Bà lão đang lim dim chợt tỉnh giấc, nặng nề đưa đôi bàn tay run run làm dấu số ba. Trong phút chốc, nét mặt người đàn ông có thoáng ngượng ngùng: “Chết rồi, con đem xuống có 25.000 đồng à, ngoại chờ con chút”. Bà lão xua xua tay, tỏ vẻ chấp nhận số tiền trên. Nhưng người đàn ông cương quyết: “Đâu có được, ngoại ngồi đây nắng mưa cực khổ, bán thì phải có lời chứ”. Đoạn ông ta chạy đến ghé vào tai cô nhân viên bán cà phê gần đó nói nhỏ, mượn được 5.000 đồng. Người đàn ông nhẹ nhàng trao cho bà cụ, hào hứng nói: “Đó, ngoại thấy chưa, con có đủ tiền rồi nè. Ở đây người ta tốt lắm, không quen biết gì mà hỏi mượn tiền cũng cho liền hà!”.
Bà cụ nhoẻn miệng cười, bóng người đàn ông dần khuất. Đến lượt cô nhân viên bán cà phê tiến lại, móc ra 10.000 đồng bỏ vào túi vải, rồi tự động lấy cây chewing gum. Xé một tép mời khách, cô gái giải thích: “Muốn cho tiền cụ phải mua đồ, chứ không cụ giận, không thèm nói chuyện. Cụ giận dai lắm, cả tuần cũng còn nhớ”.
Chú Dũng, người có thâm niên mấy chục năm làm xe ôm nơi này, cho biết bà cụ ngồi đây đã ba năm. Trước đó, cụ “hành nghề” bên đường Nguyễn Huệ nhưng rồi đường bị quy hoạch, cấm bán hàng rong. Cụ tên Trương Thị Lệ, 87 tuổi, quê Cần Đước (Long An), theo cha mẹ lên Sài Gòn sinh sống từ nhỏ, có thâm niên bán dạo hơn 50 năm.
Cứ mỗi sáng sớm, con trai cụ Lệ chở cụ từ nhà ở quận 8 sang, rồi vội vã chạy qua chợ An Đông hành nghề xe ôm. Do quá già yếu, cụ chỉ ngồi một chỗ suốt từ sáng đến tối. Mấy anh quản lý đô thị thấy vậy động lòng, đuổi ai thì đuổi chứ cụ nhất quyết không, nhiều khi lại mua thuốc lá ủng hộ nữa.
Hỏi cụ không đi đứng được, lỡ trái gió trở trời hoặc người có ý đồ xấu đến phá biết tính làm sao, cụ Lệ cười móm mém nói: Hễ mà mưa rớt xuống là mấy anh bảo vệ cao ốc chạy ra ẵm cụ với cái “sạp hàng” vô liền, khi nào nắng quá thì họ lấy dù che cho. Còn cái túi vải đựng tiền bán hàng cụ cứ để toang hoác, hồi trước mấy đứa lưu manh đến giả bộ mua thuốc rồi giật đồ bỏ chạy nhưng chú Dũng cùng mấy anh em xe ôm gần đó chặn đường bắt lại liền, có mất mát gì đâu. Ở đây cụ được bảo vệ cẩn thận lắm.
Sợ khách hiểu lầm con cháu mình bất hiếu để mẹ già phải còng lưng phố thị kiếm ăn, cụ Lệ thanh minh liền: “Con trai với con gái kêu về để nó phụng dưỡng hoài. Cũng thử nằm nhà một vài tháng nhưng cứ đau nhức mình mẩy. Con cái đi làm suốt, tuổi già cô đơn khổ lắm chú ơi. Ra đây dù người dưng nước lã nhưng ai cũng thương mình, tui thấy tình người thật đáng quý”.
Hôm nào đắt hàng, cụ Lệ bán được hơn 80.000 đồng, khi ế thì một đồng cũng không thấy. Không có tiền nhưng chưa bao giờ cụ bị đói bởi luôn có những tấm lòng chia sẻ mang đến cho cụ đồ ăn. “Gói xôi và ly cà phê này cũng là mấy cô mấy cậu cho tôi hồi sáng đó” - cụ Lệ dẫn chứng.
Cụ nói sẽ tranh thủ bán đến chiều 29, tối mới về rước giao thừa. Ăn tết chi nhiều, vui xuân với con cháu một vài ngày, mùng 2 lại làm việc. Con người mà không làm việc thì coi như hỏng rồi.
Tôi biết ngày nào của cụ Lệ cũng là mùa xuân.