Các CLB ở Premier League đã gặp nhau vào thứ Hai (giờ Anh) tại cuộc họp mới nhất của giải đấu. Tại đây, các CLB bỏ phiếu về những thay đổi đối với quy tắc Lợi nhuận và Tính bền vững (tương tự Luật công bằng tài chính), cũng như việc đưa ra giới hạn chi tiêu mới.
MU thực hiện vụ chuyển nhượng trị giá 60 triệu bảng Anh
Họ đã bỏ phiếu ủng hộ việc tiến hành một bộ quy tắc tài chính mới từ mùa giải 2025 - 2026 gắn liền với doanh thu bản quyền truyền hình để thay thế Quy tắc lợi nhuận và bền vững hiện tại. Việc thay đổi các quy định cần 14 trong số 20 câu lạc bộ đồng ý mới được thông qua.
Manchester United, Manchester City và Aston Villa được cho là đã bỏ phiếu chống lại các đề xuất, trong khi Chelsea bỏ phiếu trắng, nhưng ý tưởng này vẫn được “tạm” thông qua trong cuộc họp của các CLB hàng đầu Premier League tại London (Anh).
Giới lãnh đạo Premier League nhấn mạnh rằng, chưa có gì được thống nhất và các câu lạc bộ chỉ bỏ phiếu để khám phá thêm quy định mới này tại Đại hội thường niên vào tháng 6. Quy định mới dựa trên ý tưởng đảm bảo giải đấu hàng đầu nước Anh vẫn có tính cạnh tranh.
Các câu lạc bộ sẽ không bị ngăn cản việc trả tiền mua các cầu thủ ngôi sao nhưng họ phải đảm bảo không trả nhiều hơn 4,5 lần số tiền mà CLB cuối bảng xếp hạng Premier League kiếm được từ bản quyền truyền hình.
Ví dụ, nếu dựa trên bảng xếp hạng Premier League mùa trước, các câu lạc bộ chỉ có thể chi 466 triệu bảng Anh nâng cấp đội hình (bao gồm tiền lương, phí chuyển nhượng khấu hao và hoa hồng cho người đại diện), gấp 4,5 lần số tiền mà Southampton (đội cuối bảng Premier League) kiếm được từ bản quyền truyền hình,.
Một số CLB lớn ở Premier League lo ngại sẽ gặp bất lợi trước các đối thủ châu Âu, trong khi các đội khác khẳng định điều đó là cần thiết để Premier League duy trì tính cạnh tranh. Một số chủ sở hữu các CLB lo ngại có vài CLB được hưởng lợi, đặc biệt là sau những tranh cãi liên quan đến Everton và Nottingham Forest mùa này (2 CLB này bị phạt trừ điểm vì vi phạm luật công bằng tài chính).
Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp bóng đá Anh (PFA) đã bày tỏ lo ngại về điều này sẽ gây bất lợi về lâu về dài, đặc biệt là vấn đề tiền lương của cầu thủ. PFA cho biết: “Rõ ràng là chúng tôi sẽ chờ xem thêm thông tin chi tiết về những đề xuất cụ thể này, nhưng chúng tôi luôn nói rõ rằng, chúng tôi sẽ phản đối bất kỳ biện pháp nào đặt giới hạn "cứng" đối với tiền lương của cầu thủ. Có một quy trình đã được thiết lập sẵn để đảm bảo rằng những đề xuất như thế này, vốn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các thành viên của chúng tôi, phải được tham vấn đúng cách”.
Đầu tháng này, các câu lạc bộ Premier League đã nhất trí bỏ phiếu ủng hộ giới hạn chi tiêu của các đội bóng liên quan đến doanh thu và biến chúng thành nguyên tắc chính trong hệ thống kiểm soát chi tiêu kiểu mới, tương tự như các quy định về luật công bằng tài chính của LĐBĐ châu Âu (UEFA).
Manchester United đã nói rõ vào tuần trước, họ sẽ phản đối các đề xuất mới và sẽ bỏ phiếu chống lại chúng. Chủ tịch Crystal Palace, Steve Parish cho biết vào tháng 10 năm ngoái, Premier League đang xem xét giới hạn hóa đơn tiền lương của một CLB để duy trì tính cạnh tranh của giải đấu hàng đầu nước Anh.
Ông Steve Parish nói: “Về vấn đề cạnh tranh công bằng, mọi người cần phải mạnh dạn. Tôi nghĩ đang có sự thay đổi. Giới hạn chi phí đội hình của UEFA là một ý tưởng. Tôi nghĩ chúng ta cần điều gì đó cứng nhắc hơn thế một chút, như không tính đến doanh thu, nơi có những điều mơ hồ về cách tính doanh thu của một đội bóng.
Có những cuộc trò chuyện thực sự tích cực đang diễn ra về nó. Chúng ta cũng phải hết sức cẩn thận vì cũng có những hậu quả không lường trước được. Hy vọng rằng chúng ta sẽ đạt được bước tiến có lợi, không chỉ cho các CLB ở Premier League mà còn cho toàn bộ mô hình kim tự tháp và khả năng cạnh tranh của họ. Chúng tôi đang bỏ phiếu để làm cho Premier League có sự cạnh tranh tốt và công bằng hơn”.