Mưa lũ làm 6 người chết, hàng ngàn ngôi nhà bị chìm

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, đêm 10-12, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to, nguy cơ gây lũ quét, sạt lở đất cao.

Đợt mưa lớn vừa qua làm ít nhất sáu người thiệt mạng (hai người ở Quảng Trị, một người ở Thừa Thiên-Huế, hai người ở Quảng Nam, một người ở Quảng Ngãi) và làm gần 4.000 ngôi nhà ở các địa phương trên ngập nước, hàng ngàn gia súc, gia cầm chết…

Ngập vì đâu?

Ngày 10-12, tình trạng ngập lụt vẫn tiếp tục diễn ra ở TP Đà Nẵng dù lượng mưa đã có giảm. Nhưng hàng trăm ô tô, xe máy của người dân sinh sống tại chung cư Hoàng Anh Gia Lai (đường Hàm Nghi) chìm trong hầm được lực lượng cứu hộ bơm nước giải cứu. Nhiều gia đình vẫn còn ngập sâu trong nước.

“Chỗ này ngập nặng nhất TP Đà Nẵng, vài năm lại ngập một lần nhưng năm nay ngập khủng khiếp” - anh Trung ở cuối đường Trưng Nữ Vương (quận Hải Châu), nơi ngập sâu đến 1,5 m nói.

Ông Huỳnh Vạn Thắng (nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng) nhận định: Hồ điều tiết, đầm lầy lấp đi thì không có chỗ điều tiết nước. Quy hoạch vẫn còn chạy theo sự phát triển của xã hội chứ chưa có quy hoạch thật sự. “Tất cả mặt bằng bị lấn hết, người dân nào thấy còn tí đất là tráng xi măng hết, không còn đất để thấm nước nữa. Cùng các yếu tố tổng hợp lại thì sinh ra ngập nặng như vậy” - ông Thắng nói.

Ông Mai Mã (Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng) thì khẳng định không ai có thể tính toán được thiết kế hệ thống thoát nước đáp ứng mưa lớn như vậy.

Trong khi đó, báo cáo giám sát của Phó Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng Phùng Phú Phong ký ngày 8-12 nhận định từ trước đến nay, việc thiết kế, thi công hệ thống cống thoát nước trên địa bàn TP không bố trí hố ga và đường ống chờ đấu nối kèm theo. “TP cũng không ban hành quy định cụ thể về đấu nối nên người dân và các cơ sở kinh doanh sẽ đấu nối tại vị trí cống gần nhất và hoàn trả lại vỉa hè theo nguyên trạng. Do vậy, việc kiểm tra, quản lý xả thải sau đó rất khó khăn” - ông Phong cho biết.

Lực lượng chức năng giúp người dân TP Đà Nẵng chạy lũ. Ảnh: TÂM AN

Nói nguyên nhân Đà Nẵng phải chịu trận ngập lụt lịch sử như ngày 9-12, ông Nguyễn Ngọc Tuấn (Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) cho rằng Sở Xây dựng là cơ quan chịu trách nhiệm chính về thoát nước. “Sở Xây dựng sẽ có báo cáo cụ thể” - ông Tuấn nói.

Đặt câu hỏi với KTS Bùi Huy Trí (Trưởng phòng Quản lý quy hoạch - phát triển đô thị, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng) về nguyên nhân ngập, ông khẳng định đợt này mưa rất to, kéo dài nên ngập cả các tỉnh khác chứ không riêng gì Đà Nẵng.

“Có hồ điều tiết đương nhiên phải tốt hơn rồi. Nhưng cụ thể có phải do quy hoạch hay không thì chưa kết luận được”. Ông Trí cho rằng không đến nỗi ngập kéo dài, tức khả năng thoát nước không phải là quá kém.

Ông Phạm Văn Chiến (Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung bộ) cũng cho biết các trận mưa lớn như mấy ngày qua rất ít khi xảy ra vào thời điểm này. Điều này gây nên ngập úng ở các khu vực vì khả năng thoát nước không kịp.

Các chuyên gia hiến kế

Dư luận cho rằng do nhiều dự án san lấp mặt bằng, lấp sông để phân lô, bít đường thoát nước gây nên tình trạng ngập lụt trên. KTS Bùi Huy Trí khẳng định: Đường cống không thể đáp ứng được lượng mưa đến mức độ kinh khủng như vậy.

Còn ông Huỳnh Vạn Thắng thì cho rằng việc san lấp mặt bằng ồ ạt, lấp hồ điều tiết cũng là một nguyên nhân gây ngập nhưng với lượng mưa 635 mm, vượt mưa kỷ lục năm 1999 (593 mm), hệ thống thoát nước không chịu nổi.

Ông đề nghị lãnh đạo TP Đà Nẵng cho rà soát lại toàn bộ hệ thống thoát nước, từng bước điều chỉnh mở rộng toàn bộ hệ thống thoát nước. “Đà Nẵng đang điều chỉnh quy hoạch và phải đặc biệt quan tâm đến thoát nước, đừng để nặng như TP.HCM rồi cứu không được” - ông Thắng nói.

KTS Bùi Huy Trí cũng hiến kế Đà Nẵng cần rà soát hết khả năng thoát nước trong đô thị, hồ điều tiết. Đồng thời phải hạn chế bê tông hóa, thay các khu vực bê tông thành hình thức lát gạch, chừa chỗ cho cỏ cây để rút nước. TP cũng phải chi tiền để làm hệ thống cống lớn hơn. Bởi dân ngày càng đông, nhà cao tầng, mật độ ở cao nên việc bê tông hóa quá lớn.

Quảng Nam cầu cứu vì lo thiếu nước

Trong khi vùng hạ du bị ngập lụt thì Quảng Nam có công văn hỏa tốc gửi Bộ Công Thương yêu cầu chỉ đạo thực hiện vận hành tích nước các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn. Lý do là đến ngày 10-12, các hồ thủy điện vẫn thực hiện vận hành xả nước qua phát điện theo yêu cầu huy động của Cục Điều tiết điện lực nên mực nước tại các hồ chứa không thể đạt mức nước quy định, trong khi còn năm ngày nữa là đến thời hạn cuối của mùa lũ, tổng lượng nước thiếu hụt của bốn nhà máy thủy điện là gần 800 triệu m3. Đây là lượng nước thiếu hụt nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.

Để đảm bảo nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân vùng hạ du sông Vu Gia-Thu Bồn (Quảng Nam và Đà Nẵng), Quảng Nam đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực tách bốn nhà máy trên ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh để tích nước hồ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm