Sau hai ngày ban hành văn bản (5944) về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu, ngày 26-7 Thứ trưởng Bộ Y tế đã có tiếp công văn về việc thu hồi công văn trên vì “có một số nội dung chưa phù hợp”.
Nếu trong công văn 5944 kèm phụ lục ghi rõ tên từng loại thuốc kèm chỉ đạo là Sở Y tế các tỉnh thành “tham khảo lựa chọn mua sắm, đấu thầu, tiếp nhận… để hỗ trợ điều trị cho những người nhiễm…” thì trong công văn ngày 26-7 chỉ dừng lại một câu “có một số nội dung chưa phù hợp” mà không giải thích gì thêm.
Trở lại công văn 5944, nó nửa vời vì nửa quản lý nhà nước, nửa nghiệp vụ y, khiến dân vùng dịch không hiểu vì sao Bộ lo đến nỗi đưa các sản phẩm bảo vệ sức khoẻ (không có quyền kê đơn, chỉ được quyền hướng dẫn) mà thị trường đầy loại có chức năng tương đương vào phụ lục.
Công văn 5944 và công văn thu hồi (phải) của Bộ Y tế
Và trong hai ngày công văn 5944 giống như "chỉ định thầu" đã tạo ra cơn sốt các loại thuốc được liệt kê, trong khi bán với giá cũ đã đủ lời (dĩ nhiên). Có doanh nghiệp mà sản phẩm được đưa vào phụ lục đã tăng ngay 400% đến 1000% giá bán so với trước.
COVID gây chết người hàng loạt ở nhiều nước, trong đó có nước mà nền y học phát triển cao. TP.HCM thì đang bùng dịch, mỗi ngày người nhiễm tầm 5000-6000, người chết tầm 50-60 và đang tăng. Thở máy 600 ca, ECMO 10 ca, ai cũng sợ, lo lắng nên người dân đã lao đi mua các loại thuốc mà Bộ Y tế đã “kê đơn” trong phụ lục.
Sự sợ hãi dịch bệnh cộng với uy tín nhà nước của nơi ban hành công văn đã tạo nên khả năng quảng bá sản phẩm mà không công ty marketing nào có được!
Vậy thì cái công văn trên, với chức năng sứ mệnh của cơ quan quản lý nghiệp vụ lẫn quản lý nhà nước về Y tế ban hành (và đã thu hồi do "không phù hợp") ai sẽ trả lời dân câu hỏi: Bộ Y tế ban hành Công văn 5944 do cẩu thả; do sơ ý; do nhân viên đánh máy hay do cái gì?
Và có mối liên hệ nào với việc 26 sản phẩm này chủ yếu do 5 đơn vị sản xuất, trong khi sản phẩm tương tự trên thị trường rất nhiều như báo chí nêu?
Theo quy định hiện hành, nhóm sản phẩm bảo vệ sức khỏe không được kê đơn, chỉ được "tư vấn" nhưng công văn trên là một hình thức "chỉ định thầu".
Vậy có mối liên hệ nào với việc bộ dẫn bóng như đặt để vào chân DN dược, DN dược nhận bóng, sản phẩm đưa vào phụ lục rồi thì tăng giá 4 đến 10 lần và lợi nhuận có phải chỉ DN hưởng?
Chưa hết, để được đưa vào danh mục thì có phải đã rất cân nhắc hiêu quả lẫn sự lo lắng sức khoẻ nhân dân không, và có cân nhắc thêm gì khác không?
Dư luận đang chờ câu trả lời từ cơ quan có thẩm quyền chứ không phải chỉ một dòng “có một số nội dung chưa phù hợp” như trong văn bản thu hồi nêu.