Một người yêu nước khiến ta phải động tâm

Thời ông Võ Trần Chí (Hai Chí) làm bí thư Quận ủy quận 5 thì tôi phụ trách một trường học trên địa bàn quận. Giải phóng, chính quyền có nhiều việc phải làm như bầu cử, vấn đề kinh tế mới…, UBND quận 5 cần cán bộ để chi viện cho các phong trào này nên tôi có dịp làm việc với ông. Đến năm 1980, TP có chương trình bung ra để tìm nguyên liệu vậttư. Quận 5 có Công ty Hợp doanh Xuất nhập khẩu trực dụng quận 5 (Cholimex) đi tiên phong, tôi được chỉ định qua tham gia xây dựng chương trình này. Lúc ấy cứ ai hiểu biết về kinh tế bài bản là tôi mời vào làm. Sau một thời gian làm việc chung, cuối cùng chỉ trụ lại những anh em chuyên gia kinh tế trước giải phóng như Huỳnh Bửu Sơn, Trần Bá Tước, Lâm Võ Hoàng… Chúng tôi tự gọi mình là “Nhóm nghiên cứu thứ Sáu” vì họp mặt vào thứ Sáu hằng tuần.

Trong một lần gặp, tôi trình bày với ông Hai Chí rằng có một nhóm nghiên cứu kinh tế như vậy. Sau đó, cứ hai hoặc ba tuần một lần ông xuống ngồi nghe anh em trong nhóm nghiên cứu họp. Ông là người rất gần dân, không phân biệt chức vụ lớn nhỏ, quá khứ thế nào, miễn là có năng lực đóng góp cho đất nước. Chính từ phong cách này của ông mà những anh em trí thức cũ rất mạnh dạn và yên lòng khi đưa ra những ý kiến khác nhau. Ông làm cho những người muốn đưa ra ý kiến đóng góp xây dựng tự thấy được trách nhiệm của mình.

Một người yêu nước khiến ta phải động tâm ảnh 1

Ông Võ Trần Chí (giữa)trò chuyện cùng lãnh đạo TP.HCM và các thanh niên tại Nhà hát thành phố nhân kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Ảnh chụp năm 2007. Ảnh: HTD

Đến năm 1986, khi có chính sách đổi mới, ông là bí thư Thành ủy TP.HCM. Lúc này tôi nói với ông rằng nếu muốn nghiên cứu kinh tế vĩ mô của cả nước thì phải có một nhóm nghiên cứu đường hoàng. Tôi tập hợp danh sách để ông biết có bao nhiêu người (24 người), người ta từ đâu đến, trạng thái anh em thế nào… để ông tham khảo. Từ đó, ông làm nhịp cầu nối cho chúng tôi với ông Võ Văn Kiệt để ý kiến của nhóm được trung ương lắng nghe. Từ đó, nhiều nghiên cứu của chúng tôi được sử dụng như nghiên cứu về giá-lương-tiền, cải tổ ngân hàng, phát triển ngoại thương, kinh tế vùng… Ở TP.HCM, ông Hai Chí đã lắng nghe nhóm nghiên cứu và thực hiện chương trình chúng tôi đưa ra là xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận. Từ sự cầu thị lắng nghe mà ông đã có những quyết định đúng đắn khi cho xây tuyến đường Nguyễn Văn Linh, cảng Hiệp Phước, Khu công nghiệp Hiệp Phước, Khu đô thị nam TP.HCM. Qua các chương trình cụ thể đó mới định hình TP phát triển ra biển Đông. Nếu không phải ông Hai Chí chịu chấp nhận những ý kiến sáng tạo đó thì tôi không biết những chương trình này có xuất hiện hay không hoặc nếu có thì nó có thể sẽ trễ tới mức độ nào.

Ấn tượng nhất của tôi về ông là ông luôn mở lòng đón nhận những ý kiến trái ngược. Ông rất chịu lắng nghe ý kiến, kể cả ý kiến phản biện. Dù những lời nói ngược nhưng ông luôn lắng nghe một cách bình tĩnh, nghiêm túc và cầu thị. Ông Hai rất giản dị, bao dung và biết nhận ra được kiến thức của người khác. Ông là người không cần khoa bảng, một người nông dân nhưng rất có trí tuệ. Tấm lòng yêu nước của ông trở thành động lực của những người tham gia xây dựng đất nước, làm cho mình thấy động tâm để cùng lo. Cái gì ông biết thì nói biết, không biết thì ông đi nghe để học, cái gì làm được thì ông nói làm được chứ không hứa suông. Chính cái tính trung thực với bản thân của ông cũng ít nhiều ảnh hưởng đến cá nhân tôi.

Ông PHAN CHÁNH DƯỠNG, chuyên gia kinh tế, giảng viên Chương trình Fulbright

T.MẬN ghi

Đồng hành cùng trí thức

Ngày đó, một số nhân sĩ trí thức chế độ cũ thường nhóm họp ở Cholimex luận bàn tìm hướng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế TP vào chiều thứ Sáu hằng tuần. Những hoài bão, khát khao đó đã được sự ủng hộ thầm lặng của ông Hai Chí - Võ Trần Chí - lúc ấy đang là bí thư quận 5. Hình ảnh người lãnh đạo quận cầu thị, chân thành, trân trọng giới trí thức, thương mại đã khơi dậy niềm tin, xóa tan những mặc cảm dè dặt của nhiều trí thức cũ.

Với họ, ông Hai Chí luôn ân cần, thân tình như một người anh, không “đao to, búa lớn” ra vẻ lãnh đạo. Ông bao dung lắng nghe anh em trí thức góp ý, chấp nhận cả việc anh em có thể nói sai, rồi ôn tồn phân tích thấu đáo để thuyết phục. Thậm chí, có lần nghe câu “móc họng”: “Việt Nam hiện giờ không có chuyện gì là không dám làm chỉ một điều không dám là… làm đúng”, ông chỉ cười xòa và nhận xét rằng: “Do anh em nóng giận, bức xúc nhưng hoàn toàn không chống lại chính quyền Nhà nước mà chỉ cố làm sao góp ý cho nên việc”. Ông hiểu họ, tất cả đều xuất phát từ mong mỏi khát khao đưa đất nước vượt lên.

Năm 1986, ông Hai Chí trở thành Bí thư Thành ủy TP.HCM với số phiếu tín nhiệm tuyệt đối, “nhóm thứ Sáu” được Thành ủy chính thức công nhận với tên gọi “Nhóm nghiên cứu chuyên đề kinh tế”. Cũng từ đây một số lãnh đạo TP thời đó: Võ Trần Chí, Nguyễn Vĩnh Nghiệp, Phạm Chánh Trực… thỉnh thoảng cùng đến hội họp với nhóm, tiếp thu một số công trình nghiên cứu đóng góp xây dựng chính sách TP và cả nước trong giai đoạn đổi mới.

Ông LÊ TÂM DŨNG, nguyên Chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM

BÌNH MINH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm