Mùa dịch COVID-19: ‘Một tháng chồng đánh em đến 7 lần'

Một người phụ nữ chia sẻ rằng chị đã bị chồng đánh đến 7 lần chỉ trong 1 tháng. Người phụ nữ ấy đã phải tìm đến một mái ấm để chạy trốn khỏi người chồng vũ phu.

Chị là một nhân vật trong clip được phát trong chương trình Bữa sáng ruy băng trắng-Nam giới tiên phong trong phòng ngừa, ứng phó bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

"Bữa sáng ruy băng trắng" vừa diễn ra hôm nay 24-11. Ảnh: NGUYỄN TRÀ.

Sự kiện vừa diễn ra hôm nay 24-11, với sự tham gia của 100 nam giới là lãnh đạo, cán bộ thuộc các Bộ, ngành, trung ương, Sở, ban, ngành tại TP.HCM.

Chương trình nhằm thúc đẩy sự tham gia của nam giới và cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức về phòng ngừa giảm thiểu các hành vi bạo lực, xâm hại và quấy rối tình dục đối với phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Bạo lực gia tăng vì COVID-19

COVID-19 không chỉ tác động đến kinh tế, xã hội mà còn ảnh hưởng đến từng mái ấm gia đình. Khó khăn kinh tế trong dịch COVID-19 khiến nhiều người thất nghiệp, cách ly xã hội, mâu thuẫn phát sinh, căng thẳng tăng khiến phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị bạo lực nhiều hơn.

“Vợ chồng lời qua tiếng lại, đập phá. Việc đánh vợ với ông ấy trở nên bình thường. Nếu không vì mày thì bố con tao cũng không đến nỗi thế này, vì mày yếu kém nên thế này thế kia” - một nhân vật chia sẻ.

Không chỉ bạo hành về mặt thể xác, thực tế bạo hành diễn ra trong âm thầm kéo dài gây đau đớn hơn rất nhiều như đay nghiến, chì chiết, bạo hành tình dục….

Trao đổi với PLO, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, người phụ nữ được mệnh danh  là “Lá chắn thép bảo vệ trẻ em” không khỏi ngậm ngùi khi nhắc tới những câu chuyện thương tâm trong mùa dịch COVID-19.

Câu chuyện gần đây nhất là gần chục em bị dâm ô ở TP.HCM nhưng chỉ có 5 gia đình quyết lên tiếng đến cùng.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ- Lá chắn thép bảo vệ trẻ em. Ảnh: NGUYỄN TRÀ.

“Trường hợp bé nhỏ nhất bị dâm ô là 7 tuổi, lớn nhất là 14 tuổi. Người xâm hại các em là nhân viên khách sạn. Khách sạn trong hẻm nhỏ, thường có trẻ em vui chơi gần đó. Vào mùa dịch, khách sạn đóng cửa, trẻ em nghỉ học ở nhà, người này dụ các bé lại cho kẹo bánh rồi giở trò.

Khi bị các gia đình các bé thưa kiện, người này nhất quyết chối tội. Chúng tôi phối hợp cùng các cơ quan chức năng trích xuất camera thu được đầy đủ hình ảnh, tang chứng nên người này bị mời lên công an và tạm giam liền. Chỉ trong 1 tháng, vụ án được khởi tố và xét xử” - luật sư Ngọc Nữ kể.

Bác sĩ Phạm Quốc Hùng, Trưởng phòng Công tác xã hội BV Hùng Vương, chia sẻ trong mùa dịch COVID 19, BV cũng tiếp nhận nhiều phụ nữ, trẻ em bị bạo hành. Mới đây BV vừa tiếp nhận một bé gái 11 tuổi mang thai 36 tuần, hiện vụ việc đang được xử lý.

Vai trò chính là phụ nữ

Phát biểu tại sự kiện, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng Đại diện UN Women, cho biết trước khi đại dịch COVID- 19 bùng phát, bạo lực với phụ nữ đã diễn ra phổ biến.

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng Đại diện UN Women. Ảnh: HỒ PHÚC

Trên thế giới cứ 3 phụ nữ thì có 1 phụ nữ bị bạo lực. Tại Việt Nam, cứ 3 phụ nữ thì có 2 phụ nữ  (tương đương 62.9% ) trải qua ít nhất một hình thức bạo lực lực thể xác, tình dục, bạo lực tâm lý, bạo lực kinh tế bởi chồng hoặc bạn tình trong cuộc đời.

Điều đáng buồn là hầu hết các chị em bị bạo lực (90.4%) không tiếp cận các dịch vụ trợ giúp do không tin tưởng rằng các dịch vụ này có thể giúp đỡ mình. Chỉ một số ít (khoảng 4.8 %) là đi báo Công an.

Bác sĩ Hùng cho rằng muốn ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình thì vai trò chính nên là người phụ nữ. Nhiều cô gái mới mười chín hai mươi, chưa có nghề nghiệp ổn định đã lấy chồng, có con. Và sau đó không chỉ sinh một bé mà hai, ba bé…

Bác sĩ Phạm Quốc Hùng, Trưởng phòng Công tác xã hội BV Hùng Vương. Ảnh: NGUYỄN TRÀ.

“Sinh đẻ quá dày, quá nhiều, bản thân không có công việc, gánh nặng kinh tế đè nặng khiến cuộc sống gia đình trở nên bế tắc. Trong trường hợp này, người chồng cũng bị bạo hành vì không kiếm ra tiền. Bởi vậy, phụ nữ nên nâng cao vai trò, vị thế của mình. Nhiều vụ bạo hành vì kinh tế mà ra chứ không phải là chồng tệ bạc lắm đâu” - bác sĩ Hùng bày tỏ.

Luật sư Ngọc Nữ nhấn mạnh đến khâu tuyên truyền, phòng ngừa, đặc biệt là cần dạy trẻ quy tắc 5 ngón tay: Ai được ôm hôn, ai được nắm tay, ai được bắt tay, ai được bắt tay và ai các em phải xua tay. Muốn ngăn ngừa bạo lực, cái nôi đầu tiên dạy các em chính là gia đình.

Bà vẫn nhớ mãi câu chuyện một đứa trẻ 16 tuổi đâm hàng chục nhát dao vào người khác khi xảy ra mâu thuẫn. Gặp cậu bé tại trại giam Chí Hoà, chứng kiến cậu bé kể và làm lại vụ việc thành thục, bà sững sờ.

“Tâm sự cùng người mẹ, tôi mới biết từ 4 tuổi cậu bé đã chứng kiến cảnh ba đánh, chém mẹ. Không phải vơ đũa cả nắm, nhưng những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong những ngôi nhà như vậy rất dễ bị ảnh hưởng tiêu cực” - Luật sư Nữ trải lòng.

 

ĐỊA CHỈ TIN CẬY CHO PHỤ NỮ TRẺ EM:

Đường dây nóng bảo vệ trẻ em: 111

Ngôi nhà bình yên: 1900 96 96 80

Trung tâm CSAGA: 024 3333 55 99

Hội bảo vệ phụ nữ và trẻ em thành phố: 1800 9069.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm