũng như những người khác. Hình ảnh Mị tự cởi dây trói, múa hát giữa con đường ngập hoa ban trắng, đánh bay quả pao bằng chiếc... vợt tennis, dấn bước tự tin và lạc quan trên con đường tìm niềm vui cho chính mình khiến cho nguyên tác được thay một lớp áo mới, hiện đại và đầy tính nữ quyền.
Càng đặc biệt hơn khi trên quãng đường Mị đi qua, những nhân vật quen thuộc trong các tác phẩm văn học Việt Nam khác cũng xuất hiện và thay đổi. Là anh Tràng trong Vợ nhặt của Kim Lân, là Chí Phèo và Thị Nở cùng lão Hạc và cậu Vàng của Nam Cao, là chị Dậu của Ngô Tất Tố…
Đó là những con người cùng khổ và chông chênh dưới những định kiến và khó khăn của thời cuộc nhưng đồng thời cũng là những điểm tựa để bật lên hy vọng mà các tác phẩm văn học nước nhà muốn truyền tải sau năm 1945. Những nhân vật quen mặt, quen tên này cũng được giải thoát khỏi những bí bách và chạm đến tự do khi họ gặp Mị.
MV được quay tại Ba Vì và Hà Nội, hoàn thiện khá nhanh trong vòng 10 ngày từ khi lên ý tưởng cho đến lúc hoàn thiện. Sự trùng lặp hay đi lùi trong những sản phẩm của người nghệ sĩ là điều mà ai cũng nên tránh, Hoàng Thùy Linh cũng không ngoại lệ. Nhất là sau khi Bánh trôi nước đã gây tiếng vang quá lớn, khiến mọi ý tưởng nảy ra trong đầu sau đó đều trở nên khó khăn hơn để thành hình, “nó đòi hỏi sự quyết liệt và dấn thân đến tận cùng tâm hồn mình".
Hoàng Thùy Linh cho biết, dù chọn Mị làm hình tượng trong sản phẩm mới nhưng Mị và Hoàng Thùy Linh vốn rất đối lập. “Nghệ sĩ cần một sự đối thoại với khán giả, vì họ là người của công chúng. Có thể hơi mất thời gian để những gì tôi làm được công chúng đón nhận, nhưng chắc chắn tôi không nhạt. Tôi sẽ không đối thoại bằng cách phân bua, hay phát ngôn, mà tôi làm việc mình phải làm. Tôi nhớ đến Mị, một cô gái bị áp bức dưới những định kiến nặng nề và không dám phản kháng.
Mị trái ngược với tôi, tôi làm chủ được cuộc đời mình. Thế nên tôi quyết định thử một lần để Mị bước ra khỏi bóng tối, tự đi làm những gì khiến cô ấy thấy vui mà không cần chờ đến lúc A Phủ xuất hiện. Đó cũng là cách mà Hoàng Thùy Linh sống. Và Mị của Hoàng Thùy Linh chính là sự đối thoại chân thành nhưng súc tích nhất của tôi với công chúng. Để tôi nói cho mà nghe, Hoàng Thùy Linh chưa bao giờ nhạt!”
Bên cạnh đó, đạo diễn Nhu Đặng cũng cho biết anh không muốn truyền tải thông điệp của MV theo một cách nặng nề khiến mọi người hiểu sai về tác phẩm gốc. Những khung hình nhiều màu sắc, tươi vui cùng sự lạc quan xuyên suốt chính là tinh thần cốt lõi mà sản phẩm muốn hướng đến.
Ngoài ra, MV lần này cũng là một lời động viên dành cho các em học sinh lớp 12 trước kỳ thi cuối cấp. Chắc chắn có không ít những bạn phải học hành trong cảnh áp lực đè nặng về thành tích, xem những tác phẩm văn học như những thử thách khó nhằn phải vượt qua. Trong khi chẳng một tác phẩm hay nhân vật nào có tội cả, ai cũng có một đời sống riêng. Thay vì chịu đựng, chúng ta hãy đón nhận theo cách thoải mái và chân thành nhất, đó mới là điều mà những nhà văn muốn gửi gắm.
Để Mị nói cho mà nghe là phát súng đầu tiên cho một chuỗi dự án sắp tới của Hoàng Thùy Linh.