Mùa dịch COVID-19, các bà vợ thành thợ cắt tóc bất đắc dĩ

Trong những ngày giãn cách xã hội, mọi người hầu như không ra ngoài nếu không thật sự cần thiết. Các dịch vụ không thiết yếu đều đã đóng cửa, tiệm cắt tóc cũng không ngoại lệ. Phụ nữ tóc càng dài sẽ càng xinh, nhưng đàn ông, đặc biệt là những người thường xuyên đi cắt tóc mỗi tháng một lần thì sẽ không thể nào chịu nổi với mái tóc dài quá tai.

Chính vì không thể đến tiệm cắt tóc để tỉa tót mái tóc của mình cho thật gọn gàng, các quý ông đã đánh liều nhờ vợ mình cắt tóc hộ. Từ đó, các bà vợ đã trở thành thợ cắt tóc "bất đắc dĩ".

Cô Hồng Lẩm (Bình Dương) cho biết, một tháng rưỡi nay vì không có cửa tiệm cắt tóc nào mở nên chú Khánh (chồng cô) không đi cắt tóc được. Vì tóc dài quá rồi nên chú nhờ cô cắt luôn. Cô Lẩm kể thêm: "Đó giờ tôi có cắt tóc cho ai bao giờ đâu, nay chồng tôi tóc tai lổm chổm nên ổng nhờ tôi cắt giùm thì tôi mạnh dạn cắt luôn".

Cô Lẩm cắt tóc cho chồng chỉ bằng một chiếc lược và một tông đơ. Ảnh:
NVCC

Cô Lẩm cho biết dụng cụ cắt tóc chỉ có một chiếc lược và một tông đơ các con đặt hàng trên mạng về. Được biết sau khi được vợ cắt tóc cho thì chú Khánh khá hài lòng, chú nói đùa: "May vẫn có vợ cắt tóc cho, chứ không tóc sẽ dài như con gái sau mùa dịch luôn. Giờ đang giãn cách, mình không ra đường gặp ai cả nên lỡ vợ có cắt xấu xíu cũng không sao, mai mốt hết dịch mình ra tiệm sửa lại mấy hồi".

Còn cô Duyên, đang ở trọ quận 8 (TP.HCM) cũng trổ tài cắt tóc cho chồng trong mùa dịch. Cô nói: "Trước kia chồng tôi cứ tóc dài là sẽ ra tiệm để cắt. Giờ dịch vầy đâu có tiệm cắt tóc nào mở cửa đâu, nên tôi mới bảo chồng là thôi để tôi cắt tóc giùm cho".

Cô Duyên cắt tóc cho chồng bằng kéo ... bấm chỉ có sẵn ở nhà. Ảnh: NVCC

Cô cho biết vì làm nghề may nên sẵn có kéo bấm chỉ, cô dùng nó để cắt tóc cho chú luôn. Khi được hỏi vì sao chú chịu cho cô cắt, chủ cười bảo: "Già rồi, đâu cần xấu đẹp với ai đâu mà sợ, với lại các tiệm đóng cửa hết rồi, không nhờ vợ cắt thì tóc tai dài ngoằn khó chịu lắm".

Ngoài các bà vợ trở thành thợ cắt tóc trong mùa dịch, các bạn nữ cũng có thể trở thành thợ cắt tóc "bất đắc dĩ". Và những vị khách đầu tiên không ai khác chính là anh em trai trong gia đình.

Anh Võ Phan Hải (quận 12, TP.HCM) cho biết, bản thân trước đây rất chú trọng
việc cắt tóc, mỗi tháng anh Hải sẽ đi cắt tóc một lần ở cửa tiệm. "Vì giãn cách nên hơn một tháng nay mình chưa được cắt tóc, thời tiết thì nóng bức mà tóc quá dài rất bất tiện trong sinh hoạt. Chính vì vậy mình đã đánh liều nhờ em gái mình cắt tóc giùm".

Anh Hải được em gái cắt tóc cho mình bằng tông đơ mua trên mạng. Ảnh: NVCC

Bạn Thu Thủy (em gái anh Hải) cho biết: "Trước đây mình không hề biết cắt tóc, vì anh trai nhờ nên mình đã lên mạng đặt mua tông đơ và lên youtube xem cách người ta cắt tóc như thế nào để cắt cho anh trai".

Sau khi được em gái cắt tóc cho, anh Hải chia sẻ bản thân cảm thấy rất thoải mái, cảm giác đầu tóc mình gọn gàng hơn hẳn. "Đây là trải nghiệm khá thú vị trong mùa dịch. Lần đầu tiên mình giao phó đầu tóc mình cho một "thợ cắt tóc" chưa có kinh nghiệm như em gái mình nên trong quá trình cắt rất là hồi hộp.

Cũng may cắt xong thì mình khá hài lòng và cảm thấy rất vui vì không cần ra tiệm mà tóc tai vẫn được cắt gọn gàng. Nhờ người thân cắt tóc tại nhà là một cảm giác rất mới mẻ, vừa giúp tiết kiệm lại vừa an toàn trong mùa dịch" – anh Hải cười.

Còn cha con anh Võ Anh Triết ở quận 3 cũng rất dũng cảm khi giao phó quả đầu cho vợ/mẹ thử tay nghề. Con anh vừa ngồi yên cho mẹ cắt vừa run: "Mẹ, cái kéo mẹ cầm là kéo cắt thịt à nghe, mẹ làm gì rột rột vậy!”, con trai anh Triết nói vui. Còn anh thì bảo: "Ngồi đây nghe tiếng kéo xoẹt xoẹt và tiếng tông đơ rột rột trên đầu, hối hận mà đã muộn!". 

Với cây kéo thường dùng trong nhà bếp, vợ anh Triết đang tỉa tót mái tóc cho con trai. Ảnh: NVCC

Còn đây là thành quả mà anh Triết chắc chắn không hề hối hận tí nào, với tay nghề của vợ. Ảnh: NVCC

Thế nhưng sau khi hoàn thành, hai cha con anh đã có mái tóc không thể ưng bụng hơn. Khoe trên trang facebook cá nhân, bạn bè anh đều công nhận, hết dịch, vợ anh có thể theo nghề hớt tóc được! 

Mùa dịch khó khăn, nhưng trong thời gian giãn cách, đã khiến cho bao gia đình có cơ hội gắn kết tình thân nhiều hơn, chị em cũng có cơ hội nảy nở nhiều tài năng mà ngày thường, chưa bao giờ họ nghĩ họ có thể làm được! 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm